Toàn cảnh hội nghị
Sau 5 năm thực hiện Luật Lưu trữ và 3 năm thực hiện Chỉ thị số 14 của UBND tỉnh, công tác lưu trữ và tài liệu lưu trữ tại tỉnh có chuyển biến tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lưu trữ được triển khai kịp thời. Tổ chức bộ máy làm công tác lưu trữ được củng cố, kiện toàn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thực hiện với nhiều hình thức. Kinh phí đầu tư cho công tác này được một số cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm hơn. Việc giao nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ lịch sử tỉnh 2 năm 2016 - 2017 được thực hiện khá nghiêm túc. Một số sở, ngành, UBND huyện, thành phố đã chỉnh lý dứt điểm tài liệu lưu trữ tồn đọng. Số lượng tài liệu lưu trữ đưa ra phục vụ khai thác, sử dụng ngày càng nhiều. Trong 5 năm, số lượng tài liệu lưu trữ được chỉnh lý đưa vào lưu trữ tại các cơ quan, tổ chức là 2.855,9 m giá. Có 776 lượt người khai thác sử dụng tài liệu lưu trữ tại Lưu trữ lịch sử tỉnh, 545 hồ sơ được đưa ra phục vụ độc giả; tại các cơ quan thuộc nguồn nộp lưu vào lưu trữ lịch sử là 10.170 lượt người; 4.225 hồ sơ được đưa ra phục vụ khai thác. Đến cuối năm 2017, tổng số tài liệu bảo quản tại kho Lưu trữ lịch sử tỉnh là 20 phông, với 26.877 hồ sơ, tương đương 390,1 m giá.
Tuy nhiên, một số cơ quan, tổ chức chưa đánh giá đúng mức vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện các quy định về công tác văn thư, lưu trữ, dẫn đến tình trạng tài liệu tồn đọng, tích đống nhiều. Số lượng, chất lượng cán bộ làm công tác văn thư, lưu trữ thiếu và yếu. Công tác lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan tại nhiều đơn vị chưa thực hiện nền nếp. Cơ sở vật chất phục vụ cho bảo quản tài liệu thiếu, chưa đảm bảo yêu cầu. Đa số cơ quan, đơn vị chưa hoàn thành chỉ tiêu nêu trong Chỉ thị số 14. Lượng tài liệu tồn đọng bó gói chưa được chỉnh lý từ năm 2015 về trước còn trên 2.000 m giá. Lượng tài liệu chưa được chỉnh lý từ sau năm 2015 tiếp tục phát sinh, công tác bảo quản tài liệu lưu trữ chưa tốt…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lưu trữ. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, thay đổi nhận thức về công tác lưu trữ. Bố trí biên chế trực tiếp làm công tác văn thư, lưu trữ của cơ quan, đơn vị và phải có đủ năng lực chuyên môn nghiệp vụ, am hiểu lý luận, cẩn trọng, tin tưởng. Tiếp tục thực hiện tốt Kế hoạch số 155/KH-UBND, ngày 30/9/2017 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 35/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan, lưu trữ lịch sử. Đưa nội dung chấp hành pháp luật về văn thư lưu trữ thành một trong các tiêu chí đánh giá cán bộ hàng năm. Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu, đề xuất về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác văn thư, lưu trữ; tăng cường hướng dẫn, thanh - kiểm tra việc thực hiện các quy định. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động lưu trữ, số hóa tài liệu lưu trữ lịch sử của tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ thi công hạng mục kho lưu trữ chuyên dụng của tỉnh. Chủ động xây dựng kế hoạch để chỉnh lý, đến năm 2021 phải xử lý xong tài liệu lưu trữ tồn đọng từ năm 2015 về trước, tuyệt đối không để phát sinh tài liệu tồn đọng, bó gói từ sau năm 2015.
Cẩm Lệ