(HBĐT) - Huyện Kim Bôi có 228 công trình thuỷ lợi các loại. Hệ thống thủy lợi được đầu tư, song nhiều công trình đã xuống cấp. Hàng năm, nhất là khi nắng hạn kéo dài, nhiều diện tích cây màu và lúa chiêm xuân không đủ nước tưới. Tình trạng nắng nóng đã và đang diễn ra phức tạp, thiếu nước tưới phục vụ nhu cầu sản xuất trên địa bàn huyện là rất lớn. Vì thế, việc chủ động chống hạn là nhiệm vụ quan trọng được huyện Kim Bôi quan tâm hàng đầu.
Cơn mưa trung tuần tháng 4 với lượng mưa trung bình ít và
kết thúc sớm hơn so với những năm trước không thể làm dịu "cơn khát” của những
cánh đồng lúa và hoa màu trên địa bàn huyện Kim Bôi. Ngay sau đó là tình hình
thời tiết nắng nóng kéo dài làm cho lượng nước trên các con suối, hồ, đập xuống
thấp. Nếu tình trạng này kéo dài liên tục thì nguồn nước phục vụ cho sản xuất
nông nghiệp cũng như sinh hoạt của người dân và gia súc, gia cầm trên địa bàn
huyện sẽ thiếu hụt rất lớn. Trước tình hình đó, huyện Kim Bôi đã triển khai
nhiều giải pháp nhằm chủ động đối phó với hạn hán, bảo vệ sản xuất vụ đông xuân
và vụ hè thu sắp tới.
Mấy hôm nay, ngày nào chị Quách Thị Thảo, xóm Đầm Rừng, xã
Vĩnh Tiến cũng ra thăm đồng làm cỏ lúa. Nhìn ruộng lúa khô nứt nẻ vì thiếu
nước, chị chia sẻ: Diện tích cấy lúa nhà tôi có 1.000 m2. Chưa có năm nào lại
hạn nặng như năm nay. Mặc dù ruộng ở ngay gần mương nhưng không có nước tưới.
Vụ mùa 2017 không bị hạn nhưng ảnh hưởng mưa bão, toàn bộ diện tích lúa bị mất
trắng. Giờ là giai đoạn lúa phát triển cần có nước để dưỡng ẩm nhưng cứ tình
trạng nắng nóng kéo dài thế này thì lại thêm 1 vụ mất mùa và thiếu đói là điều
khó tránh khỏi.
Chị Quách Thị Thảo,
xóm Đầm Rừng, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi) xót xa bên mảnh ruộng khô hạn vì thiếu
nước.
Tâm trạng của chị Thảo cũng là tâm trạng chung của
hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện Kim Bôi thời điểm này. Theo thống kê, đến
giữa tháng 4, toàn huyện Kim Bôi có 2.118 ha bị hạn gồm diện tích lúa hơn 1.000
ha và 1.121 ha màu. Trong đó, hạn có nguồn nước 638 ha và hạn không có nguồn
nước 377 ha. Nguồn nước phục vụ sản xuất chủ yếu dựa vào sông suối với hệ thống
bai đập. Đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2017 đã làm hư hỏng 34 công trình thuỷ lợi
trên địa bàn huyện, thiệt hại 152 tỷ đồng cần ưu tiên sửa chữa.
Đồng chí Vũ Thị Ngọc, Trưởng phòng NN&PTNT huyện
Kim Bôi cho biết: Trước tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức
tạp, nắng nóng có thể kéo dài, lượng mưa ít ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông
nghiệp. Ngay từ đầu vụ, huyện Kim Bôi đã xây dựng phương án chống hạn nhằm quản
lý, phân phối nguồn nước hợp lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên phục vụ
cho sản xuất nông nghiệp và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Cụ thể, huyện chỉ
đạo các xã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, không gieo cấy lúa ở những
diện tích không chủ động được nước tưới, chuyển sang trồng những loại cây sử
dụng ít nước phù hợp. Vụ xuân 2018, toàn huyện đã chuyển đổi được gần 170 ha
sang trồng các loại rau, màu. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo
phòng, chống hạn, xây dựng các giải pháp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng
thành viên, tập trung huy động mọi nguồn lực và phương tiện phục vụ cho công
tác chống hạn. Theo đó, đối với những công trình hồ, đập sẽ có biện pháp tu sửa
lại những chỗ hư hỏng, đắp đất hai bên cống đập. Các đoạn mương đã được kiên cố
hóa mà hư hỏng, rò rỉ sẽ được gia cố lại nhằm hạn chế thất thoát nước, tận dụng
tối đa nguồn nước hiện có. Đồng thời, tổ chức phát động chiến dịch toàn dân làm
công tác thuỷ lợi vào tháng 4 và tháng 11 hàng năm, huy động nguồn lực từ nhân
dân ở các thôn, xóm thực hiện nạo vét các tuyến kênh mương nội đồng, khơi thông
dòng chảy dẫn nước tưới cho các cánh đồng. Với những công trình thuỷ lợi bị hư
hỏng, do thiên tai huyện đề xuất lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư nâng cấp,
sửa chữa. Đến nay, có 5 công trình thuỷ lợi được đầu tư sửa chữa hiện trong
giai đoạn đấu thầu với kinh phí đầu tư 37
tỷ đồng.
Hàng năm, huyện cũng trích ngân sách hỗ trợ tiền dầu
cho các xã phải sử dụng máy bơm để bơm nước từ các ao, hồ, sông, suối tưới cho
các cánh đồng với mức hỗ trợ 325.000 đồng/ha. Vụ này, các xã đang đề xuất huyện
hỗ trợ 13 máy bơm các loại, trong đó, xã Tú Sơn 2 máy bơm D8, xã Đông Bắc 3 máy
bơm D8, xã Trung Bì 4 máy bơm D18, xã Kim Bình 4 máy bơm D12. Bên cạnh đó, các
xã vận động nhân dân mua máy bơm công suất nhỏ để bơm nước chống hạn đối với
những nơi có nguồn nước, dẫn nước phục vụ tưới cho cây lúa và hoa màu. Huyện
cũng chỉ đạo các ban, ngành, hội, đoàn thể, xã vận động nông dân theo dõi chặt
chẽ tình hình diễn biến của thời tiết, khí hậu, mực nước trong mùa khô, rà
soát, kiểm tra các công trình kênh mương, cống đập để chủ động triển khai thực
hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống hạn, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Đinh
Thắng