Để xử lý hơn 20 nghìn tấn rác thải tồn đọng với dây chuyền công nghệ cũ kỹ, chắp vá, không đồng bộ, ước tính Công ty Hoàng Long phải mất 3 - 4 năm mới xử lý xong.
Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Đã nhiều năm nay, người dân sinh sống gần khu vực xử lý rác thải thuộc tiểu khu 10, thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) bức xúc trước thực trạng ÔNMT do bãi thu gom, xử lý rác thải của Công ty Hoàng Long gây ra. Theo đồng chí Bùi Quang Điệp, Phó Giám đốc Sở TN&MT, lượng rác thải tồn đọng hiện chưa xử lý được của Công ty Hoàng Long ước khoảng trên 20 nghìn tấn. Do không có biện pháp xử lý hiệu quả, triệt để nên đã gây ÔNMT xung quanh, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Ông Nguyễn Hồng Bảo, người dân tiểu khu 10 cho biết: Tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của chúng tôi. Dù nhà dân ở cách xa hàng km vẫn ngộp thở bởi không khí nặng mùi xú uế và ruồi nhặng, nhất là những ngày nắng nóng.
Đáng lo ngại hơn cả là những bãi rác hàng nghìn tấn này nằm lộ thiên, không hề có mái che, hệ thống thu gom, xử lý nước mưa chảy tràn và nước rỉ rác không đảm bảo gây ÔNMT nghiêm trọng. Chỉ tay về phía con suối Mòng, bà Nguyễn Thị Tưởng ở xóm Mòng, thị trấn Lương Sơn cho biết: Trước kia, khi chưa có bãi rác của Công ty Hoàng Long, con suối này trong, sạch lắm. Thậm chí chúng tôi có thể tắm giặt ở đây khi đi làm đồng về. Thế nhưng bây giờ nó đã trở nên ô nhiễm. Dòng nước có lẫn nước thải từ bãi rác bốc mùi rất khó chịu. Không còn ai dám tắm giặt ở đây nữa. Không chỉ có vậy, hàng ngày, mùi hôi thối từ bãi rác còn ám ảnh chúng tôi trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Nhiều người bị mắc các bệnh mãn tính về hô hấp, da liễu...
"Do ảnh hưởng từ tình trạng ÔNMT từ khu tập kết rác thải, mới đây nhất, vào khoảng trung tuần tháng 4 vừa qua, nước từ các bãi rác thải của công ty chảy tràn ra bên ngoài cùng lượng lớn hoá chất khử mùi đã làm chết cá trong ao của các hộ dân ở khu vực xung quanh" - bà Tưởng cho biết thêm.
Không dễ giải quyết do công nghệ lạc hậu, chắp vá
Năm 2011, khu xử lý rác thải của Công ty Hoàng Long chính thức đi vào hoạt động với tổng diện tích đất sử dụng khoảng 10,8 ha. Dự án đảm bảo xử lý rác thải cho huyện Lương Sơn và các khu vực lân cận với công suất thiết kế từ 50 - 80 tấn/ngày. Từ cuối năm 2014, công ty tiếp nhận nguồn rác thải từ TP Hòa Bình, bình quân khoảng 60 tấn/ngày, cộng với lượng rác thải của huyện khoảng 9 tấn/ngày. Với lượng rác thải lớn, liên tục được đưa về trong khi công suất xử lý có nhiều hạn chế nên không xử lý hết lượng rác trong ngày đã gây ra tình trạng quá tải, tồn đọng rác thải, ÔNMT nghiêm trọng khu vực xung quanh thời gian qua.
Trước thực trạng trên, để đánh giá về khả năng, tiến độ xử lý rác thải, giải quyết bức xúc của người dân, vừa qua, UBND tỉnh giao Sở KH&CN phối hợp với các Sở: KH&ĐT, Xây dựng, TN&MT và UBND huyện Lương Sơn tổ chức kiểm tra, đánh giá về dây chuyền công nghệ xử lý rác thải đang được Công ty Hoàng Long vận hành. Từ cuộc kiểm tra này, nhiều vấn đề, tồn tại, hạn chế được chỉ rõ. Đồng chí Bùi Văn Chủm, Phó Giám đốc Sở KH&CN, Trưởng đoàn kiểm tra cho biết: Qua thực tế kiểm tra cho thấy, hệ thống dây chuyền đốt rác công ty đang vận hành đã khá cũ và thô sơ, công suất xử lý không đáp ứng được so với lượng rác đưa về đã gây ra tình trạng ÔNMT nghiêm trọng tại khu vực.
Theo đồng chí Bùi Văn Chủm, hiện nay, 2 lò đốt rác thải của Công ty Hoàng Long mới chỉ đạt công suất khoảng 60 tấn/ngày nếu làm việc liên tục 24/24h. Như thế, cũng chỉ đáp ứng xử lý được một phần rác thải khi chuyển về. Dẫn đến việc rác thải sinh hoạt tồn đọng, không được xử lý dứt điểm trong ngày. Mặt khác, dây chuyền xử lý rác không được đầu tư đồng bộ, chắp vá nên không đảm bảo xử lý khối lượng rác hiện nay đơn vị đang phải tiếp nhận. Theo tính toán, với công suất hiện nay thì phải mất 3 - 4 năm mới xử lý hết khối lượng rác tồn đọng. Điều này gây áp lực về môi trường là điều dễ hiểu.
Đồng chí Bùi Quang Điệp, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho rằng, để xử lý vấn đề này trong khoảng thời gian ngắn là không thể. Bởi theo quy hoạch phát triển đô thị của huyện Lương Sơn, khu vực này tới đây sẽ chuyển đổi, không còn là địa điểm tập kết xử lý rác thải. Do vậy, yêu cầu phía Công ty Hoàng Long đầu tư dây chuyền xử lý rác thải mới là không khả thi. Còn theo đồng chí Bùi Văn Chủm, sau khi kiểm tra đoàn công tác đề nghị với Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo và yêu cầu Công ty Hoàng Long đầu tư, cải tạo nâng cấp các lò đốt rác để nâng cao công suất xử lý rác thải; hoàn thiện, nâng cao hiệu suất các thiết bị để xử lý tối ưu và triệt để đối với các loại rác; có biện pháp xử lý, thu gom nước rỉ rác đảm bảo về kỹ thuật và môi trường theo quy định. Ngoài ra, UBND tỉnh nên xem xét, tính đến phương án yêu cầu Công ty Hoàng Long đưa lượng rác tồn đọng về xử lý tại khu xử lý rác thải tại xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn) khi dự án này hoàn thành và đi vào hoạt động, nhằm giảm áp lực về môi trường, giảm thời gian xử lý, giải phóng nhanh lượng rác thải còn tồn đọng. "Nếu thực hiện theo phương án này và kết hợp với việc nâng cấp dây chuyền xử lý hiện tại thì thời gian xử lý lượng rác thải hiện còn tồn đọng có thể giảm, còn 1,5 - 2 năm chứ không phải là từ 3 - 4 năm như tính toán hiện nay” - đồng chí Bùi Văn Chủm nêu quan điểm.
MẠNH HÙNG
(HBĐT) - Tính đến ngày 8/6, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện ở 8/11 huyện, thành phố trong tỉnh, gồm Lương Sơn, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Kỳ Sơn, Cao Phong, Yên Thủy, Tân Lạc và thành phố Hòa Bình. 3 địa phương hiện chưa có dịch là Kim Bôi, Mai Châu, Đà Bắc.