(HBĐT) -Những năm gần đây, tư duy, nhận thức, trách nhiệm của người dân huyện Cao Phong đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng được cải thiện rõ rệt. Nhờ vậy, độ che phủ rừng của huyện tăng theo thời gian, năm 2019, tỷ lệ che phủ rừng của huyện đạt 35,99%, đến thời điểm hiện tại, độ che phủ rừng đạt 38,73%. 5 năm qua, trên địa bàn huyện không xảy ra cháy rừng, tình trạng xâm hại rừng giảm hẳn.



Hạt Kiểm lâm huyện Cao Phong phối hợp Ban CHQS, Công an huyện, UBND xã Hợp Phong tổ chức phát dọn đường băng trắng cản lửa tại xã Hợp Phong tháng 3/2021.

 Huyện Cao Phong có tổng diện tích tự nhiên 25.600,25 ha, đất quy hoạch cho lâm nghiệp 13.473,87 ha. Trong đó, diện tích đất có rừng 9.914,99 ha, đất chưa có rừng 3.558,88 ha, gồm: đất rừng phòng hộ 4.612,81 ha, đất rừng sản xuất 5.068,03 ha. Diện tích rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp 234,15 ha.

 Trước năm 2016, trên địa bàn huyện, việc trồng cam phát triển mạnh. Cam được trồng trên đất đồi, thậm chí cả đất rừng nên ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển lâm nghiệp của huyện. Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền huyện nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân đối với việc bảo vệ, phát triển rừng, trong đó chú trọng tới công tác tuyên truyền.  

  Đồng chí Nguyễn Đức Thắng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: Được sự quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện cùng với sự phối hợp của các xã, thị trấn, Hạt Kiểm lâm huyện đã xây dựng bộ tài liệu tuyên truyền trong lĩnh vực lâm nghiệp để triển khai đến tất cả các địa phương. Thông qua các cuộc họp thôn, xóm, lực lượng kiểm lâm địa bàn phổ biến trực tiếp, cụ thể các quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Hạt làm bảng biển tuyên truyền, biển cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn. Tuyên truyền lưu động để người dân hiểu rõ ý nghĩa, giá trị, hiệu quả của việc bảo vệ và trồng rừng. Đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín tích cực tham gia bảo vệ rừng. Chính nhờ vào sức dân mà những năm gần đây, diện tích rừng của huyện được bảo vệ tốt, tình trạng phá rừng làm nương rẫy, xâm lấn rừng được kiểm soát, ngăn chặn; việc huy động lực lượng tham gia vào công tác phòng cháy chữa cháy rừng, trồng rừng luôn được Nhân dân ủng hộ, nhiệt tình tham gia.

  Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm địa bàn chủ động bám sát cơ sở, phối hợp chặt chẽ với công an, quân sự các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra cửa lối vào rừng, vùng giáp ranh, vùng trọng điểm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng. Đơn vị duy trì bố trí quân số thường trực để theo dõi thông tin về dự báo, cảnh báo cháy rừng trên trang mạng của Chi cục Kiểm lâm Hòa Bình và hệ thống theo dõi cháy rừng trực tuyến trên website của Cục Kiểm lâm; phát hiện sớm các đám cháy, xác định thông tin, địa điểm đám cháy, từ đó chủ động trong việc triển khai kịp thời các phương án chữa cháy, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi có cháy rừng xảy ra. Hàng năm, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp Ban CHQS, Công an huyện, UBND xã Hợp Phong tổ chức phát dọn 2 km đường băng trắng cản lửa tại đồi Mô Hố, đồi Piệng, thuộc xóm Nhõi I, xã Hợp Phong. Việc dọn vệ sinh rừng sau khi khai thác, sử dụng lửa trong việc đốt dọn nương rẫy, xử lý thực bì được người dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nên 5 năm liên tiếp huyện không xảy ra cháy rừng.

 Nhân dân trong huyện tích cực trồng cây xanh tại khu dân cư và trồng rừng sản xuất. Năm 2020, toàn huyện trồng được 319,3 ha rừng (đạt 212,9% kế hoạch năm). Hưởng ứng Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ, huyện thực hiện rà soát quy hoạch, xây dựng kế hoạch sử dụng đất, xác định quỹ đất để trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất; đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị, đất phát triển trồng cây phân tán vùng nông thôn để xây dựng kế hoạch trồng rừng, trồng cây phân tán cụ thể hàng năm và giai đoạn 2021 - 2025.

Thu Thủy

Các tin khác


Xã Thanh Cao: Vừa trại lợn, vừa lò đốt cao su, cả chục hộ dân đối mặt nguy cơ ô nhiễm 

(HBĐT) - Thôn Sấu Hạ, xã Thanh Cao (Lương Sơn) có hơn 200 hộ. Kinh tế của người dân nơi đây chủ yếu làm nông nghiệp, trang trại và trồng rừng. Tuy nhiên, trại lợn công nghiệp Mạnh Thường quy mô lớn được đầu tư tại thôn đã gây bức xúc cho Nhân dân về tình trạng ô nhiễm môi trường. Không dừng lại ở đó, năm 2017, xưởng tái chế cao su Dương Bình cũng được đưa vào sản xuất, nằm cách khu dân cư không xa, khiến nhiều hộ dân khu vực này khốn khổ vì cùng lúc hứng chịu mùi hôi thối từ trại lợn và khói khét từ xưởng tái chế cao su. 

Cắt bỏ khối u tử cung lớn nhất từ trước đến nay tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

(HBĐT) - Bệnh nhân B.T.H, 51 tuổi ở huyện Tân Lạc vừa được các bác sĩ Khoa Ngoại Tổng hợp phẫu thuật cắt bỏ thành công khối u nặng 5,4kg. Đây được đánh giá là ca phẫu thuật đặc biệt với khối u lớn nhất từ trước đến nay tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Đẩy mạnh phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học

(HBĐT) - BTV Tỉnh ủy vừa ban hành Kết luận số 182-KL/TU về kết quả 5 năm thực hiện Kế hoạch số 57-KH/TU, ngày 20/12/2016 của BTV Tỉnh ủy "thực hiện Kết luận số 06-KL/TW, ngày 1/9/2016 của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước”.

Nâng chất lượng, mở rộng diện phủ sóng phát thanh - truyền hình

(HBĐT) - Với trọng tâm đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình phát thanh, truyền hình (PT-TH), trang thông tin điện tử là mục tiêu xuyên suốt và quan trọng của Đài PT-TH tỉnh trong thời đại khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin phát triển, đã đáp ứng tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan báo chí địa phương, góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh.

Bắc Bộ và Trung Bộ tiếp tục nắng nóng, Nam Bộ chiều tối và đêm mưa dông

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn mạnh nên từ ngày 19/6 đến ngày 21/6, ở Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-40 độ C, có nơi trên 40 độ C.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục