★ Ngày 3-6, Ðoàn công tác của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT khảo sát tình hình sạt lở quốc lộ 91 tại ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ (Châu Phú, An Giang). UBND tỉnh An Giang cho biết, rạng sáng 23-5 xuất hiện vết nứt dọc quốc lộ 91 và đến ngày 27-5 đã sụp xuống sông Hậu với chiều dài khoảng 40m, bề rộng sạt vào 1/3 mặt đường. Tỉnh đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương để tỉnh thực hiện xã hội hóa việc chỉnh trị dòng chảy sông Hậu bảo vệ quốc lộ 91 khu vực xã Bình Mỹ có chiều dài khoảng 3km...
★ Ngày 2-6 trên địa bàn thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương có mưa lớn kèm dông lốc làm tốc mái hai nhà xưởng có tổng diện tích mái 700 m2, hai quán ăn có tổng diện tích mái 300 m2; sập 120 m tường rào, thiệt hại 1 ha cây ăn trái. Ước giá trị thiệt hại ban đầu khoảng 470 triệu đồng.
★ Ngày 3-6, các cơ quan chức năng của TP Ðà Lạt (Lâm Ðồng) phối hợp UBND phường 4 tổ chức di dời khẩn cấp ba hộ dân ở đường Ngô Thì Sỹ và hẻm 27K Lê Hồng Phong (phường 4, TP Ðà Lạt) đến nơi an toàn, do sạt lở bờ ta-luy. Trước đó, tối 2-6, mưa lớn kéo dài nhiều giờ ở TP Ðà Lạt đã gây sạt lở bờ ta-luy cao 20 m, dài khoảng 10 m, kéo theo hai cây xanh chắn ngang hẻm 27K Lê Hồng Phong và làm sập mái nhà số 27E Lê Hồng Phong.
★ Theo Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Gia Lai và Thừa Thiên Huế, mấy ngày qua, mưa trên diện rộng, dông lốc làm tốc mái bốn nhà, sập tường rào của một hộ dân và sập một cổng chào thôn tại huyện Ia Grai và Phú Thiện (Gia Lai), ước thiệt hại khoảng 194 triệu đồng; làm tốc mái 15 nhà ở xã Quảng Thái, huyện Quảng Ðiền (Thừa Thiên Huế).
★ Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Sơn La cho biết, 5 tháng đầu năm nay, thiên tai diễn biến bất thường trên địa bàn, nhất là dông, lốc sét đã làm một người chết, bảy người bị thương, thiệt hại 4.592 nhà, ảnh hưởng về nông nghiệp, giao thông, thủy lợi... ước thiệt hại khoảng 64 tỷ đồng.
★ UBND tỉnh Hòa Bình ban hành các quyết định, chỉ thị chỉ đạo thực hiện đến toàn bộ UBND các huyện, thành phố, sở, ngành có liên quan để triển khai tuyên truyền rộng rãi đến các cấp chính quyền và người dân về nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; xây dựng phương án sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; ban hành các quyết định phê duyệt phương án ứng phó với thiên tai; lên phương án huy động lực lượng, vật tư, phương tiện; tổ chức sơ tán dân khi thiên tai xảy ra.
★ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội vừa ban hành Công văn số 1639/SNN-TTBVTV, đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường quản lý thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị chức năng và UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn chủ các cửa hàng buôn bán thuốc BVTV và người sản xuất chấp hành đúng quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh, không mua bán, sử dụng các loại thuốc cấm, thuốc nhập lậu. Ðồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán và sử dụng thuốc BVTV nhập lậu, kiên quyết tịch thu, tiêu hủy các loại thuốc nhập lậu, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định...
TheoNhanDan