Vườn cây keo của 8 hộ dân thôn Quyết Tiến, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) đe dọa đến an toàn của đường dây 22kV.
Là tỉnh miền núi với hệ thống lưới điện chủ yếu ở khu vực nông thôn, tình trạng người dân trồng các loại cây gỗ lớn gây nguy hiểm đến HLATLĐ còn xảy ra. Để đảm bảo HLATLĐ, những năm qua, Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, cũng như phối hợp với các cấp chính quyền, ngành chức năng xử lý các điểm vi phạm HLATLĐ. Nhờ đó, các điểm nóng về vi phạm HLATLĐ giảm đáng kể. Theo lãnh đạo PC Hòa Bình, hiện trên địa bàn tỉnh còn 7 điểm nóng về vi phạm HLATLĐ. Trong đó, 2 điểm thuộc địa bàn TPHòa Bình, còn lại là các điểm thuộc địa bàn quản lý của Điện lực Lạc Thủy (gồm huyện Lạc Thủy và Yên Thủy).
Trên địa bàn do Điện lực Lạc Thủy quản lý có 5 điểm vi phạm HLATLĐ đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được xử lý dứt điểm. "Nóng” nhất là điểm tại thôn Quyết Tiến, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) và điểm thuộc thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy). Ghi nhận thực tế từ khoảng cột 76-1 đến 76-8 ĐZ 22kV lộ 471 E19.3, thuộc địa bàn thôn Quyết Tiến (thị trấn Ba Hàng Đồi) có thể thấy, đường dây 22kV đang bị đe dọa mất an toàn khi vườn cây keo của 8 hộ dân trồng trong và ngoài hành lang đã cao lớn, ngọn cây chỉ cách đường dây điện chưa đến 1 m. Với tốc độ phát triển nhanh của cây keo, chỉ khoảng vài tháng nữa những cây keo này sẽ chạm vào đường dây điện gây ra sự cố, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đến tài sản, tính mạng người dân.
Trao đổi với đồng chí Bùi Duy Long, Phó Giám đốc Điện lực Lạc Thủy được biết, tại vị trí này, trong năm 2018 - 2019 đã xảy ra trên 40 vụ sự cố điện, nguyên nhân liên quan đến cây cối mà người dân trồng trong và ngoài hành lang đã chạm, tì đè vào đường dây điện. Năm 2019, PC Hòa Bình và Điện lực Lạc Thủy phối hợp chính quyền địa phương làm việc với 8 hộ dân. Theo đó, đã thực hiện kiểm đếm, đền bù cây cho các hộ dân, tiến hành chặt bỏ để đảm bảo HLATLĐ. Tuy nhiên, sau khi chặt cây, các hộ lại tiếp tục trồng cây keo. "Các hộ dân yêu cầu phải đền bù hỗ trợ đất với khối lượng rất lớn nên gây nhiều khó khăn cho đơn vị quản lý, vận hành lưới điện. Với tốc độ phát triển của cây keo, chỉ một thời gian ngắn nữa cây sẽ chạm vào đường dây, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về điện cũng như tài sản, tính mạng người dân” - đồng chí Phó Giám đốc Điện lực Lạc Thủy cho biết.
Trao đổi về thực trạng ở thôn Quyết Tiến, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ba Hàng Đồi Bạch Bá Hán cho biết: Trước đây, Điện lực Lạc Thủy đã phối hợp chính quyền địa phương nhiều lần tuyên truyền đến người dân về đảm bảo HLATLĐ, đã thực hiện kiểm đếm, hỗ trợ đền bù về cây cho các hộ dân. Thế nhưng hiện nay, các hộ dân đòi hỗ trợ đền bù về đất khi có công trình chạy qua thửa đất nên lại tiếp tục trồng các loại cây tán cao, không đảm bảo về HLATLĐ và tính mạng con người. Cấp ủy, chính quyền sẽ tiếp tục tuyên truyền đến người dân để bảo vệ HLATLĐ.
Để xử lý thực trạng trên, đồng chí Bùi Duy Long, Phó Giám đốc Điện lực Lạc Thủy cho biết: Trong thời gian qua, đơn vị thường xuyên gửi thông báo đến hộ gia đình và cảnh báo nguy cơ mất an toàn về vận hành lưới điện; phối hợp chính quyền địa phương đến tuyên truyền, vận động các gia đình phối hợp với Điện lực giải phóng HLATLĐ. Nếu không xử lý dứt điểm các điểm nóng về HLATLĐ sẽ xảy ra sự cố điện trong tương lai và gây gián đoạn cung cấp điện, mà còn đe dọa trực tiếp đến tài sản, tính mạng người dân. Ngành điện mong muốn người dân cùng phối hợp, chung tay bảo vệ HLATLĐ để việc cung cấp điện được ổn định, an toàn, nhất là trong mùa mưa bão.
Viết Đào