(HBĐT) - Những ngày mưa lớn liên tiếp do ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện tình trạng đất, đá trượt sạt ở nhiều địa phương, nhiều tuyến đường bị ách tắc, mưa lũ phá hủy nhiều tuyến đường giao thông, hiện vẫn đang phải khắc phục. Đặc biệt đã xảy ra hậu quả đau lòng, khi đất lở trượt sạt vào nhà dân làm chết 1 người và bị thương 3 người trong cùng một gia đình ở xóm Tát, xã Tân Minh (Đà Bắc).
Cho đến nay, sau nhiều ngày xảy ra vụ lở đất san phẳng nhà dân, người dân và gia đình nạn nhân vẫn còn bàng hoàng, xót xa. Vụ việc xảy ra quá bất ngờ và đau lòng. Vào nửa đêm ngày 17/10, trời đã ngớt mưa, mọi người đang say giấc, bỗng đâu đất dồn dập trượt từng khối lớn, đánh vỡ tất cả, vùi lấp toàn bộ ngôi nhà bán kiên cố của gia đình ông Lò Văn San chủ hộ. Vụ sạt đất làm ông San tử vong, 3 người bị thương là vợ, con dâu và cháu. Chúng tôi đến hiện trường thì mọi thứ chẳng còn gì ngoài đống đổ nát, đất, đá, chăn, giường và một số đồ đạc còn sót lại chìm trong đất.
Đà Bắc là huyện vùng cao, địa hình chia cắt, độ dốc cao, thường xuyên xảy ra trượt sạt, đá lở, đá lăn, lũ ống, lũ quét, đe dọa nghiêm trọng tính mạng, tài sản người dân. Dọc tuyến đường 433 những ngày qua, dù thời tiết đã có nắng, song vẫn thi thoảng xảy ra đá lăn xuống đường, vệ đường, cây cối trượt sạt chắn đường giao thông. Huyện có hàng trăm điểm nguy cơ trượt sạt đất, đá, trong đó, tình trạng đá lở, đá lăn xảy ra phổ biến tại các xã vùng cao: Nánh Nghê, Mường Chiềng, Tân Minh, Tân Pheo, Giáp Đắt, Trung Thành, Đoàn Kết. Tình trạng sạt lở dọc tuyến đường 433, các khu vực dọc theo sườn phía Tây Bắc của suối Trâm, dọc thung lũng suối Cái từ Tày Măng đến hồ Mu Công xảy ra với mật độ lớn. Qua rà soát, huyện có 83/122 thôn, bản còn các điểm nguy cơ cao về thiên tai với 170 điểm có nguy cơ sạt lở đất, đá, lũ quét. Toàn huyện có khoảng 850 hộ nằm trong khu vực nguy cơ về thiên tai, trong đó, 630 hộ nằm trong khu vực nguy cơ trượt sạt đất, đá; 190 hộ nằm trong khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét. Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc Lường Văn Thi cho biết: Huyện đang rà soát các vị trí có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; cảnh báo, yêu cầu người dân đề cao cảnh giác, di dời ra khỏi khu vực nguy cơ trượt sạt, nhất là vào mùa mưa bão.
Tình trạng trượt sạt đất, đá cũng xảy ra khá thường xuyên ở nhiều địa phương khác. Huyện Mai Châu có nhiều khu vực nguy cơ tại các xã: Sơn Thủy, Thành Sơn, Nà Phòn, Bao La, Tân Thành. Các xã: Vân Sơn, Quyết Chiến, Ngổ Luông (Tân Lạc) thường xuyên xảy ra lở đất, đá bất thường. Huyện Lạc Sơn là các xã: Quý Hoà, Mỹ Thành, Tuân Đạo, Miền Đồi, Bình Hẻm, Tân Mỹ, Ân Nghĩa; dọc theo tuyến từ thị trấn Vụ Bản đi các xã vùng cao. Huyện Lương Sơn là khu vực xóm Rổng Vòng, xã Lâm Sơn đã có hàng chục hộ phải di dời khẩn cấp khi mưa lớn những ngày vừa qua. Huyện Kim Bôi tại các xã: Đú Sáng, Hùng Sơn, Vĩnh Đồng, Kim Lập, Cuối Hạ. TP Hòa Bình cũng có nhiều điểm nguy cơ cao trượt sạt như: Xóm Tháu, phường Thái Bình, xã Hòa Bình, dọc đường An Dương Vương, một số điểm trên quốc lộ 6, đường 435…
Có một thực tế vẫn còn không ít hộ dân sinh sống ven đồi núi, sông suối, trong khi thời tiết ngày càng diễn biến cực đoan, thất thường, không theo quy luật. Thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh liên tục yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát khu vực nguy cơ cao trượt sạt, xây dựng phương án, kịch bản sát với thực tế, đề cao vai trò của chính quyền cơ sở, chủ động, cảnh báo, kiên quyết không để hộ dân nào sống trong vùng nguy hiểm ven suối, sườn núi, đồi tiềm ẩn nguy cơ trượt sạt, đá lở, đá lăn, lũ ống, lũ quét, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân.
Lê Chung