(HBĐT) - Bảo vệ môi trường (BVMT) và giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu gia tăng đang là thách thức lớn trong bối cảnh KT-XH ngày càng phát triển. Trên địa bàn tỉnh, những năm gần đây tạo được sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, hành động của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội đối với công tác quản lý, BVMT; đã khắc phục, xử lý cơ bản các cơ sở gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) nghiêm trọng. Môi trường tại các khu công nghiệp, khu vực nông thôn, khu dân cư được cải thiện…
Việc xử lý rác thải sinh hoạt dồn ứ đang là khó khăn kéo dài đối với TP Hòa Bình.
Tuy vậy, công tác BVMT vẫn luôn là "bài toán khó”, có lúc, có nơi gây bức xúc trong Nhân dân. Đặc biệt là về xử lý rác thải sinh hoạt còn nhiều bất cập, nhất là xử lý rác thải sinh hoạt của TP Hòa Bình và một số thị trấn. Trong tỉnh, hạ tầng kỹ thuật BVMT chưa được quan tâm đầu tư đáp ứng yêu cầu. Hầu hết các cụm công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Một số cơ sở gây ÔNMT kéo dài, chưa được xử lý dứt điểm. Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, gây ÔNMT chưa được phát hiện, xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của UBND tỉnh, ý thức BVMT một số nơi chưa trở thành thói quen, nếp sống của cộng đồng dân cư. Việc chấp hành pháp luật về BVMT của một bộ phận cơ sở, doanh nghiệp còn thấp, chạy theo lợi nhuận kinh tế, chưa chú trọng đến vận hành hệ thống xử lý chất thải. Hiện, ÔNMT tại khu vực nông thôn có xu hướng gia tăng do áp lực từ rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải từ sản xuất nông nghiệp không được thu gom, xử lý hợp vệ sinh…
Thực tế cho thấy, trong giai đoạn 2017-2021, các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố đã kiểm tra đối với 416 cơ sở, doanh nghiệp, qua đó xử phạt vi phạm hành chính trên 1.960 triệu đồng. Ngoài ra, Công an tỉnh điều tra, xử lý trên 1.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; đề xuất cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 1.021 đối tượng, tổng số tiền trên 9.460 triệu đồng. Khởi tố 5 vụ án, 11 bị can vi phạm pháp luật về môi trường. Đáng chú ý, đã khởi tố vụ án hình sự về tội gây ÔNMT xảy ra tại Nhà máy nước Sông Đà (xã Quang Tiến, TP Hòa Bình); khởi tố, bắt tạm giam và đề nghị truy tố 3 đối tượng vận chuyển, đổ dầu thải xuống nguồn nước sông Đà.
Những tồn tại, hạn chế và khó khăn trong công tác BVMT đã tác động tiêu cực đến môi trường sống, mỹ quan đô thị và cảnh quan nông thôn, nhất là ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển xanh, bền vững mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặt ra. Do vậy, việc chung tay, góp sức BVMT đang trở thành vấn đề cấp thiết, được toàn xã hội quan tâm, đặc biệt khi Hòa Bình được xem là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng khá lớn của biến đổi khí hậu. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên với diễn biến khó lường.
Đặc biệt, ngày Môi trường thế giới (5/6) năm nay được phát động với chủ đề "Chỉ một Trái đất” với mục đích truyền tải ý nghĩa thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các chính sách, hoạt động hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn. Điều này một lần nữa cho thấy vấn đề BVMT đang là một đòi hỏi tất yếu.
Phục vụ cho phát triển xanh, bền vững, trong thời gian tới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm BVMT. Xây dựng phong trào Toàn dân BVMT và phát triển các mô hình cộng đồng dân cư tự quản trong hoạt động BVMT… Đồng thời tăng cường công tác QLNN về vấn đề này, trong đó tiếp tục kiện toàn và nâng cao năng lực tổ chức bộ máy, đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác BVMT từ cấp tỉnh đến xã, phường, thị trấn; xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ giữa các ngành, các cấp. Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các phong trào quần chúng tham gia BVMT; nhân rộng các mô hình hiệu quả, chú trọng xây dựng mô hình BVMT lồng ghép các mô hình KT-XH. Phát triển các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế.
Cùng với đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo: Chú trọng công tác quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật môi trường đô thị, nông thôn, khu công nghiệp. Tăng cường thu gom, xử lý rác thải, chất thải y tế, chất thải làng nghề, chất thải chăn nuôi; quản lý chặt chẽ việc thu gom, xử lý chất thải nguy hại. Đẩy mạnh hoạt động quản lý việc sử dụng hoá chất trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, y tế và các lĩnh vực sản xuất, chế biến khác…
Thu Hiền