(HBĐT) - Bão số 2 tan nhanh nhưng hậu quả để lại vô cùng nặng nề. Sau hơn 2 ngày mưa như trút nước do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão đã gây tổn thất nặng nề trên địa bàn 9/10 huyện, thành phố trong tỉnh với giá trị thiệt hại lên đến cả tỷ đồng. Đặc biệt đã có tổn thất lớn về người khi có tới 3 người chết, 2 người mất tích, tất cả đều do đuối nước và lũ cuốn trôi.


Lực lượng chức năng khẩn trương khắc phục hậu quả sạt lở, đảm bảo lưu thông trên tuyến đường xã Nà Phòn (Mai Châu).

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) tỉnh, từ tối 10/8 đến chiều 12/8, trên địa bàn tỉnh có mưa to và rất to tại các địa phương. Nhiều nơi ghi nhận lượng mưa trên 300mm. Để chủ động ứng phó với thiên tai, UBND tỉnh, BCH PCTT&TKCN tỉnh, Sở NN&PTNT đã ban hành Công điện và các văn bản chỉ đạo về ứng phó bão số 02; việc bảo đảm an toàn công trình thủy lợi đề phòng ảnh hưởng của mưa lớn và việc ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh.

BCH PCTT&TKCN tỉnh tổ chức các đoàn công tác xuống địa bàn chỉ đạo, đôn đốc công tác ứng phó với mưa bão. UBND các huyện, thành phố yêu cầu chính quyền cơ sở, các phòng, ban chức năng chủ động ứng phó, chuẩn bị lực lượng, phương tiện đảm bảo xử lý kịp thời khi có tình huống bất thường xảy ra; phân công cán bộ trực tiếp xuống các xã, phường, thị trấn phối hợp chỉ huy ứng phó các tình huống; tổ chức rà soát, kiểm tra tại các khu vực có mưa lớn và sạt lở; cắm biển cảnh báo, cấm người dân qua lại các khu vực ngầm tràn nguy hiểm; phối hợp với các cơ quan có liên quan nạo vét, dọn dẹp khắc phục tạm thời những vị trí sạt lở nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông...

Với sự chủ động trong công tác chỉ đạo đã giúp nhiều địa bàn phần nào giảm thiểu được thiệt hại. Tuy vậy, do lượng mưa quá lớn và dồn dập trong nhiều giờ nên nhiều địa phương phải chịu thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống, sinh hoạt của người dân và các công trình.

Thống kê của BCH PCTT&TKCN tỉnh cho thấy, ngoài tổn thất đáng tiếc về người, đã có trên 120 hộ dân bị thiệt hại và ảnh hưởng đến nhà ở; trên 1.050 ha lúa, hoa màu bị ngập úng, thiệt hại và ảnh hưởng. Hàng trăm vật nuôi bị nước lũ cuốn trôi; nhiều diện tích ao cá bị ngập, tràn... Tại các huyện, thành phố cũng ghi nhận thiệt hại về hệ thống kè chắn đất và tường rào, mương thủy lợi, kè suối, tường bao trường học và nhà văn hóa,…

Thiệt hại nặng nề nhất là về giao thông. Đối với đường T.Ư ủy thác quản lý xảy ra 14 điểm sạt lở taluy dương, đất đá tràn ra mặt đường với tổng khối lượng ước tính 270m3. Các tuyến đường tỉnh, sạt lở taluy dương, đất đá tràn ra mặt đường tại 46 điểm/4 tuyến đường: ĐT.432 (22 điểm), ĐT.433 (2 điểm), ĐT.435 (12 điểm) và ĐT 443 (10 điểm), tổng khối lượng ước tính 14.801m3 gây tắc đường. Ngoài ra, nhiều tuyến đường huyện, xã bị sạt lở, ách tắc; điển hình như huyện Đà Bắc có 16 điểm, ước khối lượng đất đá sạt lở xuống lòng lề đường khoảng 1.000 m3; huyện Mai Châu sạt lở gần 2.700 m3 đất đá…

Ngay sau khi xảy ra thiệt hại, chính quyền các địa phương đã kịp thời huy động lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả theo phương châm "4 tại chỗ”. Các địa phương khẩn trương triển khai biện pháp tiêu thoát úng cho hoa màu; cắm biển cảnh báo khu vực mất an toàn và huy động nhân lực, máy móc khắc phục tạm thời những vị trí sạt lở; dọn dẹp đất đá, sửa chữa nhà ở ổn định đời sống người dân...

Dự báo trong thời gian tới, thiên tai còn diễn biến khó lường. Để chủ động ứng phó và sớm khắc phục hậu quả, ngày 12/8, BCH PCTT&TKCN tỉnh có văn bản đề nghị BCH PCTT&TKCN các huyện, thành phố tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, các bản tin cảnh báo của cơ quan chuyên môn về mưa lớn và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và nhân dân để chủ động các biện pháp phòng tránh. Triển khai phương án ứng phó các tình huống, đặc biệt là bố trí lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để đảm bảo an toàn và tổ chức di dời, sơ tán người dân; khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu. Bố trí lực lượng kiểm soát, cảnh báo, hướng dẫn giao thông tại các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập sâu, chia cắt không để người và phương tiện đi qua.

Triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất; gia cố, bảo vệ hồ ao nuôi thủy sản; thu hoạch hoa màu, cây trồng cạn đến thời kỳ thu hoạch; phòng chống ngập úng khu vực đô thị, vùng trũng thấp, bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Đáng nói, thiệt hại về người trong đợt mưa lũ vừa qua nguyên nhân chủ yếu là do chủ quan, bất cẩn khi đi qua suối thời điểm nước lũ lên cao, chảy xiết nên bị cuốn trôi và trẻ em đuối nước. Dự báo từ nay đến khoảng tháng 10, tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, UBND tỉnh, BCH PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động và có biện pháp kiên quyết đến cùng, cưỡng chế phải di dời đối với các hộ có nhà ở và sinh sống trong khu vực nguy hiểm khi có mưa lớn xảy ra. Cắm biển cảnh báo, chăng dây khu vực nguy hiểm, các điểm sạt lở, khu vực ngầm bị ngập nước, cấm các phương tiện giao thông và người di chuyển qua lại. Mỗi người dân không được có tâm lý chủ quan, lơ là khi có mưa lũ. Đối với gia đình có trẻ nhỏ cần tổ chức quản lý, trông giữ, không để trẻ chơi đùa, đi lại khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực ngập nước, trách để xảy ra sự việc đau lòng.

Hoàng Nga

Các tin khác


Huyện Cao Phong: Nhiều điểm sạt lở trên tuyến đường tỉnh lộ 435, xã Thung Nai bị cô lập về đường bộ

(HBĐT) - Theo thông tin từ Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Cao Phong: Do ảnh hưởng mưa của bão số 2 từ ngày 9/8 đến 10h00' ngày 12/8, trên địa bàn huyện đã có nhiều nơi bị thiệt hại về tài sản, các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, nhà cửa của nhân dân... cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Huyện Mai Châu: Nhiều tuyến đường, công trình bị sạt lở do mưa lớn kéo dài

(HBĐT) - Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Mai Châu, do ảnh hưởng cơn bão số 2, tiếp tục từ 13h ngày 11/8 đến 10h ngày 12/8, toàn huyện mưa to kéo dài, làm sạt lở, ngập úng một số công trình giao thông, thủy lợi, nhà cửa, diện tích lúa, hoa màu một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Mưa bão gây ngập úng, sạt lở tại huyện Mai Châu

(HBĐT) - Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Mai Châu, do ảnh hưởng cơn bão số 2, từ ngày 10/8 đến 13h ngày 11/8/2022, trên địa bàn huyện mưa to kéo dài. Mưa lớn đã làm sạt lở, ngập úng một số công trình giao thông, diện tích lúa, hoa màu một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Thời tiết ngày 12/8: Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa to đến rất to

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày và đêm 12/8, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa, mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa phổ biến 20-40mm, có nơi trên 60mm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục