Năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 16 vụ TNLĐ trong khu vực có quan hệ lao động. Trong đó, có 5 vụ TNLĐ chết người, gồm: 1 vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết 2 người thuộc Công ty Phương Bắc (Lạc Sơn), 3 vụ tai nạn giao thông được xác định là TNLĐ chết người, 1 vụ TNLĐ trong ngành khai thác khoáng sản. Trong khu vực không có quan hệ lao động xảy ra 7 vụ TNLĐ, làm chết 8 người. So với năm 2019, giảm 3 vụ TNLĐ chết người ở khu vực có quan hệ lao động, tăng 4 vụ ở khu vực không có quan hệ lao động.
Theo đồng chí Quách Thị Kiều, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ TNLĐ là phía các DN, người sử dụng lao động chưa chủ động tìm hiểu, tiếp cận các văn bản pháp luật của Nhà nước quy định về công tác ATVSLĐ, chưa thực sự quan tâm đến công tác tuyên truyền, huấn luyện và các nội dung khác của công tác ATVSLĐ. Vấn đề kỷ luật lao động ở DN chưa nghiêm, không thường xuyên giám sát, đôn đốc, nhắc nhở, dẫn đến tình trạng NLĐ vi phạm nghiêm trọng về công tác ATVSLĐ trong quá trình làm việc (tập trung chủ yếu các DN nhỏ và vừa, DN ngoài khu công nghiệp).
Bên cạnh đó, NLĐ chưa chủ động tìm hiểu, tiếp cận các quy định của pháp luật nên chưa nắm rõ quyền, nghĩa vụ của mình trong công tác ATVSLĐ. Trình độ chuyên môn, tay nghề của NLĐ, kể cả người sử dụng lao động có những hạn chế nhất định, chưa đáp ứng yêu cầu tác phong công nghiệp, ý thức chấp hành luật pháp, kỷ luật trong lao động còn yếu, còn chủ quan trong việc kiểm tra, tự kiểm tra vị trí làm việc, nơi làm việc, các phương tiện bảo hộ lao động trước khi thực hiện nhiệm vụ. Về phía các cấp, ngành, đoàn thể tuy đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, nhưng hiệu quả tác động đến DN, người sử dụng lao động, NLĐ chưa cao.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 50.000 lao động làm việc không theo hợp đồng lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Theo quy định của Luật ATVSLĐ, việc huấn luyện ATVSLĐ cho các đối tượng này thuộc trách nhiệm của cấp huyện trong khi kinh phí bố trí hạn hẹp. Do đó, việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, huấn luyện công tác ATVSLĐ cho các đối tượng không tạo được sức lan tỏa sâu rộng. Đáng chú ý, trong những năm gần đây, số vụ TNLĐ xảy ra trong khu vực không có quan hệ lao động ngày càng tăng. Số vụ thực hiện khai báo về Sở LĐ-TB&XH còn hạn chế, chưa đầy đủ.
Giảm tần suất TNLĐ gây chết người trong các ngành, lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng và trong khu vực không có quan hệ lao động là vấn đề đặt ra đối với công tác đảm bảo ATVSLĐ hiện nay. Cũng theo đồng chí Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, do tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2021 quy mô cấp tỉnh sẽ không tổ chức. Trong thời gian này, các huyện, thành phố tập trung tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cơ sở, DN thực hiện công tác ATVSLĐ, kiểm tra liên ngành các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATVSLĐ. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện lưu động, phương tiện công cộng của xã, phường, thị trấn, tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra công tác ATVSLĐ. Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền đến các xã, phường, thị trấn, khu, cụm công nghiệp, làng nghề, DN, nhất là ở vùng sâu, xa. Đa dạng hình thức tuyên tuyền, tư vấn, hướng dẫn pháp luật về ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ (PCCN), huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động. Lưu ý các DN chú trọng hoạt động tự kiểm tra về công tác ATVSLĐ, PCCN, tổ chức huấn luyện, khám sức khỏe định kỳ, đo kiểm tra môi trường lao động, ký cam kết ATVSLĐ, PCCN tại các phân xưởng, tổ đội, thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.
Cùng với đó, tăng cường phối hợp giữa các ngành trong thanh tra, kiểm tra; cơ quan chức năng kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, thu hồi giấy phép kinh doanh hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu DN vi phạm nghiêm trọng về công tác ATVSLĐ, PCCN.
Bùi Minh