Một số doanh nghiệp kinh doanh cát, sỏi khu vực phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) đổ đất lấn chiếm lòng sông Đà gây mất mỹ quan đô thị và làm biến đổi dòng chảy con sông.
Trở lại ven bờ sông Đà, khu vực phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) trong những ngày đầu tháng 4. Trên bến sông, chẳng biết từ bao giờ một số doanh nghiệp đổ đất lấp kín một đoạn bờ sông Đà. Trên khu vực này, hàng ngàn m3 cát, sỏi được nhiều doanh nghiệp tập kết, từ đó vận chuyển đến người tiêu dùng, doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Theo chính quyền TP Hòa Bình, bãi tập kết cát, sỏi gây bức xúc nhất thuộc khu vực phường Thịnh Lang, từ đường Hoàng Văn Thụ ra đến mép sông Đà. Trước đây, khu vực này đã được Nhà nước đầu tư cứng hóa bê tông dọc 2 bờ đê. Tuy nhiên, sau đó doanh nghiệp tiếp tục đổ đất, đá ra ngoài mép sông tạo thêm mặt bằng.
Việc làm trên của các doanh nghiệp không những gây nguy hiểm cho tàu bè qua lại đoạn sông mà còn làm dòng chảy thay đổi. Một phần vì nguyên nhân này, cộng với việc trong mùa mưa lũ năm 2017 nhà máy thủy điện Hòa Bình mở nhiều cửa xả đáy làm hàng chục hộ dân phường Đồng Tiến, khu vực chưa được kè bê tông (đoạn qua cầu Trắng vài trăm mét) bị nứt, lở đất, có nguy cơ bị sập nhà bất cứ lúc nào. Thiệt hại vô cùng lớn, hiện nay thành phố vẫn phải tiếp tục khắc phục bằng cách đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng khu tái định cư và di dời nhiều hộ dân đến nơi ở mới.
Theo đồng chí Nguyễn Việt Hùng, Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Hoà Bình, hiện trên địa bàn có 16 doanh nghiệp giao dịch, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi. Các doanh nghiệp đã tận dụng lợi thế của dòng sông và hai bên bờ sông Đà để tập kết, giao dịch, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi.
Trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp cam kết không mua bán cát, sỏi trái phép. Một số doanh nghiệp điển hình hiện đang kinh doanh cát, sỏi khu vực hai bên bờ sông Đà (TP Hòa Bình) như: doanh nghiệp tư nhân Xuân Quỳnh, Chi nhánh Công ty CP Vận tải thủy 1, Công ty TNHH Hường Trang, doanh nghiệp tư nhân Ben Khải, Công ty TNHH Tiến Thu...
Tuy nhiên, theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Thanh Huy, Chủ tịch UBND TP Hòa Bình, việc tập kết, giao dịch, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi của các doanh nghiệp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang đê điều, cản trở dòng sông Đà khi mưa lũ lớn và ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, vệ sinh môi trường hai bên bờ sông Đà. Đặc biệt, một số doanh nghiệp đã lấn chiếm hành lang đê và hành lang giao thông.
Đối với TP Hòa Bình đã nhiều lần tổ chức giải toả, ngăn chặn việc khai thác trái phép cát, sỏi trên sông Đà. Lực lượng chức năng nhiều khi phải trực cả đêm để bắt quả tang hành vi vi phạm của một số doanh nghiệp kinh doanh cát, sỏi. Cùng với đó, tổ công tác liên ngành của thành phố phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng Công an tỉnh thường xuyên tuần tra dọc hai bên bờ sông Đà. Theo đó, yêu cầu giải tỏa các tàu, thuyền đang neo đậu có dấu hiệu vi phạm khai thác cát, sỏi trái phép.
Đồng thời, thành phố đã tăng cường việc quản lý, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, kinh doanh vận tải cũng như giám sát chặt khu vực mặt bằng chứa vật liệu xây dựng trái phép... Kiên quyết không cho việc vi phạm đổ đất lấn chiếm lòng sông Đà tiếp diễn, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành thực hiện giải toả, di chuyển các điểm tập kết, kinh doanh cát, sỏi trái phép.
Hồng Trung