Bể chứa rác thải ủ làm phân bón xóm Yên Hoà 1, xã Yên Mông (TP Hòa Bình) do HTX quản lý phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Từ năm 2015 đến nay, Hội Nông dân xã phối hợp với chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể trong xã vận động các hộ dân đào được 532 hố xử lý rác thải mềm, bước đầu đã giảm thiểu lượng rác thải đối với tổ thu gom. Tuy nhiên về lâu dài tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm đất, không khí và vệ sinh môi trường vì hố đựng rác thải ở ngay khuôn viên gia đình, không có nắp đậy, không dùng chế phẩm xử lý phân hủy rác thải hữu cơ. Đây là vấn đề đang được các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể từ xã đến thôn quan tâm nhưng chưa có giải pháp cụ thể.
HTX tiêu thụ nông sản xã Yên Mông có diện tích 5.000 m2 vụ này trồng rau bắp cải, đậu cove, cà chua, su hào. HTX quản lý 2 bể ủ rác thải ở xóm Yên Hòa. Chị Đinh Thị Thích, Giám đốc HTX cho biết: Từ tháng 11, bể ủ rác thải hữu cơ làm phân bón được nghiệm thu đưa vào sử dụng, bình quân 1 bể ủ dùng được trong 45 ngày bón cho diện tích rau trồng của HTX.Hiệu quả mô hình về kinh tế giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế chi phí so với đi mua các loại phân bón trên thị trường. Về hiệu quả xã hội, các hộ tham gia được nâng cao kiến thức, trình độ trong thu gom, xử lý, phân loại rác thải.
Đồng chí Nguyễn Văn Vìn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Mông cho biết: Từ tháng 7, xã Yên Mông được Hội Nông dân chọn làm điểm thực hiện mô hình phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình ở 5 xóm nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường; trang bị cho người dân kiến thức, kỹ năng về phân loại rác thải và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón. Theo đó, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, Nhà nước hỗ trợ 100 triệu đồng, nhân dân đóng góp ngày công lao động, xã thực hiện xây dựng 10 bể tại 5 điểm, mỗi điểm xây 2 bể ủ rác thải cho trên 50 hộ dân 5 xóm: Yên Hòa 1, Yên Hòa 2, Khang Đình, Mời Mít, Mỵ, đáp ứng đủ lượng rác thải để ngâm ủ. Kích thước bể khoảng 12 m3. Xây bể ủ phân cách xa nguồn nước sinh hoạt nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Thực hiện mô hình điểm, 100 hội viên nông dân được tập huấn kỹ thuật thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình và nâng cao kiến thức bảo vệ môi trường nông thôn.
Mục tiêu của xã là rác thải ở 100% khu dân cư, khu vực trường học, chợ và khu công cộng trên địa bàn được thu gom, xử lý hợp vệ sinh. Đến cuối năm 2018, 90% lượng rác thải sinh hoạt trong xã được phân loại và xử lý đúng quy trình tại hộ gia đình, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra.
Đến nay, dự án đã hoàn thành và nghiệm thu đưa vào sử dụng, tạo thói quen phân loại và xử lý rác thải, làm giảm lượng rác thải phát sinh, giảm áp lực cho công tác thu gom, xử lý rác thải tại bãi chôn lấp. Từ mô hình tại xã Yên Mông sẽ nhân rộng trong xã, là điểm để nông dân các xã lân cận và trong tỉnh thăm quan, học tập.
Hải Linh