(HBĐT) - Những năm qua, người dân khu Tây Bắc, thị trấn Hàng Trạm và các xóm Tân Đôi, Liên Hiệp, xã Hữu Lợi (Yên Thủy) luôn phải sống trong tình trạng ô nhiễm môi trường từ bãi rác thải của huyện đặt tại xóm Dom, xã Yên Lạc trước đây (nay là khu Tây Bắc, thị trấn Hàng Trạm) gây ra. Quá trình khảo sát và tìm hiểu thực tế, người dân liền kề với khu vực bãi rác đều có chung tâm trạng nặng nề, bức xúc trước thực trạng này.
Bãi rác thải của huyện Yên Thủy đặt tại khu Tây Bắc, thị trấn Hàng Trạm xử lý bằng đốt lộ thiên gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường.
Ông Bùi Văn Chanh, ở khu Tây Bắc cho biết: Từ ngày bãi rác được quy hoạch về đây, chúng tôi không có ngày nào được ăn ngon, ngủ yên vì khói do đốt rác và mùi hôi nồng nặc từ bãi rác bay ra, nhất là khi trời nồm. Ngày cũng như đêm, mùa đông cũng như mùa hè, toàn bộ cửa ra vào, cửa sổ của các hộ đều phải đóng kín mới hạn chế được khói và mùi hôi thối bay vào nhà. Ăn trưa, ăn tối cũng phải đóng chặt các cửa vì ruồi nhiều vô kể. Bức xúc lắm nên chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, thậm chí là "kêu cứu” nhưng không thấy chính quyền hay cơ quan chức năng nào giải quyết. Thực trạng này đã kéo dài nhiều năm, chúng tôi chỉ có mong muốn duy nhất là cấp có thẩm quyền chuyển điểm tập kết rác đi nơi khác, để khỏi ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống, nhất là sức khỏe của người già và trẻ em trên địa bàn”.
Năm 2007, điểm tập kết rác được xây dựng với diện tích khoảng 3.000 m2, ban đầu là để thu gom rác khu vực thị trấn Hàng Trạm, nhưng mấy năm gần đây lại trở thành điểm thu gom rác của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, nên số lượng rác ngày càng nhiều, ước khoảng 20 tấn/ngày. Tệ hại hơn là rác ở đây không được phân loại, cách xử lý duy nhất là đốt lộ thiên, nên đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đời sống và sản xuất của người dân khu vực lân cận. Thực tế đó đã gây tâm lý lo lắng, bất an cho người dân.
Ông Vũ Đức Mẫn, xóm Đôi Tân, xã Hữu Lợi bức xúc: Bãi rác gây ô nhiễm môi trường không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, mà còn ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Nhiều hộ nuôi dê, gà đầu tư xây dựng chuồng trại cách bãi rác từ 400 - 500 m cũng phải chuyển đi nơi khác vì gia súc, gia cầm chậm lớn, hoặc ốm chết liên tục. Xóm Tân Đôi cách bãi rác hơn 1 km, nhưng mỗi khi HTX Bình Minh Xanh đốt rác là cả xóm sống trong cảnh bức bối, khó chịu.
Xung quanh điểm tập kết rác là diện tích trồng cây ngắn ngày của các hộ dân khu Tây Bắc, xóm Tân Đôi, Liên Hợp với các loại cây trồng chính là sắn, mía, lạc… Sống chung với mùi hôi thối và khói bụi do đốt rác là nỗi ám ảnh của người dân nơi đây. Bà Bùi Thị Long, xóm Liên Hợp cho biết: Trước đây khi chưa có bãi rác, các hộ có ruộng, vườn trong khu vực lân cận đều làm lều lán trông nom hoa màu và mang cơm theo để ở lại buổi trưa. Nhiều năm qua, vẫn canh tác trên diện tích đất đó, nhưng buổi trưa chúng tôi bắt buộc phải về nhà vì không ai có thể ăn cơm lẫn với mùi hôi thối nồng nặc và khói bụi từ bãi rác bay ra. Đi đi, về về cũng mất thời gian lắm, nhưng không có cách nào khác.
Hệ lụy từ bãi rác thải kéo dài nhiều năm gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sản xuất và đời sống của dân cư trên địa bàn cũng là nỗi niềm trăn trở của cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng huyện Yên Thủy. Chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Hải cho biết: Vì lượng rác thải ngày càng tăng, nên huyện đã khảo sát để tìm kiếm địa điểm xây dựng bãi tập kết và xử lý rác mới, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn. Năm 2017, huyện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xây dựng mô hình điểm về thu gom và xử lý chất thải rắn quy mô liên xã, vốn đầu tư khoảng 35 tỷ đồng từ chương trình xây dựng NTM, ngân sách huyện và xã hội hóa. Sau khi khảo sát, tuyên truyền, vận động, được sự đồng thuận của Nhân dân, chúng tôi đã triển khai Đề án xây dựng địa điểm mới bằng lò đốt công nghệ cao trên diện tích khoảng 5.000 m2, tại xã Đa Phúc. Gần 3 năm qua, UBND huyện và các ngành chức năng đã rốt ráo triển khai, nhưng quy trình, thủ tục để triển khai đề án đòi hỏi rất chặt chẽ. Từ tìm kiếm lựa chọn địa điểm, đền bù GPMB, đến trình duyệt bổ sung quy hoạch, báo cáo đánh giá tác động môi trường… đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai thực hiện. Đến nay, các nội dung của đề án cơ bản đã hoàn tất. Chúng tôi kỳ vọng với quy trình khép kín từ thu gom, vận chuyển, cấp rác, sấy rác, đốt rác, lọc bụi, hấp thụ khí độc... tạo nên 1 dây chuyền liên hoàn, cùng sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng dân cư sẽ giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
Đ.P
Ngày 12-10, UBND tỉnh Kon Tum tổ chức họp trực tuyến các điểm cầu huyện, thành phố trên toàn tỉnh triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng, chống lũ lụt do ảnh hưởng bởi bão số 6. Tính đến nay, tỉnh Kon Tum đã có hai người tử vong.
(HBĐT) - Ngày 12/10, UBND tỉnh có Công điện số 09 về việc chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới trên biển Đông.
(HBĐT) - Triển khai dự án "Nâng cao năng lực các cấp Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) trong quản lý rủi ro, thiên tai, sơ cấp cứu và chăm sóc sức khỏe trong tình huống khẩn cấp” do cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, thời gian qua, Ban điều hành (BĐH) dự án USAID của Hội CTĐ tỉnh cùng các cấp cơ sở đã tích cực tham gia công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa, thiên tai, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra.
(HBĐT) - Chiều 9/10, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKN) tỉnh có công văn cảnh báo khả năng đập Thủy điện Hòa Bình xả lũ.
(HBĐT) - Triển khai thí điểm từ tháng 10/2019, mô hình "Cựu chiến binh (CCB) chung tay giải quyết vấn đề rác thải nhựa” của Hội CCB phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) đã hoạt động hiệu quả, tạo sức lan tỏa, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của hội viên tại 15 chi hội trên địa bàn. Qua đó, cùng chung tay giảm thiểu rác thải nhựa, xây dựng môi trường sống an toàn, bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp.
Hiện các tỉnh miền Trung vẫn tiếp tục có mưa to đến rất to, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt sâu, diện rộng vùng trũng thấp, các khu đô thị tại nhiều địa phương.