Người dân xã Bao La (Mai Châu) được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Cụ thể, tỉnh đã huy động hàng trăm tỷ đồng từ các nguồn vốn để xây dựng nhiều loại hình cấp nước sinh hoạt như hệ thống nước tự chảy, giếng khoan, bể nước mưa, các công trình cấp nước sạch tại nhiều vùng nông thôn. Đến nay, tỷ lệ người dân nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh đạt khoảng 80%. Riêng thành phố Hòa Bình đến cuối năm 2018 có 98,5% hộ dân sử dụng nước sạch.
Đánh giá về những công trình nước sinh hoạt, theo lãnh đạo Sở TN&MT, trong những năm qua, mặc dù còn những bất cập, song hầu hết các công trình cấp nước trong tỉnh đã phát huy hiệu quả. Tỉnh cũng quyết liệt hơn đối với những vụ việc gây ô nhiễm môi trường nước từ các hoạt động sản xuất tại các huyện: Mai Châu, Tân Lạc, Cao Phong… Nhờ đó, góp phần chung vào sự phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Thống kê đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn khoảng 14,74%, giảm 3,26% so với năm 2017.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, vẫn còn nhiều người chưa được tiếp cận với nguồn nước sử dụng an toàn, trong đó có các hộ gia đình, trường học, nơi làm việc, trang trại và nhà máy. Chính vì vậy, mục tiêu của tỉnh trong những năm tới sẽ tiếp tục mở rộng quy mô cũng như hệ thống nước sạch nông thôn, phấn đấu đến năm 2020, người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95% (trong đó có 70% đạt quy chuẩn 02 của Bộ Y tế), 100% trường học và trạm y tế có công trình nước sạch; bảo đảm phần lớn các trạm y tế ở khu vực có đủ hệ thống cấp nước và thiết bị rửa tay.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bảo vệ nguồn nước, nhất là hệ thống nước đầu nguồn, trên các sông, suối. Từ đó, đảm bảo nguồn cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất luôn được an toàn, góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân, phát triển KT-XH địa phương theo hướng bền vững.
Đặc biệt, về vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nước sạch cung cấp cho sinh hoạt của nhân dân, nhất là khu vực thành phố, mới đây, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy đã tiếp và làm việc với ông Torsten Bonew, Thị trưởng thành phố Leipzig (Cộng hòa Liên bang Đức). Tại buổi làm việc, Thị trưởng thành phố Leipzig cũng mong muốn nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Hòa Bình sẽ sớm đưa công nghệ hiện đại tiên tiến vào áp dụng trong lĩnh vực môi trường, đặc biệt là xử lý rác thải và cung cấp nước sinh hoạt tiêu chuẩn thế giới cho người dân.
Nhấn mạnh về ngày Nước thế giới năm 2019, theo lãnh đạo Sở TN&MT, chủ đề chính nhằm hướng đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng nước bằng cách giải quyết những lý do tại sao rất nhiều người "bị bỏ lại phía sau", không có nước sạch.
Các mục tiêu cụ thể của chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2019: "Nước cho tất cả - Không để ai bị bỏ lại phía sau” gồm: Nước cho phụ nữ; nước cho nơi làm việc, sản xuất; nước cho nông thôn; nước cho người tị nạn; nước cho các bà mẹ; nước cho trẻ em; nước cho học sinh, sinh viên; nước cho những người bản địa, thiểu số; nước cho người khuyết tật; nước cho cộng đồng của những người đồng tính…
Cùng với việc tiếp cận về điều kiện vệ sinh, tiếp cận nguồn nước an toàn, tạo nền tảng cho sức khỏe cộng đồng được tỉnh ta xác định đây là nhiệm vụ quan trọng đối với sự phát triển bền vững, vì một thế giới ổn định và thịnh vượng.
Hồng Trung