Người dân làng nghề xã Phú Vinh, huyện Chương Mỹ quan tâm bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất.
Lan tỏa phong trào "năm không, ba sạch”
Có mặt tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, chúng tôi mới cảm nhận hết những chuyển biến tích cực từ quyết tâm xây dựng môi trường sống trong lành của người dân nơi đây. Nhớ lại những ngày đầu thực hiện tiêu chí môi trường với điểm khởi đầu từ 8km sông Nhuệ chảy qua địa bàn xã, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai Lưu Quý Hợi chia sẻ: Trong suốt ba năm (từ 2016 đến nay) UBND xã đã tổ chức hàng chục cuộc họp giữa lãnh đạo xã với lãnh đạo thôn, lãnh đạo xã với bà con nhân dân để tìm đáp án cho bài toán môi trường. Kết quả, "Ngày thứ bảy tình nguyện”, "Ngày chủ nhật xanh” của Đoàn Thanh niên; "Xanh - sạch - đẹp” trong các trường học, "Năm không, ba sạch” của Hội Phụ nữ, đã từng bước cải thiện chất lượng môi trường. Chỉ tính trong ba năm thực hiện tiêu chí môi trường, người dân đã vớt hàng nghìn mét khối rác thải, khơi thông dòng chảy cho sông Nhuệ và trồng được hơn 1.000 m2 vườn hoa, cây cảnh trong cụm dân cư, góp phần tạo cảnh quan và không khí trong lành cho người dân.
Ngoài khơi thông dòng chảy cho sông Nhuệ, tạo cảnh quan môi trường sống, trong năm 2018, xã tiến hành giải tỏa được hai chợ cóc vốn là điểm nóng gây mất mỹ quan đô thị kéo dài trong nhiều năm, góp phần giải quyết triệt để tình trạng xả rác, nước thải bừa bãi gây ách tắc giao thông trên tuyến đường 70 chạy qua địa bàn xã.
Chia sẻ với chúng tôi về những thay đổi trong môi trường sống, ông Nguyễn Phúc Vinh, người dân xã Tả Thanh Oai phấn khởi: Nhờ làm tốt việc thu gom rác thải mà cuộc sống của người dân được cải thiện, đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp... Trong thời gian tới, chúng tôi quyết tâm gìn giữ và nâng cao chất lượng môi trường ngày một tốt hơn.
Không chỉ có Tả Thanh Oai nỗ lực cải thiện môi trường sống cho người dân, khi tìm ra giải pháp xử lý rác thải tồn đọng do lịch sử để lại trên dòng sông Nhuệ và rác thải trong sinh hoạt, tại xã Phú Vinh, huyện Chương Mỹ, môi trường sống cũng đã và đang thay đổi từng ngày. Được biết đến là làng nghề mây tre đan truyền thống, nhiều năm liền Phú Vinh là điểm nóng về ô nhiễm môi trường của huyện Chương Mỹ nói riêng, thành phố nói chung, do người dân dùng hoá chất để xử lý nguyên liệu mây, tre, phục vụ sản xuất, khiến cho nguồn nước, không khí làng nghề luôn trong tình trạng ô nhiễm. Chưa kể việc người dân đốt nguyên liệu thừa sau sản xuất rồi đem bón cho cây trồng dẫn đến việc xả ra môi trường một lượng khói, bụi không nhỏ. Nhận ra những mối nguy hiểm từ công đoạn sơ chế nguyên liệu, cho đến xử lý nguyên liệu thừa trong sản xuất, ông Nguyễn Văn Trung, một trong những nghệ nhân nổi tiếng của làng nghề đã thử nghiệm và áp dụng thành công phương pháp sấy khô để xử lý mây tre đan không dùng hóa chất. Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất không chỉ mở ra một hướng đi mới cho làng nghề mây tre đan Phú Vinh nói riêng mà còn góp phần gỡ nút thắt về tiêu chí môi trường đối với các làng nghề truyền thống nói chung.
Ngoài ứng dụng công nghệ vào sản xuất, người dân làng nghề Phú Vinh còn tổ chức phong trào lao động công ích, thường xuyên duy trì "năm không, ba sạch”, từng bước đưa Phú Vinh sớm thoát khỏi điểm đen về ô nhiễm môi trường.
