(HBĐT) - Xã Đa Phúc (Yên Thủy) hiện có hơn 1.200 ha rừng, chủ yếu là rừng phòng hộ, giao cho 15/15 xóm quản lý. Với diện tích rừng phòng hộ lớn, thảm thực vật phong phú, nhiều lâm sản quý, đặc biệt, tại cánh rừng nguyên sinh xóm Nhuội có 13 cây chò chỉ, có những cây ước tính hơn 600 năm tuổi, được huyện đưa vào diện bảo vệ nghiêm ngặt. Công tác bảo vệ rừng tại địa bàn xã luôn được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm, chú trọng.
Những cây chò chỉ hàng trăm năm tuổi được nhân dân xóm Nhuội, xã Đa Phúc (Yên Thủy) bảo vệ nghiêm ngặt.
Đồng chí Bùi Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Đa Phúc cho biết: "Những năm qua, xã cùng các ngành, đoàn thể, lực lượng Kiểm lâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng. Xác định tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng, Đảng ủy, chính quyền xã đưa vào nghị quyết phát triển KT-XH; đẩy mạnh tuyên truyền Luật Bảo vệ và phát triển rừng thông qua các cuộc họp thôn, xóm; xây dựng quy chế phối hợp, tổ chức ký cam kết tại các khu dân cư. Bên cạnh đó, xã thành lập các tổ bảo vệ rừng, thường xuyên tổ chức tuần tra, nắm chắc địa bàn, kịp thời phát hiện các hành vi xâm hại tài nguyên rừng trái phép. Nhờ đó, nhiều năm qua, diện tích rừng rừng nói chung, các loại lâm sản quý, cây gỗ lâu năm tại xóm Nhuội luôn được giữ gìn và bảo tồn".
Từ xóm Nhuội, chúng tôi vượt hơn 1 km đường rừng để đến khu vực 13 "cụ" chò chỉ ước tính hơn 600 năm tuổi. Trong vòng bán kính 50 m từ chỗ đứng, những cây chò cổ thụ khiến chúng tôi choáng ngợp với đường kính thân cây gần 2 m, gốc cây 7 - 8 người ôm không hết, chiều cao vút tầm mắt, ước chừng gần 50 m. Đồng chí cán bộ xã dẫn chúng tôi đi thăm rừng chia sẻ chỉ cần vận chuyển trót lọt 1 cây, lợi nhuận bán gỗ rất lớn. Do đó, lâm tặc luôn tìm cách xâm nhập, lén lút khai thác hoặc xúi giục người dân địa phương vận chuyển trái phép.
Ông Bùi Văn Nghị, Trưởng xóm Nhuội, Tổ trưởng tổ bảo vệ rừng cho biết: "Các cây chò chỉ được Hạt Kiểm lâm huyện đưa vào danh sách cần bảo vệ nghiêm ngặt, để bảo vệ nguyên vẹn các "cụ" chò chỉ là công việc gian nan, khó khăn, nguy hiểm đổi với tổ bảo vệ và người dân trong vùng. Mỗi thành viên trong tổ thường xuyên thay phiên nhau trực 24/24h, thậm chí nhiều người mang cả xoong, nồi, gạo, chăn màn... vào rừng để canh giữ dài ngày. Rắn rết, muỗi rừng, sự rình rập ngày đêm của lâm tặc khiến nhiều lúc anh em trong tổ muốn bỏ cuộc. Nhưng vì yêu rừng, ý thức cao trong việc bảo vệ rừng nên tổ vẫn không ngại khó khăn, quyết tâm bám trụ".
Không chỉ xóm Nhuội, diện tích rừng nguyên sinh tại các xóm trên địa bàn đều được quản lý, bảo vệ chặt chẽ, nhất là tại các khu vực giáp ranh với các xã lân cận. Hiện tại, toàn xã có 15 tổ bảo vệ rừng, mỗi tổ từ 5-7 người, thường xuyên tuần tra với tần suất 2 - 3 lần/ tháng. Thành viên tổ bảo vệ rừng gồm công an viên, trưởng xóm, lực lượng dân quân... phối hợp với nhân dân thường xuyên theo dõi, quản lý địa bàn nắm giữ. Riêng tổ bảo vệ rừng xóm Nhuội có 10 thành viên, thay nhau canh gác 24/24h tại khu vực có nhiều lâm sản quý, có tuổi hàng trăm năm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn sự xâm hại tài nguyên rừng.
Nhờ công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật Bảo vệ và phát triển rừng có hiệu quả, ý thức của người dân ngày một nâng lên. Thậm chí ngay từ cổng làng, mỗi khi quan sát có người lạ ra, vào địa bàn mang theo các vật dụng có thể vận chuyển, khai thác gỗ, người dân ngay lập tức gọi điện thoại báo cáo với chính quyền xã đến kịp thời ngăn chặn, xử lý. Trong những tháng cao điểm nắng nóng, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cũng được chính quyền xã và nhân dân thực hiện nghiêm túc, khẩn trương, duy trì chế độ trực 24/24h; tổ chức dọn thực bì, phát dọn đường băng cản lửa, cấm đưa các chất gây cháy vào rừng; nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng, chống cháy nổ, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn.
Ngoài ra, xã triển khai các biện pháp trồng, phục hồi rừng, tuyên truyền về ý nghĩa của việc trồng rừng đối với sự phát triển chung của xã hội, qua đó diện tích rừng tăng dần qua từng năm. Đến nay, độ che phủ rừng toàn xã đạt 53%. Trong năm 2018, xã trồng mới thêm 3,5 ha rừng, địa bàn xã không xảy ra hiện tượng xâm hại, chặt phá, cháy rừng. Toàn bộ diện tích rừng hiện có, trong đó có 13 cây chò chỉ hàng trăm năm tuổi tại xóm Nhuội được bảo vệ nghiêm ngặt.
Hoàng Anh
Sau gần một tháng áp dụng làm sạch bằng công nghệ Nano-Bioreactor trên sông Tô Lịch (đoạn Hoàng Quốc Việt), nguồn nước đã được cải thiện rõ rệt, tuy vẫn còn màu đen nhưng không còn mùi hôi thối.
(HBĐT) - Ngày 13/6, tại huyện Lạc Sơn, Sở NN&PTNT phối hợp tổ chức hội nghị vùng đánh giá công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) và bàn các giải pháp phòng, chống trong thời gian tới. Tham dự có các cơ quan chuyên môn và doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện Yên Thủy, Lạc Thủy, Tân Lạc, Kim Bôi, Lạc Sơn.
(HBĐT) - Kết quả theo dõi diễn biến rừng năm 2018 cho thấy, diện tích có rừng toàn tỉnh hiện có trên 236.412 ha, gồm rừng tự nhiên hơn 141.900 ha, rừng trồng đã thành rừng hơn 94.512 ha; độ che phủ rừng đạt 51,50%. Toàn tỉnh có hơn 100.000 ha rừng tre, nứa, hỗn giao nứa gỗ, rừng trên núi đá, rừng phục hồi, rừng trồng chưa khép tán, đây là các loại rừng dễ cháy, thường có nguy cơ cháy rừng cao. Các vùng này cũng là nơi tập trung đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế phụ thuộc nhiều vào rừng và thường phát đốt làm nương rẫy. Các hoạt động sản xuất nương rẫy, kết hợp nông, lâm nghiệp thường xuyên diễn ra nên rất dễ cháy lan vào rừng.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 13/6, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây với đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn mạnh nên Trung Bộ có nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36 - 39 độ C, có nơi trên 39 độ C. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 10 - 17 giờ.
(HBĐT) -Ngày 12/6, UBND huyện Kim Bôi đã công bố bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tại xóm Sào, xã Hạ Bì sau khi nhận kết quả xét nghiệm từ Chi cục Thú y vùng I kết luận 3/4 mẫu máu, bệnh phẩm dương tính với vi rút DTLCP.
(HBĐT) - Sở Công Thương vừa tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về thương mại điện tử cho 50 học viên là cán bộ quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.