(HBĐT) - Mặc dù cách quốc lộ 6 chỉ hơn 2 km, thế nhưng, xóm Bưng, xã Quy Hậu (Tân Lạc) vẫn chưa thể bứt phá trong phát triển kinh tế. Đường giao thông còn nhiều trắc trở là một trong những rào cản lớn khiến hành trình thoát nghèo ở bản Mường này gặp khá nhiều gian nan...


Đường giao thông trắc trở nên bà con xóm Bưng, xã Quy Hậu (Tân Lạc) gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế.

 

Bưng là 1 trong 3 xóm đặc biệt khó khăn của xã Quy Hậu. Xóm có 25 hộ dân, nằm biệt lập so với các khu dân cư trong xã. Năm 2011, Nhà nước hỗ trợ xây dựng trạm biến áp, bà con nơi đây mới được hưởng niềm vui có điện. ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến xóm Bưng là một bản làng xinh xắn, nằm trên triền đồi, phía sau là cánh rừng phòng hộ bạt ngàn sắc xanh với diện tích trên 100 ha. ông Bùi Văn Thạnh, Trưởng xóm Bưng cho biết: Từ khi được Nhà nước giao rừng, bà con trong xóm luôn nỗ lực bảo vệ. Trong những năm qua, xóm đã có nhiều hướng đi trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nổi bật nhất là việc đưa cây mía trắng ép nước vào trồng. Thổ nhưỡng phù hợp nên cây mía phát triển tốt, đạt năng suất cao. Tuy nhiên, đường giao thông hiện nay mới bê tông hóa gần một nửa nên vào mùa mưa, đường trơn trượt, lầy lội, việc tiêu thụ hàng hóa, nông sản khó khăn. Chính vì thế mà hành trình thoát nghèo gặp nhiều gian khó. Hiện nay, xóm Bưng vẫn còn 10 hộ nghèo (chiếm 40%), 5 hộ cận nghèo, tỷ lệ này cao hơn so với mức bình quân của xã.

Diện tích trồng mía của xóm Bưng khoảng 6 ha. Cây mía trắng ép nước bắt đầu thu hoạch từ tháng 4, tháng 5 khi chuyển sang hè. Đây cũng là thời điểm bắt đầu của mùa mưa, bão. "Mưa xuống thì chỉ có đi bộ thôi, cây mía cũng ế ẩm. So với ở ngoài mặt đường, mặc dù trong này cây mía ngọt đậm, chất lượng cao hơn nhưng luôn bị thương lái ép giá. Khổ nhất là học sinh có cháu phải đi học xa đến 6 - 7 km. Vào những hôm mưa, đường lầy lội quá, các cháu đến trường không đảm bảo thời gian theo quy định, có hôm phải nghỉ học”, ông Thạnh cho biết.

Gia đình anh Bùi Văn Thành trồng mía được 5 năm nay với diện tích 7.000 m2. Nhờ chịu khó chăm sóc nên vườn mía phát triển tươi tốt. Với diện tích này, nếu thu hoạch vào thời điểm thời tiết khô ráo thì cây mía đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình anh Thành. Thế nhưng, gia đình anh Thành cùng các hộ trồng mía khác như ngồi trên đống lửa nếu chặt mía vào những ngày mưa. Sau cơn mưa lớn, con đường độc đạo về Bưng mất gần cả tuần mới khô ráo trở lại. Còn vào những đợt mưa kéo dài, mía chặt xuống phải bất đắc dĩ nằm lại vườn cả tháng trời. Điều này không chỉ làm giảm chất lượng cây mía mà còn ảnh hưởng lớn đến sản xuất cho vụ tiếp theo.

"Thu nhập chủ yếu của gia đình trông vào cây mía. Sau một năm chăm sóc, chỉ mong có được nguồn thu nhập để trang trải đời sống. Nhìn chung, cây mía phù hợp với đồng đất ở xóm, mía trồng trên đồi nên rất ngọt, thương lái cũng ưa chuộng. Thế nhưng, đầu ra bấp bênh lắm vì sự biến động của thị trường, đặc biệt là đường giao thông. Đến kỳ thu hoạch mía rồi mà trời mưa xuống thì chúng tôi chỉ biết khóc thôi. Mưa gió đi bộ còn khó chứ nói gì đến ô tô vào chở mía. Chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm của cấp trên, đầu tư xây dựng đường thuận lợi, tạo động lực phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo”, anh Thành bày tỏ.

Chúng tôi đến xóm Bưng trong một ngày nắng ráo, dù vậy, hơn 1 km đường vào Bưng gập ghềnh sỏi, đá, bụi bặm. Đường nội xóm còn trắc trở hơn với những đoạn đường ngoằn ngoòe. Con dốc dài chừng 30 mét dẫn lên khu sản xuất vừa nhỏ hẹp lại gồ ghề những tảng đá, rãnh nước. Có thể tưởng tượng được trong những ngày mưa, việc đi lại trên con đường này sẽ gặp vô vàn khó khăn.

Đồng chí Bùi Văn Hiển, Chủ tịch UBND xã Quy Hậu cho rằng, bà con xóm Bưng gặp nhiều trở ngại trong phát triển kinh tế do đường giao thông chưa được đầu tư đồng bộ. Mặc dù chỉ có 25 hộ dân nhưng rất khó để sáp nhập xóm Bưng với các xóm khác theo chủ trương sáp nhập thôn, xóm mà tỉnh ta đang triển khai vì xóm nằm biệt lập. Để xóm Bưng từng bước thoát nghèo, trước mắt, xã sẽ tập trung huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông về xóm đặc biệt khó khăn này.

 

Viết Đào

Các tin khác


Hạn chế sử dụng thuốc diệt cỏ và thuốc bảo vệ thực vật ở xã Mường Chiềng, Đồng Chum

(HBĐT) - Trời gần trưa, nắng gắt mà chị Xa Thị Tuyển ở xóm Chum Nưa, xã Mường Chiềng (Đà Bắc) vẫn lúi húi ngoài ruộng dưa bắt sâu. Đưa chúng tôi đi xem vườn dưa, chị cho biết: Dưa chuột ở nơi khác mang đến đây bán rất khó, nhưng riêng hàng của tôi có bao nhiêu hết bấy nhiêu. Nhà tôi trồng 200 m2 dưa chuột.

Dự báo thời tiết 17/5: Nắng nóng trên diện rộng ở Bắc và Trung Bộ

Nắng nóng tiếp tục xảy ra trên diện rộng ở Bắc Bộ với mức nhiệt cao nhất phổ biến 35-36 độ, có nơi trên 36 độ.

Kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động tại huyện Kỳ Sơn

(HBĐT) - Ngày 15/5, Đoàn kiểm tra liên ngành An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tỉnh đã kiểm tra việc thực hiện pháp luật về ATVSLĐ, phòng - chống cháy nổ (PCCN), tại 2 doanh nghiệp trên địa bàn huyện Kỳ Sơn.

Đề cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở

(HBĐT) - Đà Bắc là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất tỉnh trong đợt mưa lũ lịch sử năm 2017. UBND huyện đang triển khai phương châm "4 tại chỗ”, trong đó đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai, bất trắc có thể xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, mưa lũ gây ra.

Họp bàn triển khai di dời các doanh nhiệp kinh doanh cát, sỏi chưa đúng quy hoạch ven bờ sông Đà

(HBĐT) - Chiều ngày 15/5, UBND thành phố Hòa Bình tổ chức hội nghị họp bàn các nội dung trong Công văn số 528/UBND-NNTN ngày 23/4/2018 của UBND tỉnh về việc thực hiện di chuyển các bãi tập kết kinh doanh cát sỏi không phù hợp với quy hoạch. Tham dự có đại diện các sở, ngành, đại diện phòng, ban, các xã, phường trực thuộc cùng các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, đơn vị tư vấn lập quy hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục