Sở Giao thông Vận tải yêu cầu các nhà thầu có phương án bảo đảm giao thông khi triển khai dự án tuyến đường 435 (TP Hòa Bình - Bình Thanh).
Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Sở GTVT đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ huy động máy móc, thiết bị, nhân lực đảm bảo giao thông trên tuyến. Cụ thể: Các vị trí sạt lở taluy dương được xử lý, khơi thông rãnh dọc bị lấp tắc, đảm bảo phương tiện lưu thông trên tuyến. Tại vị trí xói lở toàn bộ mặt đường đã đắp bù phụ nền đường, taluy âm bị sạt lở dựng rào chắn xung quanh, cắm biển cảnh báo ngay sau khi phát hiện để đảm bảo phương tiện có thể lưu thông an toàn trên tuyến. Đối với những vị trí ngầm tràn bị ngập nước, các đơn vị quản lý đường bộ cử cán bộ trực gác hai đầu, không cho người và phương tiện tham gia giao thông qua ngầm. Khi nước rút tiếp tục cho lưu thông trở lại.
Sở GTVT đang tập trung kiểm tra các phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) theo phương châm "4 tại chỗ”, nắm chắc tình hình, nâng cao năng lực xử lý, khắc phục sự cố, ách tắc, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt. Chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ kiểm tra, có biện pháp sửa chữa, gia cố tăng cường những vị trí xung yếu như những đoạn đường nền yếu, đèo dốc, mái taluy dễ sụt lở; duy tu sửa chữa nền, mặt đường, khơi thông hệ thống rãnh thoát nước, phát hiện, khắc phục kịp thời những dấu vết hư hỏng. Chuẩn bị các loại vật tư như: Đá hộc, rọ thép, ván mặt cầu... tập kết tại những vị trí trung tâm dễ lấy, dễ vận chuyển. Chuẩn bị nhân lực, thiết bị máy móc thường trực ở những vị trí xung yếu, có khả năng gây ra ách tắc giao thông, khi cần thiết có thể ứng cứu kịp thời. Sở yêu cầu, các Ban quản lý dự án xây dựng phương án bảo đảm giao thông trong phạm vi thực hiện dự án; chỉ đạo các nhà thầu chấp hành nghiêm chỉnh biện pháp tổ chức thi công được duyệt, giấy phép thi công và công tác phòng, chống lụt bão khi thi công, có phương án ứng cứu đảm bảo giao thông luôn an toàn, thông suốt.
Đối với các đơn vị quản lý đường thủy nội địa kiểm tra, rà soát lại hệ thống báo hiệu, đèn hiệu; kịp thời điều chỉnh, di chuyển, bố trí báo hiệu trên tuyến phù hợp tình hình mưa lũ; kiểm tra lại các khu vực bố trí cho phương tiện tránh bão, hệ thống neo, duy tu; phối kết hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra bến khách ngang sông, bến thuỷ nội địa, bến chợ, phương tiện vận tải hàng hoá, vận tải khách; tiến hành giải tỏa các trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ đê, công trình giao thông đường thủy nội địa, đặc biệt lưu ý trường hợp làm đăng đáy đánh cá trái phép ở hạ lưu đập thủy điện Hoà Bình, các phương tiện khai thác cát, sỏi trái phép hạ lưu sông Đà, tàu thuyền cơi nới cồng kềnh khu vực vùng hồ sông Đà, khu vực sông Bôi (Lạc Thủy). Các đơn vị, doanh nghiệp chuẩn bị đủ phương tiện ô tô tải, ô tô khách, xe chuyên dùng và các thiết bị khác đủ điều kiện hoạt động tốt, để khi có yêu cầu điều động kịp thời đáp ứng phục vụ ứng cứu và đảm bảo giao thông.
(HBĐT) - Chiều 13/6, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, lãnh đạo UBND TP Hòa Bình đã kiểm tra ảnh hưởng của cơ bão số 2 tại một số điểm, khu vực nguy cơ cao về sạt lở đất, ngập úng, việc tiêu thoát nước thuộc phường Thái Bình, Thống Nhất, xã Mông Hóa, xã Hòa Bình.