(HBĐT) - Xuân mới đã đến với bao ước mơ, khát vọng. Trái đất xoay vần nhưng thế giới không ngừng phát triển và có những bước nhảy vọt qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) về cơ khí, điện khí hóa, tự động hóa và đang bước vào cuộc CMCN lần thứ 4. Đây được cho là xu thế tất yếu của nhân loại và Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nhận định: "Đây là cơ hội để nước ta hiện thực hóa khát vọng phồn vinh”. Một khi có khát vọng và dũng khí dấn thân sẽ là khởi nguồn để thành công. 


Các kỹ sư của VNPT Hòa Bình cập nhật các tính  năng thông minh lên Cổng du lịch thông minh tỉnh Hòa Bình. 


Người dân thanh toán bằng QR Pay tại Cửa hàng thể thao Minh Hải, phường Phương Lâm (TPHB). 

Cùng "khởi động”

Có khát vọng, cùng với những nỗ lực, quyết tâm, nước ta đang từng bước tiếp cận với cuộc CMCN 4.0. Hòa Bình cũng đã "khởi động” với những bước đi cụ thể. Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các kế hoạch thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Trung ương. Phó Giám đốc Sở KH&CN Bùi Văn Chủm chia sẻ: Hơn 2 năm qua, từ khi có Kế hoạch tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0 của UBND tỉnh, Sở đã phối hợp với các ngành tuyên truyền, phổ biến về CMCN 4.0 với nhiều hình thức như trực tiếp tại hội nghị, tập huấn, qua các ấn phẩm, website, phương tiện thông tin đại chúng. Nay có nghị quyết của Bộ Chính trị, được phổ biến đến chi bộ, vậy là chúng ta đã có Đảng Cộng sản Việt Nam "chỉ lối”. Đó là may mắn của nước ta khi CMCN 4.0 trước hết là cuộc cách mạng thể chế. Chúng ta cần chung sức để từng bước đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Để tăng năng lực tiếp cận CMCN 4.0, tỉnh đã xác định mục tiêu kèm với những giải pháp trọng tâm như tạo sự bứt phá về hạ tầng, ứng dụng CNTT, phát triển hạ tầng kết nối số. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp hấp thụ, phát triển các công nghệ sản xuất mới. Xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh, công nghệ sinh học, điện tử phục vụ xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, du lịch thông minh, thành phố thông minh... Mục đích là tận dụng, đổi mới triệt để sức mạnh lan tỏa của số hóa, CNTT, bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, không để tụt hậu về công nghệ; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Đẩy mạnh triển khai chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến...  

Tiếp cận 4.0

Xuân này bạn sẽ đi du lịch ở đâu? Câu hỏi này trả lời không khó nếu du khách truy cập vào địa chỉ https://hoabinhtourism.vn. Với sự hỗ trợ của công nghệ, giờ đây, chỉ với một thiết bị cầm tay có kết nối internet như smartphone, máy tính bảng, ở bất cứ đâu, thời gian nào, bạn cũng có thể có tất cả thông tin, hình ảnh cần thiết về du lịch Hòa Bình và có thể trải nghiệm kho video về du lịch, các điểm đến. Những địa điểm và điểm đến du lịch đều được tích hợp với bản đồ số.

Việc khai trương Cổng Du lịch thông minh tỉnh Hòa Bình là minh chứng cho việc tiếp cận CMCN 4.0 trên địa bàn tỉnh. Thông qua đây, quảng bá, truyền tải thông tin rộng rãi về du lịch Hòa Bình đến du khách trong và ngoài nước, góp phần xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tập đoàn VNPT là đơn vị chủ trì xây dựng chuỗi dự án Du lịch thông minh tỉnh Hòa Bình. Giám đốc Trung tâm CNTT của VNPT Hòa Bình Phạm Văn Hùng chia sẻ: Cổng Du lịch thông minh chứa hàm lượng trí tuệ nhân tạo cao, đáp ứng yêu cầu về đô thị thông minh. Hệ thống du lịch thông minh sẽ được tích hợp công nghệ mới như: thực tại ảo, thực tại tăng cường, ảnh 360, trí tuệ nhân tạo được phát triển thành các tính năng: nhận diện công trình kiến trúc - trợ lý du lịch ảo, tự gợi ý lịch trình thông minh đem đến những trải nghiệm độc đáo cho du khách. Ngoài ra, đơn vị phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chuyển đổi số, bắt nhịp với CMCN 4.0. Cụ thể như triển khai giải pháp quản lý trường học thông minh VNEdu trong ngành GD&ĐT; phần mềm quản lý trong ngành Y tế Ioffice, phần mềm quản lý bệnh viện HIS; dịch vụ tiếp nhận thông tin của người dân qua tổng đài 1022 cho Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; giải pháp quản lý văn bản điện tử cho Hội LHPN tỉnh, Tỉnh Đoàn… và sắp tới là phần mềm quản lý cuộc họp eCabinet…

Việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng CNTT trên địa bàn tỉnh cũng đã được quan tâm. 100% cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp đã có mạng nội bộ, kết nối internet băng thông rộng. Ứng dụng các phần mềm quản lý được đưa vào sử dụng ngày càng phổ biến như: Phần mềm quản lý văn bản và điều hành trong hệ thống các cơ quan Nhà nước; phần mềm một cửa điện tử cấp tỉnh, cấp huyện; hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS)... 11/11 huyện, thành phố ứng dụng chữ ký số vào trao đổi văn bản trên môi trường mạng. CB, CC sử dụng phần mềm quản lý văn bản qua internet. Lĩnh vực GD&ĐT triển khai giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) trong chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng của Bộ GD&ĐT. Sở TT&TT đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng trục tích hợp (LGSP) để kết nối giữa các đơn vị...    

UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử phiên bản 1.0 với định hướng đẩy mạnh CCHC gắn với việc tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phù hợp với định hướng của quốc gia về chính phủ điện tử. Cổng dịch vụ công tỉnh đã chính thức đi vào vận hành từ ngày 1/7/2019 với tên miền dichvucong.hoabinh.gov.vn và hiện cung cấp 368 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 108 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đến nay, phần mềm quản lý văn bản và điều hành của tỉnh đã liên thông 4 cấp từ Trung ương đến cấp xã. Dự án xây dựng mạng WAN tỉnh Hòa Bình đang được triển khai trên nền tảng Mạng truyền số liệu chuyên dùng.

Cuối năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch ứng dụng CNTT trong phát triển đô thị thông minh giai đoạn 2020 - 2025. Trong đó có việc xây dựng hệ sinh thái y tế, giáo dục, du lịch thông minh; phát triển các dịch vụ giao thông thông minh, môi trường thông minh; phát triển kinh tế số; xây dựng và triển khai thẻ điện tử công chức...   

Tiềm năng về nông nghiệp của tỉnh cũng đang từng bước tiếp cận và và ứng dụng công nghệ vào sản xuất hướng đến hình thành nền nông nghiệp hiện đại, chất lượng cao. Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được mở rộng. Một số HTX đã đầu tư công nghệ từ sản xuất đến bảo quản, chế biến sản phẩm, dán tem thông minh truy xuất nguồn gốc. Tỉnh đã hỗ trợ phát triển các sản phẩm theo chương trình OCOP. Hỗ trợ việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ, đăng ký nhãn hiệu bảo hộ cho các sản phẩm là đặc sản của địa phương như cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, cá sông Đà... Đề tài "Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao (internet of things) vào sản xuất nông nghiệp thông minh” đang được đề xuất thực hiện.

Hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ được minh chứng với việc ký kết thỏa thuận hợp tác về khoa học, công nghệ giữa tỉnh ta và thành phố Gimje, Hàn Quốc. Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Sở KH&CN với Viện KH&CN Hàn Quốc trên phương diện hợp tác xây dựng nền tảng kết nối doanh nghiệp, thúc đẩy cung và cầu nguồn lực tại tỉnh....

Những bước khởi đầu trong tiếp cận đang cho thấy sự nỗ lực vươn lên, bắt nhịp với cuộc CMCN 4.0. Năm mới với bao ước mơ, dự định và khát khao đổi mới sáng tạo để khát vọng phồn vinh dần được hiện thực hóa.

Cẩm Lệ

Các tin khác


Nhân rộng các điển hình tiên tiến huyện Cao Phong

(HBĐT) - Ngày 17/1, UBND huyện Cao Phong tổ chức hội nghị điển hình tiên tiến huyện lần thứ V giai đoạn 2015- 2020, tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2019 và phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2020-2025.

Từng bước ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất

(HBĐT) - Hai năm sau ngày hứng chịu trận lũ lịch sử tháng 10/2017, cuộc sống của 26 hộ dân xóm Chanh Trên, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) đã đổi thay. Các hộ dân đối mặt với nguy cơ bị sạt lở, đá lăn đã có nhà mới khang trang, kiên cố tại nơi tái định cư xóm Đoàn Kết, xã Vĩnh Đồng. Người dân từng bước ổn định đời sống và khôi phục sản xuất.

Huyện Đà Bắc ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước

(HBĐT) - Năm 2019, huyện Đà Bắc đã đăng tải 253 bộ thủ tục hành chính công lên Trang thông tin điện tử của huyện, triển khai cung cấp dịch vụ công mức độ 1,2 tại địa chỉ http://dabac.hoabinh.gov.vn. Tiếp nhận giải quyết trên 420 hồ sơ thủ tục hành chính qua môi trường mạng. Việc ứng dụng CNTT trong cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn đạt kết quả tích cực, góp phần đổi mới phương thức làm việc, minh bạch trong quá trình tiếp nhận, giải quyết các văn bản hành chính, thủ tục hành chính (TTHC) của cơ quan Nhà nước đối với tổ chức, công dân.

Không khí lạnh gây mưa rét ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ

Không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác thuộc phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục