Công trình nước sạch theo Dự án ADDA từ năm 2011 tại xóm Chằng Giữa, xã Đông Phong (Cao Phong) mới sử dụng được vài tháng đã "đắp chiếu”.
Xóm Chằng Giữa nằm trên đỉnh đồi, có suối Bai Lậm bắt nguồn từ xã Xuân Phong chảy qua chân đồi nhưng thường cạn nước vào mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau), việc duy trì nước sinh hoạt không được đảm bảo. Do không có nguồn nước ổn định nên các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người dân rất bất tiện. Bà con thường xuyên phải chở từng can nước về để nấu nướng. Các hoạt động sinh hoạt khác đều phải ra mương, suối hoặc bơm nhờ nước về bể chứa gia đình để sử dụng.
Đồng chí Bùi Đức Thắp, Bí thư Chi bộ xóm Chằng Giữa cho biết: "Xóm có một hồ chứa dung tích khoảng hơn 10 m3 nước lấy từ suối Bai Lậm hoặc từ kênh mương của gia đình ông Bùi Minh Nụ thuê máy xúc tự đào và lắp đặt đường ống, máy bơm. Đa số người dân phải bơm nhờ nước từ máy bơm của ông Nụ và trả tiền điện sử dụng máy bơm cho ông mỗi khi bể chứa của nhà hết nước. Mỗi hộ đều có bể hứng nước vào mùa mưa và tích nước cho mùa khô”.
Theo quan sát của chúng tôi, nước trong hồ chứa đục nên người dân bơm nước về bể chứa gia đình phải đợi nước lắng cặn mới có thể sử dụng, thậm chí không qua hệ thống lọc. Bà con dùng nước đó để sinh hoạt hàng ngày. Một số hộ còn dùng nấu ăn, đun nước uống, nguy cơ mất an toàn vệ sinh rất cao.
Do địa thế không thuận lợi nên việc lấy nước từ mó nước duy nhất cách khu dân cư chừng 3 km cũng bị hạn chế. Công trình nước được xây dựng theo dự án ADDA từ năm 2011 đến nay cũng bỏ không. Đây là dự án gồm bể chứa nước dung tích khoảng 3 m3 với đường ống nối từ mó nước về bể chứa. Tuy nhiên, mới sử dụng được vài tháng công trình đã "đắp chiếu” do nguồn nước không đủ đáp ứng. Người dân phải tự đóng góp cải tạo, tu sửa đường ống để dẫn nước trực tiếp về bể chứa các hộ chứ không qua bể chứa của dự án.
Vào mùa mưa, nước trong mó ổn định hơn, các hộ phải phân lịch lấy nước theo giờ, thứ tự từng hộ. Mỗi hộ có 2 tiếng trong ngày để hứng nước từ ống dẫn vào bể chứa gia đình. Mùa khô chỉ vài hộ sống gần mó là lấy được nước để dùng, còn lại đều phải bơm nhờ nước của nhà ông Nụ.
Đồng chí Bùi Văn Ngân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Phong chia sẻ: "Gia đình tôi sinh sống tại xóm Chằng Giữa, mỗi ngày dù bận công việc nhưng cứ phải trực chờ đến giờ lấy nước để phục vụ ăn uống, sinh hoạt, nếu không quá giờ lại phải chờ vài ngày sau mới đến lượt lấy nước nên rất bất tiện. Không chỉ riêng tôi mà các hộ khác cũng trong hoàn cảnh tương tự nên không yên tâm lao động, sản xuất”.
Ngoài ra, toàn xã có 3 công trình nước sạch khác theo nguồn vốn 135 đến nay cũng "đắp chiếu” ở các xóm: Quáng Trong, Quáng Ngoài, Chằng Ngoài. Việc thiếu nước sinh hoạt ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Đồng chí Bùi Đức Thắp, Bí thư Chi bộ Chằng Giữa cho biết: "Bà con không thể chuyên tâm làm ăn, lao động sản xuất, hàng ngày cứ thấp thỏm trực đến đúng giờ lấy nước thì mới có nước mà dùng. Có những hộ phải đặt báo thức vào nửa đêm để dậy lấy nước. Thậm chí, có thời điểm người dân phải mua nước ở nơi khác chở đến với giá 200.000 đồng/bồn khoảng từ 1 - 2 khối nước, 70.000 đồng/tiếng bơm nước từ suối vào bể gia đình. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần trong những cuộc họp, tiếp xúc cử tri nhưng đến nay vẫn chưa có phương án giải quyết dứt điểm tình trạng này”.
Năm 2017, lãnh đạo huyện Cao Phong đã khảo sát địa hình xóm Chằng Giữa và có ý kiến chờ nguồn NSNN đầu tư cơ sở hạ tầng. Đời sống của bà con trong xóm còn nhiều khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo 22,7%, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp nên việc đóng góp khoản tiền lớn để xây dựng các công trình phục vụ tích trữ nước sinh hoạt gặp nhiều trở ngại. "Người dân xóm Chằng Giữa mong chính quyền các cấp hỗ trợ kinh phí để bà con khoan giếng nước cạnh suối Bai Lậm để sử dụng trước mắt. Đồng thời, có những phương án khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt về lâu dài để bà con yên tâm lao động sản xuất, được sử dụng nước hợp vệ sinh, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Thanh Sơn