Nhằm ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn châu Phi lây lan ra diện rộng do việc buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn bệnh, lợn nghi bệnh, lợn chết từ các địa phương có dịch bệnh vào địa bàn tỉnh; đồng thời thực hiện Quyết định số 2803, ngày 19/11/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh Hòa Bình. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng để người dân nhận biết, chủ động hợp tác trong phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Trong đó cần nêu rõ bệnh Dịch tả lợn châu Phi là bệnh động vật không lây sang người, nhưng là bệnh mới, hiện không có thuốc chữa, nếu gia súc mắc bệnh thì tỷ lệ chết là 100% ở tất cả các loại lợn.
2. Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và phân công rõ trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên; phê duyệt Kế hoạch phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi của địa phương. Thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi, đặc biệt là các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung công nghiệp, các khu vực mua gom, chợ đầu mối, cửa hàng buôn bán lợn và các sản phẩm từ lợn.
3. Phổ biến kiến thức pháp luật và các biện pháp kỹ thuật trong phòng, chống dịch, nêu rõ quyền lợi, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chủ động phòng, chống bệnh cho đàn gia súc nhằm phát triển chăn nuôi, cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, giảm thiểu nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh; các biện pháp xử lý gia súc bệnh, mức hỗ trợ của Nhà nước đối với gia súc nghi mắc bệnh, chết buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch lây lan.
4. Tăng cường công tác kiểm soát tại các chốt kiểm dịch động vật tạm thời của tỉnh; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn và sản phẩm của lợn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của Luật Thú y. Tiêu hủy đối với các loại lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu trái phép từ các địa phương có dịch vào địa bàn tỉnh Hòa Bình.
5. Chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp gia súc mắc bệnh; tuân thủ việc lấy mẫu để xác định chính xác bệnh Dịch tả lợn châu Phi để tổ chức chống dịch có hiệu quả. Bố trí kịp thời kinh phí để triển khai ngay các biện pháp bao vây, khoanh vùng, dập dịch cho đàn gia súc và động vật cảm nhiễm với mầm bệnh theo đề xuất của cơ quan chuyên môn.
6. Chuẩn bị sẵn sàng các phương án về nhân lực, tài chính, phương tiện, dụng cụ, vật tư, hóa chất để chủ động ứng phó khi có dịch, không để dịch xảy ra trên diện rộng.
P.V (TH)