Để duy trì, nâng cao tiêu chí môi trường
Theo số liệu từ UBND thành phố Hà Nội, đến nay, thành phố đã có 377 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí về môi trường, tăng một xã so với cuối năm 2018. Song vẫn còn chín xã chưa đạt. Để tiếp tục duy trì và nâng cao tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, đồng thời quyết liệt thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31-5-2017 của Thành ủy về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Hà Nội chủ trương chỉ khuyến khích phát triển các nghề tạo sản phẩm thủ công truyền thống và thân thiện với môi trường; không khuyến khích mô hình "mỗi làng một nghề” đối với các loại hình sản xuất, sử dụng hóa chất có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao như tái chế phế liệu, thuộc da… Đồng thời yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, ký cam kết bảo vệ môi trường trong kinh doanh, từng bước hướng đến xã hội hóa nguồn lực trong công tác bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM tại Hà Nội đối với những xã chưa đạt vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, chưa kể việc duy trì tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM nâng cao cũng đang có dấu hiệu chững lại.
Ông Nguyễn Văn Chung, nghệ nhân xã Phú Vinh chia sẻ: Việc lắp đặt hệ thống máy sấy đòi hỏi chi phí rất cao, nếu chỉ dựa vào nguồn lực của các hộ gia đình hay tổ hợp sản xuất thì rất khó thực hiện. Do đó, thành phố, huyện, xã cần có những chính sách hỗ trợ kinh phí, đất đai để người dân có điều kiện mua máy móc, di chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, nếu không việc dùng hóa chất, hay đốt bỏ nguyên liệu thừa trong sản xuất vẫn sẽ không tránh khỏi.
Còn tại xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín vốn nổi tiếng bởi các sản phẩm làm từ gỗ truyền thống; môi trường luôn là vấn đề được chính quyền xã và người dân đặc biệt quan tâm. Theo Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm Nguyễn Văn Hà, ngoài việc tuyên truyền, phổ biến cho bà con trong xã ra quân quét dọn đường làng, ngõ xóm mỗi cuối tuần, xã khuyến khích các hộ sản xuất lắp đặt những quạt hút gió công suất lớn để hạn chế bụi phát tán ngoài không khí...
Theo ông Đặng Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, tiêu chí môi trường cần được gắn với các tiêu chí phát triển đô thị. Do đó, huyện chỉ đạo các xã tổ chức đánh giá, chấm điểm, tổng hợp và công bố mức độ đạt từng tiêu chí NTM nâng cao. Đồng thời huyện tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai và môi trường của các đơn vị sản xuất trên địa bàn.
Xây dựng NTM nâng cao là bước tiếp theo của xây dựng NTM, do đó những tiêu chí nâng cao được đánh giá là tương đối khó đối với không ít địa phương của thành phố Hà Nội. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM nâng cao, Sở sẽ tham mưu cho thành phố xây dựng quy hoạch làng nghề, phố nghề kết hợp với phát triển du lịch. Đồng thời, sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra xuống địa bàn, tiến hành đánh giá một cách khách quan trước khi ra quyết định công nhận cơ sở hoàn thành tiêu chí môi trường và hoàn thành xây dựng NTM.
Hiện, 100% số hộ dân nông thôn của thành phố được sử dụng nước sinh hoạt bảo đảm vệ sinh, trong đó có hơn 55,5% số hộ dân được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Hơn 84% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh; 100% huyện đã có đơn vị vệ sinh môi trường thực hiện công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt; tỷ lệ thu gom rác thải trong làng tại các xã đạt 88%.
TheoNhanDan
Huyện Nam Sách (Hải Dương) hiện là “điểm nóng” về khai thác cát trái phép. Mặc dù tình trạng này xảy ra trong thời gian dài, gây thất thoát nguồn tài nguyên, đe dọa an toàn hệ thống đê, kè, đất sản xuất nông nghiệp thậm chí cả tính mạng và tài sản của nhân dân, song công tác quản lý, xử lý của các cấp chính quyền cơ sở còn thiếu kiên quyết, gây bức xúc trong dư luận.