Cũng như cùng kỳ nhiều năm trước, Chiến dịch toàn dân làm thủy lợi đợt II năm nay được xác định là bước chuẩn bị cần thiết để các huyện, thành phố sẵn sàng triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông 2018 và vụ chiêm xuân 2019. Từ cuối tháng 10, TP Hòa Bình và một số huyện: Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Thủy, Yên Thủy, Tân Lạc hoàn tất thu hoạch vụ mùa, hè thu sớm và chủ động tổ chức chiến dịch với các công việc nạo vét kênh mương nội đồng, sửa chữa nhỏ hư hỏng các bai dâng nước, cống điều tiết, phát dọn bờ mương, mái đập, đào đắp đất, đóng góp ngày công xây dựng các công trình kiên cố hóa kênh mương trên địa bàn... Nhận thức đây là hoạt động xã hội hóa có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống sản xuất và sinh hoạt nên người dân tham gia với tinh thần chủ động, nhiệt tình, phấn đấu đóng góp ngày công cao nhất cả về số lượng lẫn chất lượng.
Là huyện có khối lượng công việc lớn nhất cần hoàn thành trong đợt chiến dịch này, Lạc Sơn đang tích cực triển khai các biện pháp đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất. Phương án phòng, chống hạn tập trung vào các công việc nạo vét cửa cống, kênh mương nội đồng, sửa chữa các kênh dẫn nước, chuẩn bị sẵn sàng máy bơm dã chiến, gầu guồng, phai tát nước… để chủ động cung cấp nước khi hạn hán xảy ra; tập trung nạo vét bùn, đất, khơi thông lòng dẫn các tuyến kênh mương, bể hút các trạm bơm, hồ chứa; sửa chữa các bai, cửa cống lấy nước. Đặc biệt, UBND huyện đã chỉ đạo các xã quản lý chặt chẽ nguồn nước hiện có, trước mắt tập trung giữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, tuyệt đối không cho phép tháo cạn nước trong các hồ chứa để bắt cá hoặc chạy máy phát điện nhỏ. Hiện, trên địa bàn huyện Lạc Sơn có 170 hồ chứa và bai dâng, lượng nước tích trữ trong hệ thống này xấp xỉ trung bình nhiều năm trước nên dự báo sẽ phục vụ khá tốt nhu cầu nước tưới đầu vụ.
Dự kiến trong tháng 11/2018, thành phố Hòa Bình sẽ huy động trên 2.600 ngày công nạo vét kênh mương nội đồng, nâng cao hiệu quả tưới tiêu phục vụ sản xuất (Ảnh: Người dân tham gia làm thủy lợi nội đồng tại xã Dân Chủ).
Trên quy mô toàn tỉnh, đến giữa tháng 11, các địa phương đã phát động rộng khắp Chiến dịch toàn dân làm thủy lợi đợt II và phấn đấu hoàn thành trong tháng 11. Trong đợt chiến dịch này, toàn tỉnh dự kiến huy động trên 306.560 ngày công, đào đắp 277.000 m3 đất, phát dọn trên 1.290.000 m2 mái bờ kênh mương, xây kè 5.000 m3 đá, tổng kinh phí thực hiện trên 21,4 tỷ đồng. Các huyện có khối lượng công việc nhiều nhất là: Lạc Sơn, Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Thủy, Đà Bắc… Với kết quả này, tính chung cả năm 2018, toàn tỉnh đã hoàn thành tốt kế hoạch về thực hiện Chiến dịch toàn dân làm thủy lợi, tổng ngày công huy động được qua 2 đợt chiến dịch ước khoảng 634.350 công, kinh phí thực hiện khoảng 44,4 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Chi cục Thủy lợi: Đây là kết quả góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác tưới tiêu năm 2018. Cụ thể, trong năm, công tác thủy lợi đã đảm bảo duy trì nguồn nước phục vụ gần 90% diện tích gieo cấy lúa toàn tỉnh và một phần diện tích trồng màu. Thống kê sơ bộ, hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã phục vụ tưới tiêu khoảng 51.000 ha cây trồng, trong đó diện tích lúa 39.000 ha, màu 9.700 ha, cây ăn quả 2.200 ha. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ diện tích cây hàng năm được tưới chủ động đạt 42%, tăng 0,73% so với năm đầu kỳ kế hoạch; tỷ lệ diện tích cây hàng năm được tiêu chủ động đạt 85,28%, tăng thêm 1,52% so với năm đầu kỳ kế hoạch. Dự kiến trong vụ đông xuân 2018 - 2019, với tổng diện tích cây hàng năm khoảng 67.000 ha, áp lực dồn lên công tác thủy lợi sẽ rất lớn. Chính vì vậy, Sở NN&PTNT đang đôn đốc các địa phương ngay sau khi hoàn thành Chiến dịch toàn dân làm thủy lợi đợt II cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thủy lợi. Trong đó, thường xuyên kiểm tra vận hành của hệ thống công trình thủy lợi để chủ động kế hoạch tích nước, quản lý chặt chẽ nguồn nước, điều tiết nước hợp lý mới đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất.
Thu Trang