Nhà thầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các hạng mục cuối cùng tại khu tái định cư Lau Bai, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) để kịp thời di chuyển các hộ dân trước mùa mưa bão năm nay.
Hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục bị phá hủy nghiêm trọng, nhiều khu vực bị cô lập, tiếp cận khó khăn. Hầu hết diện tích lúa, hoa màu bị ảnh hưởng, trong đó gần 1 vạn ha lúa, hoa màu bị thiệt hại hoàn toàn. ước tính tổng thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng và phải rất lâu mới khắc phục được. Trong tỉnh xuất hiện 150 điểm sạt lở, 1.680 hộ phải di dời. Tỉnh đang tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án tái định cư để ổn định cuộc sống người dân.
Những yếu kém, khó khăn trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai năm 2017 được đề cập đó là: Việc dự báo, cảnh báo sớm về lũ ống, lũ quét, trượt sạt còn nhiều bất cập, chủ yếu mới dự báo được mưa và lũ trên các sông chính. Phương án, các kịch bản ứng phó với thiên tai chưa thực sự sát với thực tế, kế hoạch phòng, chống thiên tai của các ngành còn chung chung, hình thức, khó triển khai ở thực tế. Đặc biệt một số địa phương chưa đánh giá hết mức độ nguy hiểm của thiên tai, chưa kiên quyết trong di dời, cưỡng chế người dân khi xảy ra mưa lũ lớn. Có nơi vẫn để người dân tham gia giao thông, đánh bắt thủy sản tại vùng, khu vực nguy hiểm…
Xuất phát từ thực tế trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN). Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu: Các sở, ngành, tổ chức, các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện phương châm "4 tại chỗ” trong PCTT&TKCN, khẩn trương kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN, xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng, triển khai các phương án PCTT&TKCN sát với điều kiện thực tế, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh: Tình hình thời tiết đang có những biểu hiện bất thường. ở nhiều địa phương xung quanh tỉnh ta đã xuất hiện giông lốc, mưa lớn gây thiệt hại về nhà cửa, hoa màu. Ngay trong tháng 3/2018, một số nơi trên địa bàn đã xuất hiện mưa đá, cho thấy những nguy cơ, cảnh báo về thiên tai bất thường. Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, mưa lũ gây ra, các cấp, các ngành cần đề cao tinh thần cảnh giác, theo dõi sát diễn biến thời tiết, khẩn trương triển khai những phương án ứng phó với thiên tai, mưa lũ. Các huyện, thành phố rà soát lại kế hoạch, phương án PCTT, phương án ứng phó với sự cố thiên tai, rà soát các khu vực nguy cơ trượt sạt, lở núi, đất, đá, lũ ống, lũ quét, khu vực nguy cơ ngập lụt, tổ chức ứng trực cảnh báo, di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, không cho người và phương tiện qua lại những khu vực nguy hiểm khi lũ lớn, trượt sạt, lở núi, đồi. Rà soát, kiểm tra công trình, nhà cửa, các phòng học, trường học chưa được kiên cố, không bảo đảm an toàn; có phương án chằng chéo, di chuyển học sinh, người dân khi có tình huống thiên tai xảy ra, nhất là khi có giông lốc, bão mạnh; triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho người dân đi lại bằng thuyền trên hồ Hòa Bình và qua các sông, suối, các vị trí thường xảy ra ngập úng, lũ quét… Khẩn trương hoàn thành tu bổ, củng cố các tuyến đê, đập, hồ chứa, phát hiện và xử lý hư hỏng, ẩn họa; hoàn thành thi công các công trình hạng mục vượt lũ trước lũ tiểu mãn.
Đối với các huyện có đê như Lương Sơn, Kỳ Sơn, TP Hòa Bình cần lập phương án huy động lực lượng, vật tư, phương tiện cứu hộ để khi xảy ra sự cố, kiểm tra và xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Đê điều, Luật PCTT.
Rút kinh nghiệm từ công tác khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ lịch sử xảy ra, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, đơn vị trên địa bàn xây dựng và triển khai phương án PCTT&TKCN trên cơ sở phương châm "4 tại chỗ” lấy phòng ngừa là chính. Theo đó, chỉ đạo: Các đơn vị liên quan triển khai kế hoạch chuẩn bị, tích trữ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết tại những khu vực có thể cơ động, cung cấp kịp thời cho những khu vực có khả năng bị cô lập khi mưa lũ lớn, trượt sạt đất, đá xảy ra, nhất là tại các xã vùng cao, các khu vực ven sông, suối… Xây dựng và triển khai phương án xử lý nhanh nhất những ách tắc về giao thông, bảo đảm giao thông, thông tin liên lạc tại những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng cao thường xuyên bị chia cắt trên địa bàn. Theo thường trực Ban chỉ huy PCTT& TKCN tỉnh, công tác PCTT năm nay ngoài việc xây dựng phương án cụ thể, sát với thực tế, cần đặc biệt chú trọng công tác phối hợp, phân công rõ trách nhiệm trong chỉ đạo, xử lý, khắc phục hậu quả thiên tai, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, mưa lũ gây ra, bảo vệ tính mạng và sản xuất của người dân vùng thiên tai.