(HBĐT) - Rác thải tồn đọng lâu nay là bức xúc, nhức nhối của người dân và chính quyền TP Hòa Bình. Thành phố đang triển khai những giải pháp trước mắt để xử lý lượng rác tồn đọng tập kết tạm thời trên địa bàn, đặt mục tiêu xử lý toàn bộ lượng rác tập kết trên đường Trương Hán Siêu trong tháng 12, các điểm tập kết rác còn lại trước tháng 6/2023.


Lượng rác tập kết trên đường Trương Hán Siêu (TP Hòa Bình) được đóng bánh vận chuyển về Công ty CP môi trường công nghệ cao Hòa Bình (Lạc Thủy) xử lý.

Theo tính toán, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn thành phố khoảng 90 tấn/ngày đêm; thực tế lượng rác thải sinh hoạt đã được thu gom, vận chuyển khoảng 75 tấn/ngày đêm. 

Để giải quyết áp lực về rác thải, các sở, ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với Công ty CP năng lượng và môi trường Bắc Việt (Công ty Bắc Việt) xây dựng khu xử lý, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải rắn tại xã Thịnh Minh. 

Công suất giai đoạn đầu đi vào hoạt động 100 tấn/ngày đêm, có khả năng xử lý toàn bộ lượng rác phát sinh của thành phố và khu vực lân cận. Thực tế, công suất nhà máy không đáp ứng được việc xử lý rác thải phát sinh hàng ngày của thành phố là 75 tấn/ngày đêm, dẫn đến việc chôn lấp rác (công ty gọi là mùn) không đúng quy định được Nhân dân phát hiện, kiến nghị; Sở TN&MT kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính. 

Từ ngày 20/8/2020 đến nay, các hộ sinh sống lân cận ngăn cản việc vận chuyển rác thải về nhà máy, do đó công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi xảy ra sự việc, lãnh đạo tỉnh, Thường trực Thành ủy, UBND thành phố đã nhiều lần họp đối thoại, giải quyết. Song do sự chậm trễ khắc phục tồn tại của Công ty Bắc Việt nên Nhân dân không đồng ý cho thành phố vận chuyển rác thải vào nhà máy.

Để giải quyết khó khăn trước mắt trong công tác vệ sinh môi trường, thành phố chủ động liên hệ với các đơn vị liên quan đề nghị hỗ trợ tiếp nhận rác thải sinh hoạt của thành phố. Tuy nhiên, trong khu vực lân cận (bán kính 150 km) không có đơn vị nào đồng ý tiếp nhận. Thời gian đầu, Công ty CP môi trường công nghệ cao tại xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy hỗ trợ tiếp nhận khoảng 5 - 10 tấn/ngày, sau khi tiếp nhận được khoảng 1.300 tấn, công ty dừng tiếp nhận; Chi nhánh Công ty TNHH đầu tư thương mại Hoàng Long tại huyện Lương Sơn tiếp nhận khoảng 10.000 tấn, sau đó dừng tiếp nhận do UBND huyện Lương Sơn có văn bản yêu cầu dừng tiếp nhận vì lo ngại vấn đề môi trường. 

Do không có điểm tiếp nhận và xử lý rác thải, để giải quyết yêu cầu cấp bách trong thời gian chưa tìm được đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý, UBND thành phố buộc phải tập kết tạm thời rác thải sinh hoạt tại 5 vị trí trên địa bàn thành phố (đường Trương Hán Siêu, đường nội bộ khu công nghiệp Mông Hóa, khu đất thuộc xóm Văn Minh - xã Quang Tiến, tổ 9 - phường Kỳ Sơn và xóm Can - xã Độc Lập). Đến nay, lượng rác tồn đọng khoảng trên 17.000 tấn, được tập kết tại 5 vị trí trên. Đối với 4 vị trí tập kết trên đường Trương Hán Siêu, đường nội bộ khu công nghiệp Mông Hóa, khu đất thuộc xóm Văn Minh - xã Quang Tiến, tổ 9 - phường Kỳ Sơn được áp dụng một số biện pháp giảm thiểu tác động môi trường như: phun khử khuẩn, rắc vôi bột, phủ bạt kín bề mặt…

Tại khu tập kết tạm thời ở xóm Can, xã Độc Lập, tính tới ngày 22/7/2021 đã vận chuyển  hơn 6.000 tấn rác. Do điểm tập kết rác tại xóm Can chưa đáp ứng quy định, theo chỉ đạo của tỉnh, UBND TP Hòa Bình đã dừng việc tập kết rác thải phát sinh hàng ngày tại đây. Lượng rác phát sinh hàng ngày được vận chuyển về xử lý tại nhà máy xử lý chất thải của Công ty CP môi trường công nghệ cao Hòa Bình. Cùng với đó, tỉnh yêu cầu Công ty Bắc Việt khắc phục tồn tại của dự án khu xử lý, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải rắn tại xã Thịnh Minh. Tuy nhiên, vấn đề tồn đọng rác thải trên địa bàn TP Hòa Bình chưa được xử lý triệt để, ngày càng gây bức xúc trong Nhân dân.

