Tỉnh khuyến cáo người dân không đi qua ngầm tràn khi nước lũ dâng cao. Ảnh: Lực lượng chức năng ứng trực tại ngầm tràn xã Đoàn Kết (Yên Thủy).
Sở GTVT tăng cường chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát các phương án, kịch bản ứng phó thiên tai, mưa lũ với phương châm chủ động, xử lý nhanh các sự cố bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) thông suốt. Tuyến đường 433 từ TP Hoà Bình đi Đà Bắc dài khoảng 90 km, địa hình đèo dốc, nhiều ngầm tràn, vào mùa mưa lũ hàng năm thường xảy ra trượt sạt, ngập úng, gây ách tắc giao thông. Ông Lê Tuấn Tuyến, Giám đốc Công ty CP xây dựng giao thông Hòa Bình, đơn vị quản lý tuyến đường 433 cho biết: Ngay từ đầu năm, theo chỉ đạo của Sở GTVT, đơn vị đã kiện toàn Ban chỉ huy (BCH) phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), xây dựng, triển khai phương án bảo đảm giao thông. Đơn vị duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương án xử lý sự cố giao thông tại những vị trí thường xuyên xảy ra trượt sạt, nhất là đoạn tuyến từ địa phận các xã: Tân Minh, Tân Pheo, Mường Chiềng, Nánh Nghê. Đã cắm biển báo và có phương án xử lý trượt sạt đất, đá bước 1 tại những vị trí xung yếu, ngầm tràn. Đơn vị cũng đã có phương án phối hợp huy động thiết bị, máy móc của nhà thầu, người dân để tham gia xử lý nhanh nhất các sự cố ách tắc, không để ách tắc kéo dài.
Tuyến đường 433 qua xã Nánh Nghê (Đà Bắc) dài khoảng hơn 10 km, thường xuyên xảy ra đá lở, đá lăn, trượt sạt. Đầu năm nay đã xảy ra đá lở tại km 84+400, địa bàn xóm Bưa Xen đi vào UBND xã Nánh Nghê, khối lượng khoảng 30 - 40 m3 đất, đá, gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại. Chính quyền xã phối hợp đơn vị quản lý tuyên truyền cảnh báo cho người và phương tiện đề cao cảnh giác, phòng ngừa tình trạng đá lở, đá lăn khi tham gia giao thông. Ông Lê Tuấn Tuyến cho biết thêm, đến nay đã chuẩn bị thiết bị máy móc, vật tư (200 rọ thép, 400 m3 đá hộc) ở các vị trí thuận lợi nhất, đồng thời có phương án huy động khoảng 40 nhân lực để ứng cứu ngay khi có sự cố xảy ra, đảm bảo giao thông thông suốt.
Từ đầu năm đến nay chưa ghi nhận những đợt mưa lớn diện rộng, song đã xuất hiện những điểm trượt sạt trên một số tuyến đường như: 432B, 439 (Mai Châu); 433 (Đà Bắc); 438 (Lạc Thuỷ)… Xác định thời tiết diễn biến cực đoan, khó lường, nhiều khả năng mưa lũ lớn bất thường, ngay từ đầu năm, Sở GTVT kiện toàn BCH, xây dựng, triển khai phương án PCTT&TKCN, đảm bảo an toàn trên các tuyến đường trong mọi tình huống, nhất là tuyến đường nguy cơ cao trượt sạt, ngập úng. Hiện nay, Sở GTVT đã phân công lãnh đạo và các thành viên BCH PCTT&TKCN kiểm tra, rà sát, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện các phương án bảo đảm giao thông trong mùa mưa bão năm 2022 tuân thủ nguyên tắc: Chủ động phòng ngừa là chính, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương… Đặc biệt kiểm tra, xác định những vị trí xung yếu, thường xuyên xảy ra sạt lở, mất ATGT để kịp thời cắm biển cảnh báo, có phương án xử lý, điều hành giao thông phù hợp.
Sở GTVT cũng yêu cầu các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ dự án đang thi công nền đường dứt điểm từng đoạn; chủ động xây dựng phương án đảm bảo ATGT trên đoạn tuyến thi công. Các đơn vị trực thuộc chuẩn bị đầy đủ vật tư dự trữ, phương tiện, lực lượng sẵn sàng khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt khi xảy ra thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ”... Sở xây dựng kế hoạch phân luồng giao thông khi xảy ra sự cố tắc đường và chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp các lực lượng, đơn vị quản lý tuyến đường thực hiện điều tiết giao thông, hướng dẫn các phương tiện lưu thông an toàn khi xảy ra sự cố. Đối với đường thuỷ nội địa, Sở GTVT đã kiểm tra, đôn đốc các đơn vị liên quan, chính quyền các địa phương triển khai phương án PCTT, mưa lũ, chỉ đạo các đơn vị, bến cảng, thanh tra, kiểm tra, rà soát các bến đậu tàu thuyền tránh trú bão; kiểm tra hoạt động các bến đò ngang; kiểm tra các điều kiện an toàn của phương tiện và người lái, tuyệt đối không cho phương tiện không bảo đảm an toàn xuất bến… tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Lê Chung