Anh Bùi Văn Duẩn, xóm Luông Dưới, xã Ngổ Luông (Tân Lạc) che chắn chuồng trại, giữ ấm cho trâu, bò.
Ngổ Luông là xã vùng cao, nền nhiệt độ thấp hơn địa bàn huyện từ 7 - 80C, thời tiết khắc nghiệt về mùa đông, thường xuyên xảy ra sương muối, có thời điểm nhiệt độ xuống mức 4 - 50C. Xã có tổng đàn trâu, bò 854 con, lợn 836 con, gia cầm 10.000 con, dê 146 con. Những năm trước đây, sau mỗi mùa đông, đàn gia súc của xã thiệt hại đáng kể, đỉnh điểm năm 2015, toàn xã thiệt hại nặng nề với 144 con trâu, bò chết rét, số còn lại sút cân, thiệt hại trên 1 tỷ đồng. Nguyên nhân do hiện tượng sương muối xảy ra thường xuyên, người dân vẫn còn thói quen thả rông gia súc, không xây dựng chuồng trại kín đáo, chắc chắn, rơm rạ sau khi thu hoạch đốt ngay tại ruộng, không tích trữ làm thức ăn, ủ ấm cho vật nuôi. Bên cạnh đó, việc chủ quan, lơ là của người dân dẫn đến dịch bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục gây chết hàng loạt, đỉnh điểm năm 2019 toàn xã chết 84 con trâu, bò vì dịch bệnh. Do vậy, công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn gia súc thời gian gần đây luôn được xã quan tâm, chú trọng.
Đồng chí Bùi Thị Thảo, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Thời gian qua, xã đã tuyên truyền, vận động bà con từ bỏ tập quán thả rông gia súc, xây dựng chuồng trại kiên cố, kín đáo, tích trữ thức ăn, ủ ấm cho đàn vật nuôi để giảm tình trạng trâu, bò chết rét. Bên cạnh đó, tổ chức tiêm phòng, phun khử trùng chuồng trại, khuyến cáo người dân giám sát, phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Nhờ đó, số lượng vật nuôi chết vì đói, rét, dịch bệnh giảm dần qua từng năm”.
Chủ động sớm trước mùa đông năm nay, xã đã triển khai nhiều phương án phòng, chống đói, rét cho gia súc tới các thôn, xóm. Công tác tiêm phòng, khử trùng tiêu độc chuồng trại, tiêm vắc xin phòng ngừa các bệnh như lở mồm long móng, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục được thực hiện đối với hầu hết số trâu, bò toàn xã, đạt tỷ lệ hàng năm trên 90%. Xã tuyên truyền, cử cán bộ hướng dẫn đến từng hộ chăn nuôi cách che chắn chuồng trại đúng cách, vận động người dân trồng nhiều cỏ voi, tích trữ rơm, rạ sau mùa gặt, không đem đốt bỏ.
Anh Bùi Văn Duẩn, hộ chăn nuôi ở xóm Luông Dưới cho biết: "Nhiều năm trước đây, do chủ quan, không chú trọng gia cố chuồng trại, gia súc còn thả rông nên sau mỗi mùa đông, đàn gia súc đều sút cân, có con bị chết rét, thiệt hại nhiều về kinh tế. Năm 2015, thời tiết vô cùng khắc nghiệt, gia đình thiệt hại toàn bộ 6 con trâu, bò, kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Rút kinh nghiệm từ đó, tôi đã xây dựng chuồng trại kín đáo, chủ động tích trữ thức ăn cho gia súc nhằm tăng sức chống chọi với thời tiết. Đồng thời, theo dõi tình trạng sức khỏe đàn vật nuôi, báo cáo với xã kịp thời nếu phát hiện triệu chứng dịch bệnh. Nhờ đó, thời gian gần đây, đàn gia súc khỏe mạnh, không còn thiệt hại sau mỗi mùa đông".
Bà Bùi Thị Chựng, xóm Luông Dưới cho biết: "Gia đình tôi nuôi 3 con bò, 7 con lợn. Theo sự chỉ đạo của xã, trước diễn biến thời tiết khắc nghiệt năm nay, tôi đã tích trữ rơm, rạ từ sớm, trồng thêm cỏ voi nhằm tạo nguồn thức ăn dự trữ , che chắn chuồng trại kín đáo, vệ sinh sạch sẽ để phòng tránh dịch bệnh. Vài năm gần đây, gia đình không có trâu, bò chết rét hay dịch bệnh”.
Theo dự báo, tình hình thời tiết mùa đông năm nay diễn biến phức tạp, đợt rét đậm, rét hại kéo dài, nhiệt độ giảm sâu, do đó, xã tuyên truyền người dân tập trung phòng, chống đói, rét, tiêm phòng cho gia súc, vệ sinh chuồng trại. Trưởng xóm, cán bộ nắm địa bàn nhắc nhở người dân hạn chế thả rông trâu, bò. Theo dõi thường xuyên biểu hiện dịch bệnh trên đàn vật nuôi, dập tắt dịch bệnh kịp thời không để lan rộng, gây thiệt hại kinh tế đến hộ chăn nuôi.
Hoàng Anh