(HBĐT) - Đồng chí Nguyễn Quốc Tiến, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lương Sơn cho biết: Trước tình hình thời tiết rét đậm, rét hại tăng cường, huyện chủ động phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi nhằm giảm thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, bảo vệ cây trồng, vật nuôi phát triển.
Huyện thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, diễn biến không khí lạnh, rét đậm, rét hại; tăng cường thời lượng phát tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là hệ thống truyền thanh cơ sở. Phòng NN&PTNN hướng dẫn các địa phương thực hiện biện pháp phòng, chống rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi, thủy sản và cây trồng; điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cơ cấu cây trồng phù hợp điều kiện, diễn biến thời tiết.
Hiện, toàn huyện có tổng đàn trâu, bò 13.051 con, đàn lợn 46.704 con, dê 8.470 con, gia cầm 1.294 nghìn con. Những năm gần đây, ý thức của người dân về công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm chuyển biến tích cực, phần lớn các hộ chăn nuôi triển khai, áp dụng biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi. Vụ đông xuân 2020 - 2021, huyện chủ động nguồn thức ăn dự trữ, đảm bảo chuồng trại. Toàn huyện có 145 ha cây cỏ, ngô; 498 ha rơm, rạ phục vụ chăn nuôi; chuồng trại kiên cố là 3.112 chuồng, 498 chuồng trại bán kiên cố.
Từ ngày 14/12 đến nay, thời tiết lạnh sâu, các hộ chăn nuôi sử dụng vật liệu che chắn chuồng trại, như bạt, bao dứa, tấm nilon… che kín chuồng nuôi, đảm bảo đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm, ướt chuồng trong những ngày mưa rét, giữ nền chuồng luôn sạch, khô. Phòng NN&PTNT huyện khuyến cáo người dân khi có mưa tuyệt đối không thả rông gia súc, chăm sóc trâu, bò, dê tại chuồng; bổ sung thêm thức ăn tinh, như: Cám ngô, sắn, cám gạo...; dùng bao tải đay, chăn cũ quấn quanh cơ thể gia súc để chống rét; sử dụng củi, trấu... đốt sưởi cho gia súc, nhất là bê, nghé và trâu, bò già yếu…
Đồng chí Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết: Toàn xã có 749 con trâu, 639 con bò, 2.360 con dê, hơn 2.000 con lợn. Tổng đàn gia cầm 33.313 con. Ngay từ đầu mùa đông, UBND xã cử cán bộ khuyến nông xuống các xóm hướng dẫn người dân cách phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi như: Chủ động che chắn chuồng trại; tận dụng rơm rạ, thân, lá cây ngô, ngọn lá mía, dây khoai lang, lá sắn, cây lạc, các loại lá cây rừng làm thức ăn; hướng dẫn hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp xử lý, chế biến để cải thiện giá trị dinh dưỡng của rơm, rạ và các sản phẩm nông nghiệp; tận dụng diện tích đất xung quanh vườn nhà, đất ruộng trồng ngô lấy lá, thân làm thức ăn cho đại gia súc trong vụ đông; tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, đảm bảo sức khỏe cho đàn vật nuôi có khả năng chống rét và phòng, chống bệnh tốt.
Đối với lĩnh vực trồng trọt, tích cực chăm sóc, tưới nước, bón phân hữu cơ để cây ra thêm rễ mới, sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, tăng sức chống chịu với thời tiết. Huyện chỉ đạo khẩn trương thu hoạch rau vụ đông, chỉ gieo trồng khi nhiệt độ ngoài trời từ 15 độ C trở lên, đất đủ ẩm, tránh trồng vào thời điểm giá lạnh trong ngày; dùng nilon tránh mưa, rét, chú trọng chăm sóc, tưới nước, bón phân thúc đẩy sự sinh trưởng của cây trồng, tăng khả năng chống chịu với thời tiết khắc nghiệt.
Song song với việc thực hiện các biện pháp chống rét cho cây trồng, vật nuôi, công tác tiêm phòng vắc xin định kỳ, vệ sinh, tiêu độc khử trùng định kỳ tại các khu vực chăn nuôi, cơ sở giết mổ, nơi tập trung mua bán động vật, sản phẩm động vật, những nơi có nguy cơ dịch bệnh cao… được các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế lây lan dịch bệnh làm ảnh hưởng đến sản xuất, chăn nuôi.
Với sự chủ động, tích cực trong công tác phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi, đến thời điểm này, trên địa bàn huyện chưa có tình trạng trâu, bò chết rét; diện tích cây trồng vụ đông được đảm bảo.
Thu Thủy