Trạm bơm đặt cạch đường Hòa Bình, dưới chân đồi Ông Tượng, kinh phí 1,9 tỷ đồng vừa được đầu tư, nhằm cải thiện nguồn cung cấp nước cho người dân TP Hòa Bình.
Cao điểm những ngày nắng nóng cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa qua, có những ngày cuộc sống của người dân TP Hòa Bình bị ảnh hưởng tiêu cực, do ngưng nguồn cung nước sinh hoạt trong thời gian ngắn. Qua tìm hiểu, nguyên nhân do nguồn cung nước sạch của Công ty CP Nước sạch Hòa Bình bị thiếu hụt. Khu vực nhà máy xử lý nước bờ phải thành phố phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống tự chảy từ hồ Hòa Bình. Tại thời điểm đầu tháng 5/2020, có những lúc mực nước hồ Hòa Bình chỉ còn ở cao trình thấp, khoảng trên dưới 85 m. Đây được cho là mực nước thấp nhất trong hàng chục năm qua, cách "mực nước chết” trong hoạt động sản xuất điện khoảng 5 m.
Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Duy Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Nước sạch Hòa Bình, bình thường nước từ hồ Hòa Bình chảy về nhà máy xử lý khu vực bờ phải với lưu lượng 800m3/h. Đây là mức đảm bảo cung cấp nước cho người dân trong khu vực. Nhưng do mức nước trên hồ thấp, nên có thời điểm lượng nước tự chảy nhà máy xử lý nước bờ phải chỉ đạt 600 m3/h. Để giải quyết gấp tình huống thiếu hụt nguồn cung đó, công ty đã kịp thời điều tiết nước hợp lý, để đảm bảo luân phiên cung cấp đến khách hàng. Cùng với đó, đơn vị đã đầu tư gấp một trạm bơm đặt cạnh đường Hòa Bình, dưới chân đồi Ông Tượng, kinh phí 1,9 tỷ đồng để hút và đẩy nước từ hồ Hòa Bình theo đường ống tự chảy về nhà máy xử lý, với lưu lượng hiện tại lên trên 800m3/h.
Như vậy, thời điểm này đã đủ đảm bảo nguồn cung cấp nước cho người dân khu vực bờ phải TP Hòa Bình, không sợ thiếu hụt nguồn cung đầu vào. Trong thời gian tới, Công ty CP Nước sạch Hòa Bình tiếp tục hoàn thiện hệ thống máy bơm, nâng mức lưu lượng nước về nhà máy xử lý nước bờ phải từ hồ Hòa Bình lên trên 1.100 m3/h.
Còn tại nhà máy xử lý nước khu vực bờ trái TP Hòa Bình, được biết, hiện có 2 nguồn cung cấp nước, gồm một nguồn tự chảy từ thủy điện Hòa Bình về, một nguồn từ 4 giếng khoan. Đối với các giếng khoan có thể cung cấp nước lên đến 400 m3/h cho nhà máy xử lý nước sạch. Nguồn cung nước cho nhà máy xử lý nước bờ trái hiện vẫn lấy từ thủy điện Hòa Bình, chưa cần sử dụng 4 giếng khoan.
Hiện, Công ty CP Nước sạch Hòa Bình cung cấp nước sinh hoạt, kinh doanh cho hơn 44.000 khách hàng, riêng địa bàn TP Hòa Bình có khoảng 29.000 khách hàng. Trong những năm gần đây, công ty không ngừng đầu tư cải tạo hệ thống đường ống, mở rộng nguồn cung cấp nước đến với người dân. Năm 2019, công ty đã đầu tư khoảng 70 tỷ đồng, nhằm cải tạo hệ thống cung cấp nước tại nhiều khu vực trên địa bàn TP Hòa Bình. Dự kiến trong năm nay, tiếp tục đầu tư gần 120 tỷ đồng, cơ bản cải tạo hệ thống cung cấp nước khu vực toàn tỉnh, tập trung đầu tư tại khu vực TP Hòa Bình, cũng như giải quyết dứt điểm việc cung cấp nước cho trung tâm huyện Đà Bắc, địa bàn duy nhất đến nay công ty chưa cung cấp nước sinh hoạt tới người dân.
Cũng theo ông Nguyễn Duy Hùng, với những đầu tư mạnh mẽ trong những năm qua, chất lượng nước và áp lực nước sinh hoạt trên toàn tỉnh, đặc biệt khu vực TP Hòa Bình đã được cải thiện, nâng lên đáng kể. Giá bán nước tại tỉnh hiện cũng thấp nhất khu vực, bình quân chưa đến 5.400 đồng/m3 (giá nước tại các tỉnh, thành phố lân cận từ 8.500 - 10.000 đồng/m3). Giá bán nước sinh hoạt tại địa bàn tỉnh được phê duyệt từ năm 2013, nhưng đến nay vẫn chưa được điều chỉnh tăng. Trong khi nguồn cung, chất lựng nước, áp lực nước luôn được cải thiện.
Hồng Trung