Vừa qua, cuộc gọi vi-đê-ô đầu tiên sử dụng đường truyền dẫn dữ liệu kết nối mạng 5G trên thiết bị thu, phát sóng gNodeB do Tập đoàn Viettel nghiên cứu, sản xuất đã được thực hiện thành công với ưu thế vượt trội về tốc độ kết nối mạng, độ trễ thấp và kết nối được duy trì liên tục.
Các kỹ sư Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội nghiên cứu làm chủ mạng 5G.
Trao đổi về quá trình nghiên cứu, làm chủ công nghệ mạng 5G, ông Nguyễn Chí Linh, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thiết bị vô tuyến băng rộng, Trưởng nhóm dự án gNodeB 5G, Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel cho biết, ngay từ đầu năm 2017, khi vừa hoàn thành nghiên cứu để tự chủ công nghệ 4G và chế tạo trạm thu phát sóng 4G, ban lãnh đạo Tập đoàn Viettel đã xác định cần sớm thành lập nhóm nghiên cứu chuẩn 5G để bắt kịp và đón đầu xu thế công nghệ của thế giới. Tháng 6-2019, sau ba tháng thành lập Tổng Công ty công nghiệp công nghệ cao Viettel, dự án 5G chính thức được bắt đầu. Với mục tiêu xây dựng mạng 5G hoàn chỉnh, Tập đoàn Viettel quyết định tự chủ hoàn toàn phần cứng, phần mềm và tích hợp trạm thu, phát sóng 5G. Đến nay, đội ngũ kỹ sư của Viettel đã tự chủ thiết kế phần cứng, thiết kế hệ thống; làm chủ các công nghệ lõi là điều chế và mã hóa kênh 5G; chủ động phát triển phần mềm xử lý tín hiệu 5G; xây dựng chỉ tiêu kỹ thuật, thiết kế hệ thống và thiết kế chi tiết cho mạng 5G.
Hiện nay, trên thế giới có năm công ty sản xuất thành công các thiết bị mạng cho 5G, bao gồm: Ericsson, Nokia, Huawei, Samsung và ZTE. Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, Tập đoàn Viettel là công ty thứ 6 trên thế giới có cơ hội thương mại hóa 5G.
Theo các nhà khoa học, mạng 5G là mạng thế hệ thứ năm trong viễn thông di động. Thế hệ công nghệ mới này hứa hẹn đem lại cho người tiêu dùng tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn với độ trễ, độ nhỡ thấp hơn trong quá trình truyền tải dữ liệu. Trong bối cảnh kinh tế số, đô thị thông minh của Việt Nam, mạng 5G hết sức cần thiết để đáp ứng nhu cầu quản lý và sử dụng của người dân. Chẳng hạn, các cơ quan chức năng có thể theo dõi tình trạng tắc nghẽn giao thông, mức độ ô nhiễm và nhu cầu tại các bãi đỗ xe, từ đó có thể gửi những thông tin cần thiết đến những chiếc xe thông minh của người dân theo thời gian thực. Khi triển khai hệ thống một cửa điện tử, nhu cầu của người dân thực hiện các thủ tục hành chính qua mạng ngày một tăng, đòi hỏi mạng phải nhanh, ổn định. Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, một trong những ứng dụng giai đoạn đầu của 5G là nhà máy thông minh, công nghệ cao, bởi ở đó rất nhiều công nghệ mới 5G đang được sử dụng. Tập đoàn Viettel và các nhà mạng phải sớm thử nghiệm để trong năm 2020 phủ sóng toàn bộ các khu công nghệ cao, các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, các nhà máy sản xuất thông minh.
Việc Tập đoàn Viettel nghiên cứu, sản xuất thành công đánh dấu Việt Nam đã chính thức làm chủ công nghệ mạng 5G. Chia sẻ những khó khăn trong quá trình nghiên cứu, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thiết bị vô tuyến băng rộng Nguyễn Chí Linh cho biết, khi bắt đầu dự án, đội ngũ kỹ sư Viettel gặp rất nhiều khó khăn trong việc lựa chọn giải pháp phần cứng và phần mềm vì Viettel chưa có bộ những con chíp (chipset) 5G, trong khi các hãng lớn như Ericsson, Nokia, Samsung, Huawei sử dụng chipset riêng chuyên dụng của họ. Với truyền thống "trưởng thành qua những thách thức và thất bại”, đội ngũ kỹ sư của Viettel tự tin chinh phục các mục tiêu mà dự án đã đặt ra. Chỉ sau sáu tháng, đội ngũ kỹ sư dự án 5G đã hoàn thành sản xuất phần cứng trạm gNodeB 5G; hoàn thành tích hợp, phát sóng, sử dụng dịch vụ dữ liệu mạng 5G và thực hiện cuộc gọi dữ liệu 5G đầu tiên trên phần cứng trạm gNodeB. Viettel đặt mục tiêu thương mại hóa sản phẩm mạng 5G trong năm 2020. Viettel cũng đã bắt tay vào việc thiết kế chipset 5G cho riêng mình.
Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã nêu rõ, đến năm 2030, mạng di động 5G sẽ phủ sóng toàn quốc. Thực hiện mục tiêu này, Viettel dự kiến tháng 6-2020 sẽ thương mại hóa 5G và đến tháng 6-2021 sẽ thương mại hóa 5G trên toàn mạng lưới. Công nghệ mạng 5G là chìa khóa làm thay đổi nền kinh tế của Việt Nam. Vấn đề cần quan tâm khi thương mại mạng 5G là bảo mật thông tin và tuyên truyền để sử dụng các sản phẩm công nghệ cao mà Việt Nam đang làm chủ.
Theo báo Nhân Dân