Buổi phát động thực hiện vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ tại xã Tú Lý (Đà Bắc).
Theo Trung tâm Y tế huyện Đà Bắc, đó là những khó khăn, rào cản trong cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và thực hiện mục tiêu vệ sinh toàn xã. Thống kê của trạm y tế các xã đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ có NTHVS 65%, thấp nhất tỉnh. Loại nhà tiêu không hợp về sinh chủ yếu là hố đào, bắc cầu.
Bên cạnh đó, ở vùng nông thôn miền núi, hầu hết các hộ đều chăn nuôi gần nhà. Nguồn nước sử dụng để ăn uống, sinh hoạt lấy từ giếng đào, giếng khoan nông và từ các khe núi chưa qua xử lý, dễ bị ô nhiễm từ chuồng gia súc, gia cầm, nhà vệ sinh. Đặc điểm địa hình, vị trí nhà của người dân phần lớn theo sườn đồi, chất thải, nước thải của hộ phía trên có thể ảnh hưởng đến hộ phía dưới.
Từ tháng 8/2021, huyện Đà Bắc có 6 xã tham gia thực hiện hợp phần vệ sinh thuộc Chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn Ngân hàng Thế giới. Khi đó, tỷ lệ hộ có NTHVS của 6 xã cũng đều ở mức thấp: Hiền Lương 65%, Cao Sơn 68%, Vầy Nưa 60%, Mường Chiềng 60%, Tú Lý 68%, Tân Pheo 62%.
Triển khai thực hiện chương trình, mục tiêu đề ra là 6 xã trên đạt "vệ sinh toàn xã”. Cụ thể, mỗi xã phải đạt từ 70% hộ trở lên có NTHVS; 80% hộ trở lên có điểm rửa tay bằng xà phòng; tất cả các trường học, trạm y tế trên địa bàn có nước sạch, công trình vệ sinh, điểm rửa tay đang hoạt động.
Trung tâm Y tế huyện đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân nhằm tiến tới thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân và cộng đồng thông qua mô hình "Vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ”. Trong đó, thông điệp CLTS:"Cả làng ta sợ/ Cả làng ta sửa/ Cả làng ta sạch/ Cả làng ta sướng”, nhấn mạnh hệ lụy của vệ sinh kém gây ra nhiều loại bệnh tật, ảnh hưởng đến sức khỏe, giống nòi, kinh tế để tự thấy cần phải thay đổi vì chính bản thân, gia đình và mọi người. Chỉ khi người dân tự thấy cần thay đổi mới đem lại kết quả bền vững.
Trưởng khoa Y tế công cộng (Trung tâm Y tế huyện Đà Bắc) Ngô Thị Chinh cho biết: 100% hộ và giáo viên, học sinh trường mầm non, tiểu học, THCS (không kể các điểm trường) 6 xã được tuyên truyền, vận động xây, sử dụng NTHVS thông qua cung cấp thông tin về các loại nhà tiêu, cách sử dụng, bảo quản đúng cách; được cung cấp kiến thức về vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng, nước sạch vào các thời điểm quan trọng. Các chủ cửa hàng, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng đồng ý trở thành cộng tác viên; thợ xây của họ được tập huấn về thị trường vệ sinh, kỹ thuật xây NTHVS, lập kế hoạch kinh doanh, kỹ năng bán hàng để phát triển thành hệ thống cửa hàng tiện ích.
Với những hoạt động đó, nhận thức, hiểu biết của người dân từng bước chuyển biến tốt. Tính đến quý III/2022, số hộ có NTHVS tại 6 xã đã tăng: Hiền Lương 83%, Cao Sơn 84,4%, Vầy Nưa 72%, Tú Lý 82,2%, Tân Pheo 77,5%. Kết quả này góp phần nâng tỷ lệ hộ dân toàn huyện có NTHVS lên 81,1%. Tháng 11/2022, qua kiểm đếm, 6/6 xã tham gia chương trình đã được UBND tỉnh công nhận đạt "Vệ sinh toàn xã”.
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đà Bắc Phạm Thị Tuyết cho biết: Quá trình triển khai chương trình nhận được sự quan tâm chỉ đạo, cùng vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong huyện. Song, cũng còn gặp khó khăn do không có kinh phí hỗ trợ xây NTHVS cho người dân; dịch Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế, đời sống; một số bộ phận người dân còn trông chờ, không muốn thoát nghèo nên chưa muốn xây NTHVS. Mong công tác này được quan tâm hơn nữa. 6 xã đạt "vệ sinh toàn xã” là kinh nghiệm cho các xã khác thực hiện, góp phần xây dựng nông thôn mới văn minh; bản thân 6 xã cũng cần quan tâm duy trì. Để mở rộng quy mô vệ sinh, cùng với ngành Y tế, chính quyền xã, xóm cần quyết tâm, nghiên cứu đưa tỷ lệ NTHVS vào hương ước của khu dân cư và kiểm điểm tiêu chí này hằng năm.
CL