(HBĐT) - Đến nay, xã Gia Mô (Tân Lạc) đã có điện lưới quốc gia được gần 15 năm. Thế nhưng, ở xã vùng sâu này hiện vẫn còn gần 100 hộ phải dùng cột tre tự kéo điện về để sử dụng. Kéo xa cả cây số nên điện không đảm bảo, cùng với đó là những "bẫy điện” giăng ở khắp nơi, tiềm ẩn nhiều mối nguy đến tính mạng của con người.


Ở nhiều bờ rào của xóm Bo, xã Gia Mô (Tân Lạc) là những dây điện chằng chịt, đe dọa đến tính mạng con người.

Đồng chí Bùi Văn Thơ, Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2004, Gia Mô được đầu tư điện lưới quốc gia với 2 trạm biến áp được xây dựng ở xóm Rên và xóm Quắn, lúc này có khoảng 60% hộ dân của 5/6 xóm được hưởng lợi. Đến năm 2014, xã được đầu tư thêm một trạm biến áp ở xóm Trang. Đến nay, mặc dù các hộ đều đã có điện sử dụng nhưng vẫn còn gần 100 hộ phải kéo điện xa vài trăm mét đến cả cây số. Trong đó, khó khăn nhất là các hộ dân ở khu Bo ngoài của xóm Bo; xóm Trám còn khoảng 12 hộ. Ngoài ra, khu Đồng Băm của xóm Đừng, khu Thung Tôm của xóm Rên cũng chưa có đường dây 0,4KV. "Hiện nay, với sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhu cầu sử dụng điện của bà con rất lớn, nhiều hộ sử dụng điện ba pha. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng điện ở xã Gia Mô chưa đồng bộ, nhiều khu vực bà con phải kéo điện từ rất xa. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt, phát triển kinh tế mà còn đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người dân”, đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết.

Chúng tôi đến xóm Bo, xóm có nhiều hộ dân nhất chưa có điện đảm bảo để sử dụng. Ở ngay khu trung tâm của xóm, trên con đường liên xóm, chúng tôi không khỏi rùng mình vì "bẫy điện” đã hiển hiện ngay bờ rào. Hàng chục dây điện chằng chịt, cột chống hết sức sơ sài, đến nỗi nếu không quan sát kỹ, chắc nhiều người tưởng đó là những dây điện cũ được người dân tận dụng làm hàng rào. Những dây điện võng xuống chỉ ngang đầu gối của người lớn, nếu không quan sát kỹ, rất có thể nhiều người sẽ bị mắc vào "bẫy điện” này. Chưa kể trâu, bò đi qua cũng có thể bị vướng vào những dây điện bất cứ lúc nào.

Đến khu xóm Bo ngoài, khu có nhiều hộ phải tự kéo điện xa nhất của xã Gia Mô mới thấy được nỗi vất vả của bà con nơi đây. Ở bờ rào hay ngoài cánh đồng, những cột tre xiêu vẹo, dây nhiều mấu nối là hình ảnh phổ biến ở khu dân cư này. Xóm Bo có 136 hộ, trong đó còn 72 hộ chưa có công tơ điện. Khu Bo ngoài có 52 hộ, khu dân cư này chưa có bất cứ cột điện hạ thế nào, bà con phải góp tiền mua chung đường dây kéo điện từ xóm Trang về dùng với khoảng cách xa nhất trên 1 km. Do đường dây quá xa nên bà con không sử dụng được các trang thiết bị điện, cùng với đó là những nỗi lo khi "bẫy điện” gây ra những vụ tai nạn đáng tiếc.

Ông Bùi Văn Dan, Trưởng xóm Bo cho biết: Những năm trước đây, có 2 người dân ở khu Bo ngoài bị điện giật, một người thành tàn tật và mới mất cách đây vài tháng. Còn gần đây nhất là một con trâu của hộ ông Bùi Văn Khuộn chết vì điện giật. Không có điện, đường giao thông còn nhiều trắc trở nên đời sống của bà con cũng chậm chuyển biến. Hiện, xóm có gần 80% hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo. "Điện không đảm bảo nên nhu cầu thắp sáng khó khăn, chưa kể những nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa do đường dây điện tự kéo gây ra. Bà con, Ban quản lý xóm nhiều lần đề xuất, kiến nghị lên cấp trên nhưng vẫn chưa được đầu tư. Tính ra, trước mắt để có điện sử dụng đảm bảo, ở khu Bo ngoài chỉ cần đầu tư khoảng 10 cột điện hạ thế. Còn về lâu dài, hiện nay ở xóm đang xây dựng trường mầm non và tương lai là trạm y tế nên rất cần đầu tư thêm trạm biến áp”, ông Dan chia sẻ.

Qua quan sát thực tế và ghi nhận ở các hộ dân, có thể thấy, hệ thống điện ở xóm Bo cùng một số khu dân cư của xã Gia Mô còn rất khó khăn. Được biết, hệ thống đường dây điện ở xã Gia Mô (Tân Lạc) do Điện lực Lạc Sơn vận hành, quản lý. "Vì điện yếu nên cắm nồi cơm vài tiếng đồng hồ chẳng chín, mua ti vi thì dăm ba ngày cũng hỏng vì điện chập chờn. Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền quan tâm, đầu tư đường dây để có điện đảm bảo, an toàn sử dụng”, ông Bùi Văn Hiếm, người dân xóm Bo bày tỏ.

Viết Đào


Các tin khác


Tập huấn nâng cao năng lực truyền thông nước sạch và vệ sinh trường học năm 2018

(HBĐT) - Ngày 3/12, tại trường TH&THCS Nam Thượng (huyện Kim Bôi), Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực truyền thông nước sạch và vệ sinh trường học năm 2018.

Đề phòng lốc, sét trong cơn dông tại các tỉnh từ Đã Nẵng đến Nam Bộ

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 3/12, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục có sương mù nhẹ vào sáng sớm, trưa chiều giảm mây trời nắng.

Tăng cường các giải pháp nâng cấp, hỗ trợ cơ sở đáp ứng yêu cầu VietGAP

(HBĐT) - Thực hiện các giải pháp nâng cấp và hỗ trợ vật tư cho cơ sở, tại vùng Dự án xã Tân Sơn (Mai Châu), Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã triển khai các hoạt động: Đào tạo kiến thức chung về ATTP, áp dụng các quy phạm thực hành sản xuất; xây dựng hệ thống chất lượng cho các tác nhân tham gia chuỗi (mục tiêu quản lý chất lượng, chính sách quản lý chất lượng, VietGAP…); hướng dẫn tại hiện trường, khắc phục các tồn tại; lấy mẫu, kiểm nghiệm; đánh giá công nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP và chứng nhận VietGAP; thiết kế, in ấn tem nhãn nhận diện sản phẩm; tuyên truyền, quảng bá và tiếp cận thị trường, xúc tiến tiêu thụ.

Xã Tu Lý trên đường về đích nông thôn mới

(HBĐT) - Là xã phấn đấu về đích NTM đầu tiên của huyện Đà Bắc, sau 8 năm thực hiện chương trình, "bức tranh” nông thôn của xã Tu Lý có nhiều khởi sắc. Các công trình trường học, sân vận động, trạm y tế khang trang, sạch đẹp. Những con đường bê tông uốn lượn nối liền các xóm. Đặc biệt, đời sống người dân ngày càng nâng cao. Xã Tu Lý đang từng bước hoàn thiện những tiêu chí cuối cùng trên đường về đích NTM vào cuối năm 2018.

Thúc đẩy sử dụng bộ tài liệu hướng dẫn thành lập và vận hành Hợp tác xã

(HBĐT) - Ngày 30/11, thực hiện thoả thuận giữa Hội Nông dân tỉnh và tổ chức DDS Đan Mạch về việc triển khai dự án thêm cây III (Chương trình hợp lực) tại huyện Cao Phong và Đà Bắc, Hội Nông dân tỉnh phối hợp tổ chức hội thảo "Thúc đẩy sử dụng bộ tài liệu hướng dẫn thành lập và vận hành Hợp tác xã". Dự hội thảo có đại diện Trường CĐ NN&PTNT Bắc Bộ, đại diện Văn phòng DDS và các phòng, ban liên quan, các nhóm nông dân, tổ hợp tác của 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Phát huy giá trị các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam

Ngày 28-11, tại Đồng Nai, Ủy ban UNESCO Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức hội thảo tổng kết công tác năm 2018 của mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam và định hướng hoạt động thực hiện Kế hoạch hành động Lima.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục