Mặc dù được trang bị các thiết bị an toàn, bảo hộ lao động nhưng nhiều lao động vẫn không sử dụng. ảnh chụp tại Công ty CP Nguyên liệu mới, xóm Dụ 5, xã Mông Hóa (Kỳ Sơn).
Đồng chí Đinh Hải Nam, Phó trưởng Phòng LĐ -TB&XH huyện Kỳ Sơn cho biết: Hàng năm, Ban chỉ đạo ATVSLĐ- PCCN huyện tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo ATVSLĐ trên địa bàn. Năm 2018, huyện ban hành Kế hoạch số 38/KH-BCĐ ngày 13/3/2018 về việc tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ lần thứ 2 với chủ đề "Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”. Hưởng ứng Tháng hành động, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn đã tổ chức các hoạt động cụ thể, thiết thực phù hợp với tình hình thực tế. Huyện đã tổ chức xe tuyên truyền; cung cấp, tài liệu, treo băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích, tờ rơi tại 10/10 xã, thị trấn và các doanh nghiệp có nguy cơ cao, yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ - PCCN. Kết quả, trong tháng hành động, huyện đã treo được 30 băng rôn tuyên truyền trên trục quốc lộ 6A, những khu vực đông người qua lại. Phát hành 250 tờ rơi, 150 sách, báo, bản tin liên quan khác. Các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác tuyên truyền hưởng ứng trên mạng lưới loa phát thanh ở các xóm, khu dân cư.
Trong tuần lễ, chưa kể tham gia cùng đoàn kiểm tra của tỉnh, huyện đã thành lập tổ kiểm tra liên ngành kiểm tra 4 đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở SX-KD có nguy cơ cao trên địa bàn. Qua kiểm tra, tổ kiểm tra đánh giá về cơ bản, công tác ATVSLĐ, vệ sinh môi trường nơi làm việc, bếp ăn, nhà ở các doanh nghiệp được kiểm tra đã được quan tâm. Các đơn vị đã niêm yết nội quy, biển báo, biển hiệu, thiết bị vật tư, dụng cụ và các trang thiết bị phục vụ công tác ATVSLĐ đúng nơi quy định, dễ thấy, dễ lấy khi có sự cố xảy ra. Đội ngũ cán bộ, công nhân lao động của đơn vị được kiểm tra cơ bản tập huấn kỹ năng ATVSLĐ. Công tác bảo hộ lao động, bàn giao ca được thực hiện cụ thể, rõ ràng góp phần loại trừ, đẩy lùi các nguy cơ, hiểm họa về mất ATLĐ. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn chưa để xảy ra tai nạn lao động.
Tuy vậy, theo đồng chí Đinh Hải Nam, bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác ATVSLĐ - PCCN trên địa bàn vẫn còn một số khó khăn như: Các thiết bị, dụng cụ… phục vụ cho công tác ATVSLĐ - PCCN chưa đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng theo quy định của Nhà nước. Số lao động trên địa bàn thường xuyên biến động, do đó, các cơ sở SX-KD gặp nhiều khó khăn trong tập huấn, huấn luyện kỹ năng ATVSLĐ cho người lao động, đồng thời gây lãng phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ý thức tổ chức kỷ luật của người lao động còn kém, không tuân thủ hoặc thực hiện theo hình thức đối phó, qua loa, chiếu lệ, bảo hộ lao động và các thiết bị an toàn được cung cấp nhưng không sử dụng. Một số cơ sở SX-KD chưa chú trọng đến PCCN.
Thời gian tới, để đảm bảo ATVSLĐ, đối với các xã, thị trấn cần tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng hóa công tác tuyên truyền mang tính bao quát, toàn diện, sâu rộng đến cụm dân cư, hộ gia đình, cơ sở SX-KD, dịch vụ. Đối với các doanh nghiệp, cơ sở SX-KD, dịch vụ thực hiện nghiêm túc việc ký kết hợp đồng lao động theo quy định và thực hiện đầy đủ các quyền lợi của người lao động theo pháp luật hiện hành. Kiên quyết xử lý đối với những hành vi vi phạm không tuân thủ các quy định, quy trình, yêu cầu nghiêm ngặt trong quá trình sản xuất đối với cá nhân, tập thể, qua đó từng bước nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật cho người sử dụng lao động, người lao động, góp phần xây dựng tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động…
H.L