((HBĐT) - Nông dân trong tỉnh đang tập trung thu hoạch lúa vụ hè thu, khi hạt ngọc trời được đưa về nhà cũng là lúc những phụ phẩm nông nghiệp được thu gom và đốt ngay tại đồng ruộng. Đốt rơm rạ không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân mà còn tác động tiêu cực đến chất lượng đất. Vậy, đâu là giải pháp cần thiết giúp người dân xử lý rơm rạ sau thu hoạch hiệu quả?
Người dân đốt rơm rạ tại đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường. Ảnh chụp ngày 8/10 tại xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi).
Những ngày gần đây, đi dọc đường 12B đoạn qua địa phận xã Vĩnh Đồng, thị trấn Bo (Kim Bôi) không khó để thấy những đống rơm được bà con đốt trên đồng ruộng, từng làn khói cùng xác rơm rạ theo chiều gió bay tứ tung, khắp đường làng, ngõ xóm. Chị Bùi Thị Thảo, người dân xã Vĩnh Đồng cho hay: Hàng năm, khi thu hoạch xong lúa vụ mùa người dân lại khẩn trương làm đất để chuẩn bị trồng rau, khoai tây. Rơm rạ đốt lên khói bụi mịt mù. Gia đình tôi có 2 con nhỏ không dám cho cháu ra ngoài chơi vì xung quanh toàn khói bụi. Hơn nữa, do đốt gần đường lớn, khói bay ra khiến các phương tiện tham gia giao thông hạn chế tầm nhìn, đã có nhiều trường hợp xe va quệt vào nhau do trời nhá nhem tối lại thêm khói rơm làm giảm tầm nhìn, rất may chưa xảy ra tai nạn đáng tiếc, nhưng cũng rất nguy hiểm.
Không chỉ tại Kim Bôi, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh nông dân vẫn còn thói quen đốt rơm rạ và những phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch. Bởi họ cho rằng đó là cách làm nhanh, gọn và ít tốn công sức nhất để làm sạch đồng ruộng. Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (TT&BVTV), mỗi năm, nông dân trên toàn tỉnh thu được trung bình khoảng 21,3 - 21,5 tấn thóc, đồng nghĩa với khối lượng rơm rạ tương đương phát sinh. Đây là một lượng sinh khối lớn mà nếu như tận dụng hợp lý sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, nhất là dinh dưỡng cho đất trong vụ sau.
Đốt rơm rạ trên đồng ruộng giúp giảm thiểu tàn dư sâu bệnh hại. Tuy nhiên, việc này lại khiến những chất dinh dưỡng được tích lũy trong rơm rạ bị tiêu hủy, làm mất môi trường cư trú qua đông của nhiều loại côn trùng có ích. Ngoài ra, khi đốt rơm rạ ngay tại ruộng làm lượng nước bốc hơi tăng cao, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc lấy nước tưới tiêu vào vụ mùa kế tiếp. Khói thải ra từ rơm rạ làm ô nhiễm nặng nề môi trường sống. Mặc dù chính quyền các địa phương đã đưa ra khuyến cáo đối với người dân, nhưng do thói quen, tình trạng đốt rơm rạ vẫn tái diễn theo vụ mùa ở nhiều địa phương.
Đồng chí Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV cho biết: Thay vì đốt rơm rạ bỏ phí đi nguồn tài nguyên sinh khối khổng lồ, nông dân nên tận dụng tối đa nguồn rơm rạ đã có sẵn. Có thể tận dụng làm vật liệu che phủ cho cây rau mới trồng, hạt giống mới gieo. Hoặc tận dụng rơm rạ để trồng khoai tây không cần đất cũng là một trong những phương án đã được thực hiện ở nhiều địa phương trong tỉnh, giúp tiết kiệm nhiều công làm đất và tiền mua phân bón. Đối với những gia đình chăn nuôi trâu, bò, rơm rạ là nguồn thức ăn dự trữ cho mùa đông lạnh giá, bà con có thể lựa chọn ủ chua trộn với các loại chất dinh dưỡng khác hoặc dự trữ khô. Bên cạnh đó, tận dụng làm giá thể trồng nấm cũng là một trong những cách làm hay và hiệu quả.
Tại xã Phong Phú (Tân Lạc), nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nhiều năm nay, xã không còn tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng. Đồng chí Bùi Văn Nức, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Thay vào đó, đối với những khu vực ruộng thuận lợi để trồng cây vụ 3, trước khi gặt các hộ dân chủ động tháo nước để ruộng khô ráo. Sau khi gặt xong, rơm rạ được cắt đem đi phơi dự trữ thức ăn cho trâu, bò vào những ngày đông lạnh, hoặc sử dụng để giữ ẩm cho đất sau khi tra hạt.
Trong trường hợp không sử dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu, bò hoặc không trồng cây vụ 3, đại diện Chi cục TT&BVTV khuyến cáo người dân nên cày lật cuốc rạ để tăng thời gian phân hủy của rơm rạ, đất được phơi khô, giúp nước bốc hơi hết nhường chỗ cho không khí, tạo điều kiện hút được nhiều muối khoáng.
Để không còn tình trạng đốt rơm rạ ngay tại đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường sống và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, mất an toàn điện, cần hơn nữa sự vào cuộc từ chính quyền cơ sở trong việc tuyên truyền, cảnh báo tác hại của việc đốt rơm rạ. Đồng thời, cần có chế tài phù hợp để xử lý những trường hợp đốt rơm rạ gây ảnh hưởng đến môi trường.
Khánh Linh (TTV)
(HBĐT) - Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (XDNTM) và thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra, huyện Lương Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2019, về đích trước 1 năm. Trở thành huyện đầu tiên của tỉnh cũng như các tỉnh miền núi phía Bắc đạt được kết quả quan trọng này. Đây là thành quả của sự đoàn kết, thống nhất trong cả hệ thống chính trị. Là sự linh hoạt, sáng tạo đề ra các nhiệm vụ, giải pháp của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, cùng với sự đồng tình của doanh nghiệp, người dân. Do vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện đã khai thác và huy động tối đa tiềm năng, lợi thế của huyện.
(HBĐT) - Xã Nhân Mỹ (Tân Lạc) có địa bàn rộng, dân cư sinh sống không tập trung, địa hình bị chia cắt bởi suối Cái thành nhiều vùng, chòm dân cư nhỏ lẻ. Để chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn cho Nhân dân trong mùa mưa bão, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) xã đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Không khí lạnh đang suy yếu dần, nhưng từ đêm 20/10, sẽ có một đợt không khí lạnh tăng cường kèm theo mưa khiến nhiệt độ giảm trở lại. Từ đêm 21-23/10, Bắc Bộ trời chuyển rét.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 18/10, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết khu vực Trung Trung Bộ. Ở vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 9. phía Nam Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to.
(HBĐT) - Báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, tính đến 15h ngày 17/10, mưa vừa, mưa to trên toàn tỉnh do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 8 và không khí lạnh tăng cường đã khiến nhiều địa phương trong tỉnh phải chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Đặc biệt, đã có 1 người chết, 3 người bị thương ở xóm Tát, xã Tân Minh (Đà Bắc) do đất đá trượt sạt vào nhà.