Một phần khu vực thi công Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng xảy ra sạt lở, đã được các bộ, ngành chức năng và tỉnh khẩn trương đánh giá thực địa và triển khai biện pháp khắc phục.
Tổng lượng mưa phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và năm 2021. Trong năm có khoảng 15 - 17 đợt mưa lớn diện rộng, xảy ra khá đồng loạt trên phạm vi toàn tỉnh, trong đó có 2 - 3 đợt mưa lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu bão và áp thấp nhiệt đới. Cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm có khả năng xảy ra, đặc biệt các hiện tượng dông, lốc, sét, mưa lớn cục bộ, mưa đá khi không khí lạnh tràn về và sạt lở đất ở các khu vực có địa hình dốc, thảm phủ thực vật kém.
Từ thực tế tình hình thiên tai, tại hội nghị triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh chỉ đạo: Đề cao cảnh giác trong PCTT là một việc hết sức quan trọng. Công tác này không thể coi nhẹ, cần sự vào cuộc của các cấp, ngành. Những năm qua, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng PCTT trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là năm nào cũng xảy ra thiệt hại về người. Phương tiện phục vụ PCTT&TKCN thiếu thốn; kinh phí giải quyết cho vấn đề di dân và khắc phục sạt lở các công trình giao thông, hồ đập còn thiếu. Chúng ta chưa tìm kiếm được hết những ẩn họa có thể phát sinh sự việc không lường trước được. Vì vậy, phải luôn luôn cảnh giác cao độ với phương châm phòng là chính. Các huyện, thành phố cần khẩn trương kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN; xây dựng phương án PCTT của năm 2022 sát với thực tiễn để nếu có tình huống xảy ra thì việc nhìn nhận, giải quyết vấn đề được tốt và chủ động hơn. Đồng thời, các địa phương cần phân bổ nguồn lực hợp lý giữa phòng và chống; thường xuyên cử cán bộ đi kiểm tra thực địa nhằm phát hiện ẩn họa.
Để góp phần giải quyết khó khăn về kinh phí như phản ánh và đề xuất của các huyện, thành phố, nhất là đối với vấn đề xây dựng các khu tái định cư (TĐC), đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN& PTNT cho biết: Năm 2022, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với Ban chỉ đạo PCTT T.Ư tìm nguồn vốn để hoàn thiện một số khu TĐC tại các huyện: Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc, Lạc Sơn nhằm sớm ổn định cuộc sống các hộ chịu ảnh hưởng của thiên tai. Tuy nhiên, ngoài nguồn vốn của tỉnh và T.Ư hỗ trợ, đề nghị các huyện quan tâm phân bổ vốn, ưu tiên, lồng ghép nguồn lực từ một số chương trình, đề án để hoàn thiện các khu TĐC trên địa bàn.
Bên cạnh đó, chủ động ứng phó với diễn biến của thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố triển khai kế hoạch PCTT năm 2022; công tác phòng chống bão mạnh và siêu bão, lũ quét, sạt lở đất, trong đó cần lồng ghép phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với công tác PCTT của địa phương. Bổ sung các phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị làm việc nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp huyện, cấp xã để chủ động ứng phó với thiên tai trong mọi tình huống. Tổ chức, thực hiện nhiệm vụ tại địa phương theo phương châm "4 tại chỗ”. Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện dự phòng theo kế hoạch đã giao; tổ chức huấn luyện, diễn tập các phương án sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ đê, đập, TKCN đảm bảo khắc phục kịp thời hậu quả thiệt hại sau thiên tai, sớm ổn định sản xuất và đời sống Nhân dân.
Các địa phương tiến hành rà soát, thống kê cụ thể vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, các tuyến đường đi qua ngầm, tràn để có phương án ứng phó và kế hoạch thiết lập hệ thống biển cảnh báo nguy hiểm cho Nhân dân được biết. Đối với các khu vực đã xảy ra hiện tượng sạt lở hoặc vùng mới di dân TĐC, thường xuyên kiểm tra theo dõi các hiện tượng bất thường để chủ động phòng tránh, sẵn sàng phương án di dời người dân đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản; kiểm tra, rà soát, xử lý việc đào xẻ đất đồi, núi để xây dựng nhà và công trình làm gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai.
Rà soát, tổ chức lực lượng chuyên trách về công tác PCTT cấp huyện. Đối với cấp xã và thôn xóm, tổ chức phổ biến, tập huấn cho các đội xung kích PCTT cấp xã ứng trực, quan sát và kịp thời cảnh báo các sự cố có thể xảy ra trên địa bàn, sớm thông báo, giúp đỡ các hộ trong vùng nguy hiểm để chủ động phòng tránh, khắc phục hậu quả...
Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn; xây dựng phương án tích nước hợp lý hoặc hạn chế tích nước đối với các hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp; chủ động phương án bảo đảm an toàn công trình và dân cư vùng hạ du. Lập, triển khai các phương án PCTT ra thực địa, đặc biệt tại các điểm sạt lở đất, nguy cơ sạt lở đất, các công trình hồ đập có nguy cơ mất an toàn, công trình đang thi công; yêu cầu chính quyền cấp xã cử lực lượng xung kích thường xuyên kiểm tra, quan sát, hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn. Cử các đoàn kiểm tra công tác PCTT tại địa bàn các xóm, xã, các khu vực trọng điểm về PCTT để nắm bắt, chỉ đạo kịp thời...
Thu Hiền