Chủ tịch UBND TP Hòa Bình Bùi Quang Điệp cho biết: Trong thời gian chờ Công ty Bắc Việt khắc phục tồn tại, UBND thành phố đã chủ động liên hệ với các đơn vị liên quan đề nghị hỗ trợ tiếp nhận rác thải sinh hoạt của thành phố. Rất may, sau nhiều lần làm việc, Công ty CP môi trường công nghệ cao Hòa Bình đã hoàn thành việc nâng công suất đủ tiếp nhận rác thải phát sinh hàng ngày với khối lượng khoảng 75 tấn/ngày đêm của thành phố. UBND TP Hòa Bình chỉ đạo xử lý lượng rác tập kết tạm thời trên đường Trương Hán Siêu chuyển về xử lý tại Công ty CP môi trường công nghệ cao Hòa Bình. Lượng rác xử lý khoảng 50 tấn/ngày đêm (dự kiến xong trong tháng 12/2022), sau đó tiếp tục xử lý rác tồn đọng tại các điểm còn lại (dự kiến hoàn thành trước tháng 6/2023). Bên cạnh đó, UBND thành phố đã hỗ trợ Công ty Bắc Việt cấp điện để nhà máy vận hành, xây dựng tuyến đường mới vào khu xử lý, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải rắn (đường 445 đi xóm Hải Cao, xã Thịnh Minh). Đối với đoạn đường từ ngã ba vào nhà máy đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, thực hiện đổ bê tông mặt đường với chiều dài khoảng 700 m, đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành, đáp ứng việc vận chuyển rác an toàn vào nhà máy. Hỗ trợ công ty thực hiện các thủ tục liên quan đến quy hoạch đất đai để mở rộng nâng công suất nhà máy. Đôn đốc công ty xử lý dứt điểm các vấn đề còn tồn tại đã được các cơ quan chức năng chỉ ra.

UBND thành phố đã đề xuất với tỉnh chỉ đạo ban hành cơ chế để hỗ trợ, thu hút các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực vệ sinh môi trường, đặc biệt là lĩnh vực xử lý rác thải (cơ chế về đơn giá xử lý, thuế, tiền thuê đất, hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật phụ trợ và các cơ chế hỗ trợ đặc thù khác). Xem xét nâng đơn giá xử lý rác thải sinh hoạt để đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế, tạo điều kiện cho nhà đầu tư an tâm đầu tư lâu dài. Xây dựng cơ chế huy động nguồn vốn để xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt liên huyện, phấn đấu đến năm 2025 xây dựng được 1 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt liên huyện. Lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực (công nghệ, tài chính) để triển khai các dự án về xử lý chất thải rắn... Các sở, ngành chức năng và thành phố tiếp tục làm việc với Công ty Bắc Việt để đôn đốc, hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục liên quan, sớm đưa khu tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng từ chất thải rắn vào hoạt động, đảm bảo công suất xử lý triệt để lượng rác thải phát sinh trên địa bàn thành phố. Yêu cầu nhà đầu tư cam kết tiến độ và giám sát thực hiện tiến độ. Trường hợp không nghiêm túc thực hiện sẽ lập thủ tục thu hồi giấy phép đầu tư theo quy định.

Lê Chung


Các tin khác


Dồn sức khắc phục thiệt hại sau mưa đá lịch sử tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò

Trận mưa đá được xem là lớn nhất từ trước đến nay xảy ra chiều 24/4 tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò đã khiến nhiều diện tích ngô, lúa, rau màu, cây ăn quả của bà con bị thiệt hại nặng nề; nhiều nhà cửa hư hỏng. Ngay sau thiên tai, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Mai Châu đã trực tiếp khảo sát tình hình thực tế và chỉ đạo các xã khẩn trương khắc phục thiệt hại để sớm ổn định sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Huyện Mai Châu: Mưa đá lịch sử gây thiệt hại nặng nề tại xã Pà Cò

Theo báo cáo sơ bộ của UBND xã Pà Cò (Mai Châu), khoảng 16 - 17h ngày 24/4, một trận mưa đá đổ bộ trên địa bàn xã. Đây là trận mưa đá lớn chưa từng có làm thiệt hại hàng trăm héc ta hoa màu, cây ăn quả. Nhiều nhà dân bị đá rơi làm hư hỏng, sập mái.

Mưa đá gây thiệt hại ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu

Trận mưa đá kéo dài hơn 10 phút vào khoảng 16 h chiều 24/4 đã gây thiệt hại cho sản xuất và hoa màu ở 2 xã Hang Kia và Pà Cò, huyện Mai Châu.

Xã Tân Minh khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai

Những ngày qua, tại một số địa phương như thành phố Hòa Bình, các huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Lương Sơn xảy ra mưa lớn, mưa đá, dông lốc và sét cục bộ gây thiệt hại về kinh tế và đời sống sinh hoạt của nhân dân; trong đó, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc chịu thiệt hại nặng nề. Ngay sau khi xảy ra thiệt hại, cấp ủy, chính quyền xã Tân Minh đã chỉ đạo tập trung nhân lực, phương tiện, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai.

Siết chặt quản lý vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất

Với chức năng quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), hóa chất, thời gian qua, ngành Công Thương đã phối hợp các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo quản, sử dụng VLNCN và hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn về thị trường tín chỉ carbon

Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục