(HBĐT) - Là tỉnh miền núi có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, trữ lượng lớn, Hòa Bình thu hút khá nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu cơ hội đầu tư để triển khai các dự án khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, những thách thức hiện nay đòi hỏi cần bám sát định hướng để chọn lọc thu hút được các dự án chất lượng, mang tính bền vững cao.
Hiện nay, có 60 dự
án khai thác khoáng sản đang hoạt động, chiếm 68,2% tổng số dự án khai thác
khoáng sản trên địa bàn tỉnh. (Ảnh: Khai thác khoáng sản đá vôi trên địa bàn xã
Cao Dương, huyện Lương Sơn).
Tín hiệu tích cực từ dự án mới
Sau một thời gian tìm hiểu, Công ty CP Tập đoàn Xuân Khiêm quyết định xúc tiến đầu tư dự án xây dựng nhà máy xi măng Xuân Sơn tại 2 xã Ngọc Lương, Đoàn Kết (Yên Thủy). Ông Trần Xuân Khiêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty cho biết: Sau khi có quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, công ty khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để khởi công nhà máy sản xuất xi măng Xuân Sơn với công suất 2,3 triệu tấn/năm. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 4.989 tỷ đồng, lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại, đáp ứng các tiêu chí về tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, đáp ứng yêu cầu về phát thải, bảo vệ môi trường. Đồng thời, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên tại chỗ có chất lượng tốt, trữ lượng dồi dào là đá vôi, đất sét tại khu vực huyện Yên Thủy để sản xuất, cung cấp các sản phẩm xi măng cho thị trường trong nước và một phần cho xuất khẩu. Dự kiến, từ quý I/2021 - quý III/2022, công ty sẽ đầu tư xây dựng, lắp đặt máy móc, thiết bị; từ quý IV/2022 sẽ hoàn thành đầu tư, đưa dự án vào hoạt động.
Được biết, dự án của Tập đoàn Xuân Khiêm là dự án khai thác, chế biến khoáng sản mới nhất được nhận quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh. Sau đó, Sở KH&ĐT đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, xác nhận thời gian hoạt động của dự án là 50 năm, tổng vốn đầu tư lên tới 4.989 tỷ đồng. Đây không chỉ là dự án lớn về quy mô đầu tư và năng lực tài chính của doanh nghiệp, mà còn bật lên những tín hiệu tích cực, thể hiện quyết tâm của tỉnh trong nỗ lực thu hút các dự án chất lượng, mang tính bền vững thuộc lĩnh vực khai thác khoáng sản.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Xuân Khiêm, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã nhấn mạnh định hướng của tỉnh khi thu hút dự án khai thác, chế biến khoáng sản nói chung, trong đó có dự án sản xuất xi măng: Các dự án phải phù hợp với định hướng thu hút đầu tư (THĐT), quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch phát triển KT-XH của địa phương, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về lựa chọn dự án đầu tư có điều kiện trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, phải giải quyết được mâu thuẫn giữa phát triển sản xuất với các vấn đề về xã hội và môi trường, nhất định không được đánh đổi tài nguyên môi trường để phát triển đơn thuần về kinh tế.
Bám sát định hướng trên, tỉnh đã mở cửa thu hút dự án của Tập đoàn Xuân Khiêm. Với dự án này, Tập đoàn Xuân Khiêm không dừng lại ở việc khai thác thô mà chú trọng sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên khoáng sản tại chỗ, thông qua việc đầu tư nhà máy sản xuất xi măng chất lượng cao, công suất lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến giúp gia tăng giá trị nguyên liệu, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách Nhà nước, góp phần đắc lực phát triển KT-XH địa phương.
Chỉ thu hút các dự án chất lượng, mang tính bền vững
"Không đánh đổi môi trường, không phá vỡ quy hoạch, không tác động xấu đến đời sống của người dân khu vực xung quanh. Đây là 3 vấn đề cốt lõi mang tính định hướng để tỉnh chọn lọc thu hút các dự án khai thác khoáng sản phù hợp, có chất lượng, mang tính bền vững” - đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.
Theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Hòa Bình cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước đều xác định phải bám sát định hướng để chọn lọc các dự án khai thác khoáng sản phù hợp. Yêu cầu quan trọng đặt ra là dự án phải đảm bảo phù hợp với các quy hoạch, không ảnh hưởng đến QP-AN; đảm bảo hiệu quả KT-XH như giải quyết việc làm cho lao động địa phương, sử dụng tài nguyên theo hướng bền vững, hoàn thành tốt nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước… Đặc biệt, phải đảm bảo về môi trường, phát triển bền vững theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các quy định của tỉnh. Theo đó, tỉnh khuyến khích thu hút các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, kiên quyết đề nghị các chủ đầu tư rà soát, thực hiện nghiêm quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình tìm hiểu, triển khai, vận hành dự án khai thác khoáng sản, xác định việc đảm bảo môi trường chính là yêu cầu quan trọng hàng đầu để đưa dự án vào hoạt động. Đây cũng chính là tinh thần chỉ đạo của Chính phủ đối với các dự án khai thác khoáng sản nói chung, dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng nói riêng.
Theo chỉ đạo mới nhất của Chính phủ khi ban hành Nghị định số 95/2019/NĐ-CP, bắt đầu từ ngày 10/2/2020, các dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng phải được thẩm định công nghệ. Cụ thể, phải lựa chọn công nghệ thiết bị tiên tiến, hiện đại, đáp ứng tiêu chí về tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, được thẩm định công nghệ theo quy định pháp luật về chuyển giao công nghệ. Nội dung chỉ đạo này sẽ tiếp tục là "kim chỉ nam” để Hòa Bình lựa chọn được các dự án đầu tư phù hợp, chất lượng, từng bước hiện thực hóa quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp, hướng tới khai thác bền vững nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Lựa chọn đúng dự án góp phần nâng cao hiệu quả khai thác khoáng sản
Đồng chí Nguyễn Trần Anh, Giám đốc Sở TN&MT trao đổi: Khoáng sản là nguồn tài nguyên không tái tạo, thuộc tài sản quan trọng của quốc gia. Do đó, phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả và mang tính bền vững. Tuy là địa phương sở hữu nguồn khoáng sản dồi dào, nhưng cũng chính vì thế, Hòa Bình đang đứng trước nhiều thách thức để có thể biến tài nguyên thành sức mạnh. Bám sát định hướng phải khai thác hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên quan trọng này, chúng ta đang tích cực tìm kiếm lời giải: làm thế nào để cân đối giữa khai thác với dự trữ; làm thế nào để giải quyết hài hòa mâu thuẫn giữa khai thác khoáng sản với bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và các nguồn tài nguyên khác; làm thế nào để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với các dự án khai thác khoáng sản…
Làm việc tại Nhà máy xi măng Trung Sơn (Lương Sơn), người lao động được đảm bảo các điều kiện về an toàn lao động và có thu nhập khá ổn định.
Riêng đối với việc đón nhận các dự án khai thác khoáng sản, tỉnh đã tìm được câu trả lời xác đáng: Lựa chọn đúng dự án đầu tư góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả khai thác khoáng sản. Nhằm tham mưu cho tỉnh lựa chọn được các dự án đầu tư phù hợp, mới đây, Sở KH&ĐT đã có Tờ trình số 149/TTr-SKHĐT, ngày 5/8/2020 gửi UBND tỉnh về việc phê duyệt Quyết định ban hành tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, dự án đầu tư và danh mục các dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên THĐT, THĐT có điều kiện và tạm dừng THĐT trên địa bàn tỉnh. Theo Sở KH&ĐT, các dự án khai thác khoáng sản được xếp vào danh mục dự án THĐT có điều kiện.
Cụ thể, để "vào” được địa bàn tỉnh khai thác khoáng sản, các dự án đầu tư phải chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, chủ đầu tư phải thực hiện đầy đủ theo các nội dung bảo vệ môi trường và triển khai thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường của dự án; thực hiện đúng theo Giấy phép khai thác được cấp có thẩm quyền cấp. Tỉnh kiên quyết không thu hút các dự án sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu; dự án sử dụng máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ nhập khẩu đã qua sử dụng mà không đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường; dự án sử dụng máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ mà các nước đã loại bỏ vì lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường. Riêng đối với dự án mới, tỉnh kiên quyết không cho hoạt động khi chưa xây dựng, chưa đủ điều kiện vận hành công trình bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, chậm hoàn thành thủ tục về môi trường theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư sản xuất phải đảm bảo điều kiện thẩm tra công nghệ theo quy định. Tỉnh mong muốn trong thời gian tới sẽ tìm kiếm được những nhà đầu tư có cùng tư duy, tầm nhìn để đồng hành thực hiện chiến lược khai thác hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
* Đến tháng 6/2020, trên địa bàn tỉnh có 88 dự án khai thác khoáng sản (chiếm khoảng 15% tổng số dự án đầu tư toàn tỉnh), với tổng vốn đăng ký khoảng 3.253 tỷ đồng. Đây là con số khiêm tốn so với tiềm năng khai thác khoáng sản của tỉnh - vốn được đánh giá là rất lớn. Mặt khác, vì chủ yếu là các dự án khai thác thô, chưa gắn với chế biến sâu, chưa sử dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, nên hiệu quả KT-XH chưa cao. Đáng lưu ý, có những dự án không đảm bảo yêu cầu đặt ra nên phải tạm dừng hoạt động. Hiện, có 11 dự án đang dừng hoạt động, 8 dự án không triển khai thực hiện.
Thu Trang
NHÓM Ý KIẾN
* Yêu cầu nhà đầu tư thực hiện đúng, đủ quy định
Căn cứ Luật Đầu tư và các quy định hiện hành, Sở KH&ĐT thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư thực hiện dự án. Trong đó, nêu rõ nội dung dự án đầu tư; các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; yêu cầu chủ đầu tư trong quá trình thực hiện có trách nhiệm thực hiện đúng, đủ các quy định như: làm việc với Sở KH&ĐT để thực hiện ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư, trước khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất; làm việc với Sở TN&MT để thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường… Chỉ đến khi hoàn thành đầy đủ các quy định và thủ tục pháp lý có liên quan, chủ đầu tư mới bắt đầu triển khai thực hiện dự án. Riêng đối với dự án khai thác khoáng sản, tỉnh kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư trong quá trình thiết kế các hạng mục, phải đảm bảo khoảng cách an toàn với công trình lân cận, khu dân cư và các nguồn nước theo quy định của pháp luật.
Nguyễn Văn Phúc
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT
* Sử dụng công nghệ hiện đại khai thác khoáng sản hiệu quả, bền vững
Sau 20 năm hoạt động, Công ty CP Xi măng Hoàng Long đang vươn lên trở thành một trong các doanh nghiệp đứng đầu về sản xuất xi măng tại khu vực miền Bắc Việt Nam. Những năm qua, nhờ sở hữu các nguyên liệu sản xuất xi măng thuộc loại tốt nhất, vận hành dây chuyền sản xuất xi măng công nghệ hiện đại của châu Âu, nhà máy của Hoàng Long đã khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, cung ứng ra thị trường các loại sản phẩm xi măng chất lượng cao. Tôi khẳng định, việc sử dụng công nghệ hiện đại chính là chìa khóa để doanh nghiệp khai thác khoáng sản một cách hiệu quả, bền vững.
Trong quá trình tìm hiểu đầu tư tại xã Cao Dương (Lương Sơn), Hoàng Long nhận thấy nơi đây có vùng nguyên liệu sét và đá vôi dồi dào, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu lâu dài của công ty. Vì thế, công ty đã đề nghị được triển khai dự án xây dựng nhà máy xi măng công suất 2,3 triệu tấn/năm trên địa bàn. Tôi rất mong dự án được chấp thuận, để trong thời gian tới sẽ đồng hành cùng tỉnh trong chiến lược phát triển ngành sản xuất vật liệu xây dựng.
Nguyễn Sỹ Tiệp
Chủ tịch HĐQT,
Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng Hoàng Long
* Cần tăng cường quản lý Nhà nước về khoáng sản
Tôi được biết lãnh đạo tỉnh đã từ chối một dự án xây dựng nhà máy xi măng trên địa bàn các xã thuộc vùng lõi của huyện Lạc Thủy. Nơi đây vừa gần khu dân cư, vừa thuộc vùng quy hoạch phát triển du lịch - dịch vụ trọng điểm của huyện, nên không phù hợp để triển khai các dự án khai thác, chế biến khoáng sản. Quyết định từ chối dự án đã củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước trong lĩnh vực khai thác khoáng sản và thu hút đầu tư. Tôi mong muốn trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành hữu quan tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về khai thác khoáng sản, để vừa giải quyết hài hòa các lợi ích về phát triển KT-XH, vừa đảm bảo cuộc sống bình yên cho Nhân dân.
Nguyễn Thị Hạnh
Xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy)
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió đang có xu hướng hoạt động mạnh lên, chiều tối và đêm nay, 12-8, ở Bắc Bộ có mưa dông diện rộng; riêng khu vực Tây Bắc và Việt Bắc có nơi mưa rất to. Đợt mưa lớn diện rộng ở miền bắc có khả năng kéo dài.
(HBĐT) - Do ảnh hưởng của trận mưa lớn lúc 21 giờ ngày 10/8, mưa to kéo dài khoảng gần một giờ đồng hồ, tại tổ 4 Phường Phương Lâm TP Hòa Bình đã sảy ra ngập úng cục bộ, nước mưa không tiêu kịp dâng đầy lòng đường và tràn vào nhà dân khu vực trường tiểu học Lý Tự Trọng, có nhà ngập đến 20 cm nước.
(HBĐT) - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) vừa tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực quản lý Nhà nước cho cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã trên địa bàn tỉnh. Tham gia tập huấn có cán bộ, nhân viên Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, đại diện các Phòng NN&PTNT các huyện và cán bộ phụ trách công tác TT&BVTV các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
(HBĐT) - Cử tri kiến nghị: UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác quản lý Nhà nước, thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động của các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung do Công ty CP Nước sạch Hòa Bình được giao quản lý.
(HBĐT) - Ngày 10/8, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1321/UBND-NNTN về việc tăng cường triển khai một số nội dung về bảo vệ môi trường không khí trên địa bàn tỉnh.
(HBĐT) - Từ đầu năm đến tháng 7/2020, các cơ quan chức năng của tỉnh, các huyện, thành phố đã kiểm tra, phát hiện 122 vụ việc vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, khai thác khoáng sản trái phép, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... Đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 117 vụ việc, tổng số tiền phạt 1,182 tỷ đồng.