Toàn cảnh hội thảo.
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” và Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình muc tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016- 2020, trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã đã dược các tỉnh thực hiện khá hiệu quả. Riêng tỉnh Hòa Bình, từ năm 2010 nay, đã tổ chức được 113 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 6.128 cán bộ, công chức xã.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức xã cũng còn nhiều hạn chế, khó khăn như: Số cán bộ, công chức xã dược tham gia bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ theo chức danh, vị trí việc làm còn ít, chưa đạt được mục tiêu bồi dưỡng 100.000 lượt cán bộ, công chức xã mỗi năm do kinh phí trung ương cấp còn hạn chế; bồi dưỡng cán bộ, công chức của địa phương chưa đồng bộ giữa số lượng, chất lượng và cơ cấu; nội dung bồi dưỡng (theo tài liệu khung của các bộ, ngành biên soạn) nặng về lý thuyết, ít bài học thực tiễn, gây khó khăn cho việc tiếp thu của học viên; đội ngũ giảng viên nguồn đa số là công chức các sở, ngành, phần lớn không có nghiệp vụ sư phạm nên việc truyền đạt các nội dung bồi dưỡng chưa thu hút được sự chú ý của học viên.
Các đại biểu dự hội thảo đã đề xuất nhiều giải pháp nâng cao chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức xã trong những năm tiếp theo, tập trung vào những nội dung chính như: Đổi mới nội dung, chương trình bồi dưỡng đối với từng chức danh cán bộ, công chức cấp xã theo hướng chuyên sâu, tập trung chủ yếu vào hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ và quy trình tác nghiệp cho cán bộ, công chức cấp xã trên cơ sở tình huống mẫu có tính chất điển hình, phổ biến và thường xuyên phát sinh trong thực tiễn; cải tiến chương trình, tài liệu theo hướng ngắn gọn, cụ thể, thiết thực. Đối mới phương pháp truyền đạt kiến thức theo từng đối tượng như: Thuyết trình, làm việc theo nhóm, thảo luận; kết hợp bồi dưỡng lý thuyết gắn với thực hành. Sự dụng rộng rãi phương pháp dạy học tích cực, lấy người học làm trung tâm, phát huy tối đa khả năng tham gia của học viên trong khóa bồi dưỡng, giúp cho học viên tiếp thu kiến thức và áp dụng ngay vào công việc để có hiệu quả cao nhất trong công tác ở cơ sở.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường đã ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu đã đề cập tại Hội thảo, đồng thời khẳng định Bộ Nội vụ sẽ tiếp thu và chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, đồng thời đề nghị Sở Nội vụ các tỉnh chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hàng năm, làm căn cứ để triển khai thực hiện, đảm bảo mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã từ nay đến năm 2020 và giai đoạn tiếp theo./.
Mai Huệ
(Sở Tư pháp)