Nông dân xã
Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải áp dụng hiệu quả mô hình tưới nước tiết kiệm cho vườn
nho trong mùa khô hạn 2018. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Giữa mùa khô hạn nhưng vườn nho 3 sào (3.000m2) của gia đình anh Phạm Văn Thu
(ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) vẫn trải cành trái xanh tốt như không hề bị
tác động của thời tiết nắng nóng trong nhiều tháng qua.
Những năm trước, cứ vào mùa khô hạn nhiều cây nho của gia đình anh Thu lại bị chết
khô do không đủ nước tưới. Nhưng từ ba năm nay, nhờ áp dụng công nghệ tưới tiết
kiệm nước phun mưa nên gia đình anh Thu không còn nỗi lo thiếu nước tưới.
Anh Phạm Văn Thu cho biết, trước đây, tưới tràn rất lãng phí nước và tốn công
lao động, qua tìm hiểu các cách tưới hiệu quả, năm 2016 gia đình quyết định đầu
tư 15 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới phun mưa tự động. Từ khi lắp đặt hệ thống
tưới nước tiết kiệm, gia đình đã chủ động được lượng nước tưới.
Việc tưới nước tiết kiệm giúp giữ được độ ẩm của đất theo nhu cầu sinh trưởng,
phát triển của cây nho, cây không bị kiệt sức do thiếu nước tưới.
Bên cạnh đó, tưới phun mưa không gây ra hiện tượng úng cục bộ như tưới tràn,
giúp bộ rễ cây nho phát triển khoẻ, có thể đưa phân bón trực tiếp vào nguồn nước
tưới, giúp giảm thiểu lượng phân bón bị thất thoát do bốc hơi hoặc bị rửa trôi
do tưới tràn quá nhiều.
Nông dân xã
Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải áp dụng hiệu quả mô hình tưới nước tiết kiệm cho vườn
nho trong mùa khô hạn 2018. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Đánh giá về mô hình tưới nước tiết kiệm, ông Nguyễn Hải Đăng, Phó Chủ tịch Ủy
ban nhân dân xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải cho hay, nhờ áp dụng mô hình tưới nước
tiết kiệm mà hiện nay bà con ở địa phương vẫn đang duy trì sản xuất liên tục
182ha nho, 46ha hoa màu.
Trung bình mỗi sào, đầu tư thiết bị tưới phun mưa cần từ 4-5 triệu đồng, tưới
nhỏ giọt đầu tư từ 10 đến 12 triệu đồng, tưới tiết kiệm có thể áp dụng cho nhiều
đối tượng cây trồng và trên nhiều địa hình sản xuất khác nhau.
Việc sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm không chỉ giảm được nguồn nhân công mà
còn giúp tiết kiệm nước cũng như phân bố đều lượng nước cho cây trồng trong mỗi
lần tưới nên bà con có đủ lượng nước để duy trì tưới quanh năm, tạo điều kiện sản
xuất ổn định và có điều kiện mở rộng sản xuất ở những vùng khan hiếm nước.
Không chỉ áp dụng tưới tiết kiệm cho cây nho, nhiều nông hộ cũng đang nhân rộng
mô hình tưới tiết kiệm trên một số loại cây trồng như măng tây xanh, hành, ngò,
và một số cây hoa màu khác.
Đứng bên vườn măng tây xanh 5 sào tươi tốt đang tưới phun mưa, ông Từ Văn Hay
(ở xã An Hải, huyện Ninh Phước) cho biết, những năm trước để có nước tưới ông
phải bỏ từ 30 đến 40 triệu đồng thuê thợ khoan giếng để lấy nước sản xuất.
Tuy nhiên, do khô hạn liên tục xảy ra trong những năm gần đây khiến nguồn nước
khan hiếm, cộng với nhu cầu nước tưới tăng cao vào mùa hè nên mỗi năm ông lại
phải bỏ tiền khoan giếng mới sâu hơn hàng chục mét để lấy nước sản xuất nhưng vẫn
thiếu nước tưới vào mùa khô hạn.
Để đảm bảo nguồn nước tưới, năm 2016 ông quyết định đầu tư hơn 40 triệu đồng lắp
đặt hệ thống tưới nước phun mưa tự động và tưới nhỏ giọt thay cho tưới tràn
truyền thống. Do lượng nước tự động được điều tiết nên tiêu tốn ít, đủ để giữ ẩm
cho cây trồng mà nước không bị thất thoát chảy tràn ra ngoài nên tiết kiệm được
một lượng nước khá lớn.
Theo tính toán hệ thống tưới tiết kiệm đã giúp ông tiết giảm từ 30 đến 40% lượng
nước tưới so với tưới tràn. Trong khi xả van tưới tự động ông có thể làm các
công việc khác thay vì phải đứng canh cả buổi để bơm tưới như trước đây. Ngoài
ra, lượng phân bón cho cây trồng cũng đưa qua hệ thống tưới nước tiết kiệm nên
giảm được khá nhiều chi phí.
Ông Hay cho biết thêm, trước đây, bà con nông dân chủ yếu tưới thủ công là bơm
nước lên các mương tràn để cho nước tự chảy vào ruộng rồi thấm xuống, hoặc tưới
tràn trên mặt đất dẫn đến việc thất thoát nước khá lớn, tốn nhiều công tưới và
xói mòn đất.
Hệ thống tưới
tiết kiệm phun mưa cho hoa màu trên vùng đất cát ở xã An Hải, huyện Ninh Phước,
tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Để tiết kiệm nước, bà con hiện nay đang áp dụng hai cách tưới tiết kiệm là tưới
phun mưa và nhỏ giọt. Hệ thống được lắp đặt khá đơn giản gồm: máy bơm, bồn nước,
đường ống lắp van điều tiết đặt khắp vườn và chỉ cần 1 người vặn van xả nước là
tưới được khắp vườn.
Với địa hình vùng đất cát khô cằn như xã An Hải, vào mùa hè nhu cầu nước tưới
tăng cao, việc sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm trên các cây trồng như măng tây
xanh, đậu phộng, hành, ngò đã giúp bà con giải được bài toán thiếu nước tưới,
duy trì được sản xuất.
Tưới nước tiết kiệm là một trong những giải pháp khả thi nhằm sử dụng nguồn nước
tưới hợp lý và hiệu quả trước tác động, ảnh hưởng của khô hạn. Do đó, ngành
nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận đã và đang tích cực triển khai nhân rộng áp dụng tưới
tiết kiệm trên diện tích các loại cây trồng như nho, măng tây xanh, và một số
các cây rau màu khác.
Ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm vào sản xuất được các cơ quan chuyên môn
đánh giá là có nhiều ưu điểm vượt trội so với cách tưới truyền thống. Tuy
nhiên, việc áp dụng vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn
chế, chưa thực sự phát huy hết hiệu quả.
Để khuyến khích các nông hộ mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm cho
các cây trồng, tỉnh Ninh Thuận cần có các chính sách khuyến khích, ưu đãi về vốn
để đầu tư và lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm.
Bên cạnh đó, các đơn vị cung ứng vật tư, thiết bị tưới nước tiết kiệm cần tăng
cường các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ và chuyển giao công nghệ lắp đặt hệ thống. Từ
đó, các mô hình tưới nước tiết kiệm sẽ được nhân rộng, góp phần duy trì sản xuất,
phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận./.
Vietnamplus
Lượng khí carbon dioxide (CO2) trong bầu khí quyển của Trái Đất đã đạt tới mức kỷ lục trong 800.000 năm qua.