(HBĐT) - Mùa này, khu rừng rộng lớn cả nghìn ha được điểm tô bởi sắc vàng của hoa vàng anh. Con suối Khú chảy hiền hòa, luồn lách dưới tán rừng như mạch máu nuôi dưỡng cánh rừng xanh tốt. Mặc dù, hành trình khám phá chỉ trong một ngày nhưng phải thừa nhận, khu bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến, xã Thượng Tiến (Kim Bôi) như một "nàng tiên" chưa thức giấc.


Khu bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến (Kim Bôi) có suối Khú kỳ vĩ giữa rừng đại ngàn với những tảng đá mấp mô và được dòng nước lũ mài nhẵn. 

Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Thượng Tiến có diện tích trên 6.000 ha, nằm ở 3 xã gồm: Kim Tiến, Thượng Tiến (Kim Bôi) và Quý Hòa (Lạc Sơn). Trong đó, xã Thượng Tiến nằm trong vùng lõi có diện tích lớn nhất với hơn 5.000 ha. Nhờ được bao bọc bởi "lá phổi xanh” này nên mảnh đất Thượng Tiến có không khí trong lành, với dòng suối Khú trong mát. Trong các xóm của Thượng Tiến, xóm Khú nằm ở xa và cao nhất và cũng là xóm có diện tích rừng rộng lớn nhất. 


Tìm về thượng nguồn suối Khú

Từ trụ sở UBND xã Thượng Tiến lên xóm Khú hơn 5 km. Tuyến đường này còn khá trắc trở, dù vậy, lãnh đạo UBND xã Thượng Tiến cho hay, con đường sẽ sớm được cứng hóa với mức đầu tư khoảng 14 tỷ đồng. Mùa này, dọc theo tuyến đường lên Khú, phía bìa rừng tràn ngập sắc vàng rực rỡ của cây vàng anh và sắc trắng tinh khôi của loại hoa rừng mà người dân địa phương gọi tên là tằng tuệ. Sau khoảng 30 phút di chuyển, xóm Khú hiện ra với những thửa ruộng bậc thang xanh mướt. Khu ruộng bậc thang rộng cả chục ha với những bậc thang đều tăm tắp trở thành điểm nhấn thú vị ở bản Mường có 38 nóc nhà này. 

Từ xóm Khú, theo sự dẫn đường của người dân xã Thượng Tiến, đoàn chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá. Ấn tượng đầu tiên là con đường rừng dày đặc những dấu chân, chạy sâu hun hút. Hai bên đường là những cây cổ thụ cao lớn, thân cây phải 2 - 3 người ôm mới xuể. Luồn sâu vào cánh rừng, thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp một con suối nhỏ chảy cắt ngang đường, đây là những nhánh nhỏ của con suối Khú. Nhìn những tảng đá lớn được mài nhẵn, có thể hiểu, vào mùa mưa, con suối dữ dằn đến nhường nào. 

Sau khoảng 1 giờ đồng hồ, chúng tôi đã vào sâu trong rừng khoảng 2 km và bắt gặp một bãi đá rộng với những tảng đá lớn được mài nhẵn. Đó chính là lòng suối Khú. Mùa này, nước suối nhỏ nên để "hạ sơn”, dòng nước phải luồn lách qua những khối đá lớn. Điều thú vị ở con suối này là nhiều đoạn có bãi cát khá bằng phẳng, rất thích hợp để cắm trại hoặc dựng lều ngủ lại qua đêm. Lại có những đoạn suối bị những khối đá lớn chặn ngang dòng, tạo thành vũng nước rộng cả chục mét vuông và sâu ngập đầu người lớn nên người dân nơi đây vẫn ví von là những bể bơi tự nhiên trong rừng.
 
 Tiếp tục đi sâu vào rừng, chúng tôi dừng nghỉ ở một địa điểm ngay trên dòng suối Khú là bãi đá bằng phẳng. Dù đã thấm mệt sau 2 giờ đồng hồ luồn rừng, nhưng chị Bùi Kim Thanh, xã Hạ Bì (Kim Bôi) vẫn rất ấn tượng về trải nghiệm này. Chị Thanh chia sẻ: "Lần đầu tiên tôi được đến khu rừng này, cảnh sắc rất đẹp, càng vào sâu càng đẹp hơn. Giữa rừng có dòng suối chảy mát lành và còn nhiều tôm, cá. Nếu được đầu tư thành khu du lịch thì sẽ là điểm đến hấp dẫn”. 

Bắt cá suối, hái rau rừng giữa đại ngàn

Tại địa điểm chúng tôi dừng nghỉ, nhiều điều thú vị về khu BTTN rộng lớn được cảm nhận rõ nét. Đó là con suối chảy dài, hai bên là những cây cổ thụ, nứa rừng xanh tốt, đặc biệt những cây vàng anh đang độ khoe sắc hoa vàng rực rỡ. Phía trước là là một vũng nước rộng và sâu, nước trong xanh nhìn thấu đáy. Theo người dân địa phương cho biết, từ khi được biết đến, nhiều người đã vào đây khám phá. Tại đây, họ có thể bắt cá, đi hái rau rừng. Với sự giúp đỡ của người dân địa phương, hôm đó, chúng tôi được thưởng thức món cá suối nướng, gà nướng và những loại rau có sẵn trong rừng. Với những vạt nứa xanh tốt, ngoài cung cấp măng thì những cây nứa bánh tẻ còn trữ nước trong thân. Người dân địa phương vẫn dùng nước này để đun nước uống hoặc nấu cơm lam, với hương vị thơm ngon, hấp dẫn.

Sau khi tham quan, vãn cảnh, chúng tôi quây quần ngồi thưởng thức bữa cơm ấm cúng giữa rừng cùng với những người dân địa phương chân chất, mến khách. Bữa cơm ở rừng không cần mang đũa, thìa, uống rượu ở rừng cũng không cần mang theo cốc, chén. Tất cả những thứ đó đều được tìm thấy ở rừng. Trong câu chuyện giữa đại ngàn, người dân Thượng Tiến đều thể hiện sự tự hào về khu rừng trù phú mà bao đời nay họ cùng nhau gìn giữ. "Nhiều người đến khám phá đều rất ấn tượng về vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của KBTTN Thượng Tiến. Nếu được đầu tư phát triển du lịch thì sẽ mở ra hướng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho bà con” - chị Bùi Thị Hải, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Thượng Tiến kỳ vọng.

Qua trao đổi với đồng chí Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch UBND xã Thượng Tiến, được biết: Các cấp, ngành đã có chủ trương phát triển du lịch ở KBTTN Thượng Tiến. Hiện nay, Thượng Tiến cũng đang nỗ lực khôi phục, phát triển các đặc sản bản địa. Đồng thời, gìn giữ, phát huy những nét văn hóa truyền thống của người Mường, cũng như tiếp tục phối hợp với Ban quản lý KBTTN Thượng Tiến để làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ rừng. 

Do thời gian hạn hẹp, chúng tôi dừng hành trình khám phá khu rừng rộng lớn khi phía thượng nguồn suối Khú còn bao điều kỳ thú chờ đón. Đặc biệt là thác Tam Cấp cao vài chục mét với ba bậc thác quanh năm nước tung trắng xóa. Mặc dù hành trình khám phá chỉ trong một ngày, nhưng phải thừa nhận, KBTTN này quả là một "nàng tiên" chưa thức giấc giữa rừng đại ngàn hùng vĩ.

Viết Đào

Các tin khác


Khát vọng đưa Việt Nam thành cường quốc an ninh mạng

Cường quốc an ninh mạng thì cũng giống như cường quốc quân sự trong thế giới thực. Cùng một vạch xuất phát với tất cả các nước khác, lại có nguồn nhân lực an ninh mạng vào loại tốt trên thế giới, với khát vọng dân tộc hùng cường, và với một giấc mơ lớn, chúng ta có thể đưa Việt Nam thành cường quốc an ninh mạng, bảo vệ Việt Nam, bảo vệ hòa bình thế giới.

Huyện Mai Châu, Đà Bắc dự báo cấp cháy rừng cực kỳ nguy hiểm

(HBĐT) - Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, từ ngày 16 – 20/4, dự báo nguy cơ cháy rừng tại 2 huyện Mai Châu, Đà Bắc ở cấp báo động V, cấp cực kỳ nguy hiểm. Do thời tiết nắng nóng, khô, hạn kéo dài, có khả năng cháy lớn và lan tràn nhanh trên các loại rừng. Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, Sở NN&PTNT, Ban chỉ đạo về Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh, huyện, xã, các chủ rừng tăng cường phòng, chống cháy rừng.

Lạc Thuỷ bàn giao 29 cá thể rùa sa nhân về Trung tâm cứu hộ Rùa Cúc Phương

(HBĐT) - Chiều 17/4, UBND huyện Lạc Thuỷ phối hợp với Ban quản lý Vườn Quốc gia Cúc Phương (Nho Quan - Ninh Bình) tổ chức bàn giao 29 cá thể rùa sa nhân về Trung tâm cứu hộ rùa Cúc Phương quản lý, chăm sóc. Toàn bộ số rùa này đã được lực lượng chức năng huyện Lạc Thuỷ phát hiện, bắt giữ của một đối tượng khi đang trên đường vận chuyển đi tiêu thụ.

Xã Thượng Cốc trên đường về đích nông thôn mới

(HBĐT) - Điểm xuất phát thấp, cơ sở hạ tầng trên địa bàn thiếu, đời sống, thu nhập của người dân chưa cao, không đồng đều nhưng cán bộ và nhân dân xã Thượng Cốc (Lạc Sơn) tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhờ đó, cơ sở hạ tầng, bộ mặt nông thôn thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Đến hết năm 2018, xã đạt 14/19 tiêu chí. Năm 2019, Thượng Cốc phấn đấu đạt chuẩn NTM theo kế hoạch đề ra.

Phấn đấu không có xã dưới 10 tiêu chí

(HBĐT) - Hiện, trên địa bàn tỉnh còn 43 xã dưới 10 tiêu chí NTM, trong đó có 35 xã đạt 9 tiêu chí, 8 xã đạt 8 tiêu chí. Theo đó, Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh chỉ đạo các địa phương tổ chức rà soát, đánh giá thực chất mức độ đạt các tiêu chí, lập khung kế hoạch, cân đối nguồn lực để thực hiện các tiêu chí; lựa chọn thực hiện hoàn thành các tiêu chí đã bố trí vốn và không cần nhiều nguồn lực để phấn đấu trong năm 2019 cần ít nhất đạt từ 1-2 tiêu chí/xã trở lên, không còn xã dưới 10 tiêu chí.

Tạo bước chuyển trong ứng dụng thương mại điện tử

(HBĐT) - Với mục tiêu đưa thương mại điện tử (TMĐT) trở thành hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến trong các cơ quan quản lý Nhà nước (QLNN) và đại bộ phận doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của cơ quan Nhà nước. Đồng thời hỗ trợ, tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực ứng dụng TMĐT cho các doanh nghiệp (DN), UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo, điều hành các cấp, ngành, DN trong tỉnh coi trọng thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục