Công chức xã Tân Vinh (Lương Sơn) ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ.
Cùng với xã Tân Vinh, hoạt động ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành được huyện Lương Sơn quan tâm triển khai trong toàn huyện. 100% đơn vị cấp xã trên địa bàn sử dụng phần mềm quản lý văn bản để tiếp nhận văn bản đến; 18/20 xã, thị trấn sử dụng phần mềm một cửa điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính.
Thời gian qua, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai mạnh mẽ ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành, góp phần phát triển chính quyền điện tử và cải cách hành chính của tỉnh.
Theo thống kê của Sở TT&TT, đến nay, đã có thêm 32 đơn vị được kết nối với phần mềm quản lý văn bản của các cơ quan Nhà nước để trao đổi văn bản điện tử. Trong tháng 4, toàn hệ thống có 45.922 văn bản đến, có 34.503 văn bản đến được tiếp nhận qua mạng, đạt 75,1%; 11.271 văn bản đi, có 6.241 văn bản đi được trao đổi qua mạng, đạt 55,4%. Trong đó, cấp tỉnh tỷ lệ văn bản đến được tiếp nhận qua mạng đạt 51% (8.955 văn bản); văn bản đi được chuyển qua mạng đạt 67,3% (4.769 văn bản). Cấp huyện, tỷ lệ văn bản đến được tiếp nhận qua mạng đạt 81,2% (11.634 văn bản); văn bản đi được chuyển qua mạng đạt 38% (1.429 văn bản). Cấp xã tiếp nhận 13.462 văn bản đến qua mạng, chưa có văn bản đi được xử lý trên phần mềm. Một số cơ quan, đơn vị có số lượng văn bản đến, đi cập nhật trên phần mềm lớn như: Văn phòng UBND tỉnh; các Sở: Tài chính, KH&ĐT, NN&PTNT, Nội vụ; các huyện: Lạc Sơn, Tân Lạc, Lạc Thủy, Kỳ Sơn, TP Hòa Bình. 10/11 huyện, thành phố có 100% xã, phường, thị trấn tham gia sử dụng phần mềm văn phòng điện tử để tiếp nhận văn bản đến.
Hiện, 100% cơ quan, đơn vị đã sử dụng chữ ký số chuyên dùng của tổ chức để trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng, 12/20 sở, ban, ngành, 5/11 huyện, thành phố sử dụng chữ ký số cá nhân lãnh đạo để phát hành văn bản đi. Một số đơn vị có tỷ lệ văn bản đi được ký số cao như: Sở Tài chính 97,3%, Sở Ngoại vụ 97%, Ban Dân tộc 96%, Sở Xây dựng 96%, UBND các huyện: Cao Phong 87%, Lạc Sơn 86,5%, Lạc Thủy 83%...
Bên cạnh kết quả đạt được, việc ứng dụng các phần mềm dùng chung của tỉnh còn những hạn chế, tồn tại như: còn nhiều xã chưa tham gia sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành hoặc mới chỉ áp dụng phần mềm để tiếp nhận văn bản đến, chưa thực hiện quy trình văn bản đi, tỷ lệ sử dụng phần mềm một cửa điện tử để giải quyết thủ tục hành chính chưa cao; một số đơn vị tỷ lệ sử dụng chữ ký số phát hành văn bản đi đạt thấp...
Để khắc phục những hạn chế, nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, điều hành, Sở TT&TT kiến nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4 thuộc phạm vi, lĩnh vực mình quản lý để người dân, tổ chức, doanh nghiệp biết, sử dụng; UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, đôn đốc các xã, phường, thị trấn sử dụng phần mềm một cửa điện tử và phần mềm văn phòng điện tử vào quy trình quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính theo quy định của UBND tỉnh; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường sử dụng các phần mềm dùng chung của tỉnh và chữ ký số để trao đổi văn bản, hồ sơ điện tử trong công tác quản lý, điều hành.
Vũ Hà