Sau khi mở đường, diện tích đất canh tác của gia đình anh Bùi Văn Huy, xóm Tiện, xã Thung Nai (Cao Phong) tiếp tục bị sạt lở, gia đình không thể canh tác sản xuất.
Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 435 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1644/QĐ-UBND, ngày 30/8/2017, tổng mức đầu tư 756 tỷ đồng, bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020. Tổng chiều dài toàn tuyến đã điều chỉnh là 21,18 km, được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp III - miền núi, bề rộng nền đường 9 m, mặt đường 6 m, tốc độ thiết kế 60 km/h; điểm đầu tại ngã ba Bình Thanh đi xã Thung Nai (Cao Phong); điểm cuối thuộc địa phận xóm Liêm, xã Suối Hoa (Tân Lạc).
Hiện nay, nhà thầu đang gấp rút để đảm bảo tiến độ kế hoạch. Tuy nhiên, sau 2 năm thi công, mặt đường nâng cấp, nhiều nhà dân rơi vào tình trạng ngập úng mỗi khi có mưa do nền đường cao, khó thoát nước. Tại xóm Tiện, xã Thung Nai, gia đình anh Bùi Văn Huy là một trong những hộ bị ảnh hưởng nặng nề bởi mặt đường nâng cao hơn so với nền nhà. Anh cho biết: Trước đây, khi chưa làm đường nền nhà cao hơn đường, nên mùa mưa lũ không sao, tuy nhiên, hơn năm nay, do nâng cấp mặt đường, nhà tôi bị thấp hơn nền đường, cứ mưa là bao nhiêu nước dồn hết vào nhà, gây ngập úng đến hàng nửa mét. Tuy có hệ thống cống thoát nước nhưng không đảm bảo, vẫn gây ngập úng nghiêm trọng. Mùa mưa năm nay, dù chưa có trận mưa to, kéo dài mấy ngày như những năm trước đây, nhưng gia đình cũng khốn khổ vì nước mưa, đất, đá tràn vào nhà.
Không chỉ gia đình anh Huy, hiện nay, dọc tuyến đường từ Bình Thanh đến Thung Nai, rất nhiều hộ rơi vào tình cảnh tương tự. Nền nhà, hoa màu, đất sản xuất bị tụt sâu xuống so với mặt đường. Anh Bùi Văn Lĩnh, một trong những hộ dân bị ảnh hưởng chia sẻ: Nhà thì xây kiên cố, giờ muốn nâng cấp lên không hề dễ, nếu mặt đường cao hơn một chút có thể tôn nền, nhưng nhiều nhà bị tụt thấp xuống hàng mét, 2 m, muốn đi được lên đường phải đổ đất làm đường lên, trong khi nhà lại lọt thỏm phía dưới.
Để khắc phục tình trạng ngập úng, nhiều hộ dân đã phải thuê đơn vị thi công đổ đất nâng cao mặt bằng để tiếp tục sản xuất. Tuy nhiên, việc đổ đất san mặt bằng đã làm ảnh hưởng nhiều hộ xung quanh. Theo anh Huy, với nền đường cũ, đất nhà và đất ở là bãi ngang nhau. Nay làm đường, các hộ mạnh ai nấy làm, đổ đất san mặt bằng, nhiều nhà sau khi đổ có xây kè, nhiều nhà không xây kè, không làm rãnh thoát, vì vậy, đất, đá lại sạt lở vào các hộ lân cận. Nhiều nhà thay vì đổ đất, đơn vị thi công đổ toàn đá hộc, hoặc đổ lưng chừng không ngang mặt đường, dẫn tới khoảnh đất gần như bỏ không.
Trái ngược với tình trạng ngập úng do nâng cấp nền đường, nhiều hộ dân tại Bình Thanh, Thung Nai chịu nhiều ảnh hưởng sau khi đơn vị thi công tiến hành bạt núi làm đường, phần đất đai, hoa màu liên tục bị sạt xuống, khiến công việc canh tác bị ngưng trệ. Theo đồng chí Bùi Thị Luyến, Phó Chủ tịch UBND xã Thung Nai: Việc thi công tuyến đường Bình Thanh - Ngòi Hoa, người dân đồng tình cao, các hộ dân đã tạo điều kiện về mặt bằng để nhà thầu thi công. Tuy nhiên, thực tế quá trình thi công, rất nhiều hộ bị ảnh hưởng do sạt lở. Đặc biệt, với nhiều đoạn phải bạt núi, do chưa xây kè nên phần đất hoa màu còn lại của hộ dân tiếp tục bị sạt trượt, mất đất, các hộ dân không thể khai thác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống.
Tại xã Suối Hoa, hiện có gần 10 hộ bị ngập úng và đối diện nguy cơ sạt lở do thi công tuyến đường. Mùa mưa bão năm 2020 đang đến gần, theo báo cáo của UBND các xã Bình Thanh, Thung Nai, Suối Hoa: Đối với những hộ này, cấp ủy Đảng, chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động, yêu cầu hộ dân không được đến khu vực đất sản xuất bị sạt lở, có phương án di dời hộ có nhà nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên, về lâu dài, người dân mong muốn được hỗ trợ để có thể cải tạo, nâng cấp nền nhà và ổn định cuộc sống, ổn định sản xuất.
P.V