Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh tiếp tục xảy ra nắng nóng gay gắt, có thời điểm nhiệt độ gần 40 độ C. (Ảnh chụp tại thành phố Hoà Bình).
Năm 2022, tỉnh Hòa Bình chịu ảnh hưởng của 3 đợt bão, 22 đợt không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường; 3 đợt rét đậm, rét hại; 8 đợt nắng nóng diện rộng, nhiệt độ lên tới 40 độ C; xuất hiện 15 đợt mưa lớn diện rộng và 9 ngày mưa diện rộng.
Dự báo năm 2023, tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến bất thường. Các đợt rét đậm, rét hại hay nắng nóng sẽ xảy ra thường xuyên và liên tục hơn. Ông Vũ Hồng Quân, Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hòa Bình cho biết: Nắng nóng năm nay xuất hiện sớm, dự báo có khả năng gay gắt và có nhiều ngày nắng nóng hơn so với năm 2022. Đỉnh điểm của các đợt nắng nóng sẽ rơi vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6. Dự báo nhiệt độ sẽ vượt ngưỡng cao nhất 41,7 độ C đã ghi nhận tại huyện Lạc Sơn trong đợt nắng nóng vừa qua. Kết thúc các đợt nắng nóng thường có các đợt mưa giông mạnh kèm theo lốc, sét và mưa đá.
Cũng theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng gay gắt, giông lốc, mưa đá… sẽ liên tục xảy ra từ tháng 5 - 6. Cùng với đó, tình hình bão, lũ tiếp tục có diễn biến bất thường. Trung bình mùa mưa bão kéo dài từ tháng 5 - 10. Vào trung tuần tháng 7, tháng 8 thường là cao điểm mùa mưa bão. Tuy nhiên năm nay, các đợt bão, lũ có thể tập trung từ tháng 9 -10.
Nắng nóng gay gắt, mưa giông kèm các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, hư hại nhà cửa và các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng. Nhất là đối với sản xuất nông nghiệp, trong thời điểm nắng nóng kéo dài, nhiều cây trồng có nguy cơ bị cháy nắng. Thời tiết nắng nóng, oi bức, độ ẩm cao cũng làm thay đổi các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi thủy sản như nhiệt độ, ôxy hòa tan… một cách đột ngột, dẫn đến các loài thủy sản bị sốc, phát sinh bệnh hoặc có thể gây chết hàng loạt làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng nuôi.
Mới đây, UBND tỉnh có Công điện chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị chức năng, UBND các huyện, thành phố chủ động triển khai biện pháp cấp bách ứng phó với các đợt nắng nóng, hạn hán, thiếu nước. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu quan tâm tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước ngọt, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, điện, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước. Kiểm kê, đánh giá nguồn nước dự trữ tại các hồ chứa, công trình thủy lợi trên địa bàn; tính toán cân bằng nước để có kế hoạch vận hành từng hệ thống thủy lợi, hồ chứa thủy lợi, thủy điện; điều chỉnh, bổ sung phương án sử dụng nước, trong đó trước hết ưu tiên nguồn nước cấp cho sinh hoạt, chăm lo sức khỏe cho người dân, chăn nuôi gia súc và các lĩnh vực sản xuất trọng yếu.
Triển khai các biện pháp cần thiết để trữ nước; đẩy nhanh tiến độ thi công sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt; lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến; kéo dài đường ống dẫn nước để kết nối nguồn nước từ đô thị phục vụ cho nông thôn; vận chuyển nước sinh hoạt cho các khu dân cư, trường học, bệnh viện, cơ sở y tế tại các khu vực không đảm bảo nguồn nước. Căn cứ tình hình cụ thể về nguồn nước và khả năng cấp nước, điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp, chuyển đổi diện tích trồng lúa ở vùng hạn hán, chưa bảo đảm cấp nước sang cây trồng cạn. Chủ động bố trí ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí khác để triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán; ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước tập trung...
Cùng với nắng nóng gay gắt, thời điểm này chính thức bước vào mùa mưa bão. Đồng chí Nguyễn Thị Lan Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn một số điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở như khu vực tổ 15, phường Đồng Tiến; cầu Ngòi Mại, TP Hòa Bình và một số tuyến đường xung yếu… Để đảm bảo an toàn cho các vị trí này, ngành NN&PTNT đang chỉ đạo đơn vị thi công kè bảo vệ chống sạt lở và đảm bảo an toàn các công trình công cộng; sơ tán kịp thời phương tiện vận tải thủy đến các bến tập kết an toàn. Ngành cũng cho rà soát toàn bộ hệ thống hồ, đập, các tuyến kênh mương, nâng cấp, gia cố các điểm xung yếu để đảm bảo an toàn mùa mưa bão.