Đồng chí Đinh Thị Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Do Nhân cho biết: Trận mưa lớn năm ngoái gây ra thiệt hại về tài sản của nhân dân. Trong đó, khoảng 60 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, ao cá bị vỡ làm thất thoát 1,2 tấn cá; 60 mét mương tưới tiêu bị hư hỏng nặng. Đặc biệt, tình trạng sạt lở đất khiến 17 hộ dân phải di dời. Trong đó có 3 hộ (Bùi Văn Năm, Bùi Văn Nia và Bùi Văn Phơi, cùng trú tại xóm Tà) phải di dời cấp bách đã được di dời, cuộc sống dần ổn định. Còn lại những hộ khác vẫn sống trong nỗi lo âu khi mùa mưa bão đã đến. Qua khảo sát của UBND xã Do Nhân, nhiều khu dân cư trên địa bàn xã đứng trước nguy cơ sạt lở, nếu xảy ra mưa lớn. Đến nay, xã đã lập danh sách với 103 hộ có nguy cơ sạt lở, ngập lụt cần phải bố trí, sắp xếp lại chỗ ở.
ở xóm Tà, những ngôi nhà sàn được dựng trên sườn đồi, khi mưa xuống, nước chảy thẳng vào nhà các hộ dân. Để có nền đất dựng nhà, các hộ đều phải múc đất, từ đó tạo ra các taluy bị cắt cơ nên khó tránh khỏi tình trạng sạt lở đất. "Mưa lớn, đất sạt vào nhà, làm đổ chuồng trâu. Bây giờ, cứ có mưa to là chúng tôi thấy bất an lắm. Gia đình tôi là 1 trong 16 hộ của xóm Tà có nguy cơ sạt lở cao mà UBND xã đã lập danh sách”, bà Bùi Thị Tình (hộ ông Bùi Văn Ngợi), xóm Tà cho biết.
Mặc dù đã kè gần 100 m3 đá nhưng gia đình ông Bùi Văn Xuân, xóm Trăng, xã Do Nhân (Tân Lạc) chưa an tâm vì tình trạng sụt lún đất.
Hộ ông Bùi Văn Xuân, xóm Trăng cũng là một những hộ chịu ảnh hưởng nặng nề. Căn nhà cấp 4 được xây ở vị trí khá cao phía trên taluy dương của con đường nội xóm Trăng nằm chênh vênh. Những vết nứt trên nền nhà là dấu tích của trận mưa lũ năm ngoái do tình trạng sụt lún, sạt lở đất. ông Xuân rầu rĩ cho biết: "Gia đình muốn di dời lắm nhưng không biết chuyển đi đâu. Có mảnh ruộng khoảng 700 m2 nhưng mùa mưa bão bị ngập nên không làm nhà ở đó được. Để chống sạt lở, gia đình đã xây bờ kè với gần 100 m3 đá nhưng vẫn chưa ổn. Mùa mưa đến rồi, chúng tôi rất lo lắng”.
ông Bùi Trọng Nhơn, Bí thư chi bộ xóm Trăng cho biết: Xóm có 87 hộ, chia thành 4 chòm xóm. Do địa hình đồi núi nên cả 4 chòm xóm đều có nguy cơ xảy ra sạt lở trong mùa mưa bão. Qua rà soát, hiện, xóm có 58 hộ thuộc diện phải di dời. Chúng tôi đến thăm gia đình bà Đinh Thị Tim, một trong những hộ nằm tận cùng của xóm Trăng. Do không có vị trí thuận lợi để dựng nhà, 10 năm trước, vợ chồng bà Tim đã vào đây dựng nhà ngay dưới chân núi. Phía sau căn nhà sàn là những khối đá lớn, dựng đứng, không gian vô cùng chật hẹp. "Hồi mới chuyển vào không sao vì lúc đó trên núi còn nhiều cây cối. Nhưng những năm gần đây có hôm đá lăn vào gầm sàn nhà. Gia đình tôi rất mong được cấp trên quan tâm, bố trí nơi ở mới đảm bảo an toàn”, bà Tim bày tỏ.
Đó cũng là mong muốn của hơn 100 hộ dân nơi đây, nhất là những hộ đã từng bị đất, đá sạt lở, lăn vào nhà ở của họ. "Sau khi rà soát, UBND xã đã lập danh sách các hộ thuộc diện phải di dời và có phương án chỉ đạo các xóm rà soát lại quy hoạch của xã về nông thôn mới. Đối với những hộ nằm trong diện quy hoạch, xã hướng dẫn bà con các thủ tục để chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang làm nhà ở. Những hộ không nằm trong diện quy hoạch xóm phải làm hồ sơ trình để UBND xã có hướng trình cấp trên xem xét, giải quyết. Chúng tôi mong muốn UBND các cấp, các ban, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc để hỗ trợ nhân dân có chỗ ở ổn định”, đồng chí Đinh Thị Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Do Nhân bày tỏ.
Viết Đào