Cán bộ kiểm lâm huyện Mai Châu tham gia cùng người dân xóm Bò Báu, xã Đồng Tân trồng rừng phòng chống thiên tai, sạt lở đất trên địa bàn.
Thấy rõ được lợi ích "kép” vừa nâng cao giá trị sản xuất kinh tế rừng, vừa gắn với công tác PCTT, thời gian qua, Hạt Kiểm lâm huyện Mai Châu tích cực tuyên truyền, vận động, trích một phần kinh phí để mua cây giống hỗ trợ hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trồng, chăm sóc, phủ xanh đất trống, đồi trọc. Đồng chí Bùi Văn Tuyên, Hại trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mai Châu cho biết: Với địa hình chủ yếu là đồi, núi cao có độ dốc lớn, huyện xác định việc vận động Nhân dân phủ xanh đất trống, đồi trọc bằng cây gỗ lớn phù hợp điều kiện thổ nhưỡng là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Bởi từ việc phát triển, mở rộng diện tích che phủ rừng sẽ góp phần chống xói mòn, sạt lở đất, PCTT trên địa bàn huyện. Với ý nghĩa đó, hàng năm, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp các cơ quan, đơn vị trao tặng hàng nghìn cây giống là các loại cây gỗ bản địa có sức sống cao cho các hộ trồng, phủ xanh các khu vực trọng yếu hay xảy ra xói mòn, sạt lở đất.
Thống kê của Sở NN&PTNT, tính đến thời điểm 30/6/2023, toàn tỉnh có 459.062,02ha rừng tự nhiên, trong đó, diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp 297.861,52ha. Theo Quyết định số 300/QĐ-UBND, ngày 1/3/2023 của UBND tỉnh về việc công bố hiện trạng rừng tỉnh Hòa Bình phân theo nguồn gốc rừng thì diện tích rừng tự nhiên là 139.828,76ha; diện tích rừng trồng 86.005,76ha; diện tích đất chưa có rừng 72.027,06ha. Phân theo mục đích sử dụng, diện tích quy hoạch rừng đặc dụng 40.352,72ha; diện tích quy hoạch rừng phòng hộ 108.227,27ha; diện tích quy hoạch rừng sản xuất 149.281,53ha. Từ năm 2018 đến nay, các loại hình thiên tai như dông lốc, mưa lớn, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét... đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản trên địa bàn tỉnh, hàng chục ha rừng bị ảnh hưởng. Theo đồng chí Bùi Duy Linh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, xuất phát từ thực tế, thời gian qua Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp PCTT hiệu quả tại các khu vực có rừng.
Theo đó, từ năm 2018 đến nay, toàn bộ diện tích rừng hiện có của tỉnh đã được quản lý, bảo vệ. Ngoài ra, các địa phương kết hợp trồng mới gần 34ha rừng phòng hộ, rừng sản xuất; bảo trì, bảo dưỡng, duy tu 118,98km đường băng cản lửa. Công tác phòng chống cháy rừng (PCCR) được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Hàng năm, UBND tỉnh ban hành chỉ thị tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng và PCCR. UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn; các lực lượng chức năng đẩy mạnh tuần tra, kiểm tra phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Lực lượng Kiểm lâm cấp huyện hướng dẫn chủ rừng xây dựng, rà soát, chỉnh sửa, bổ sung 150 phương án PCCR cấp xã, 27 phường án PCCR của các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Xây dựng, củng cố 1.835 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng ở các xóm, bản với 11.268 người tham gia. Nhờ đó, tình hình cháy rừng trên địa bàn tỉnh theo từng năm giảm cả về số vụ và mức độ thiệt hại. Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 17 vụ cháy rừng, thiệt hại 30,21ha.
Từ việc làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng, bảo tồn sinh thái và PCTT, từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 51%. Qua đó góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiên tai; đảm bảo an ninh nguồn ngước, bảo tồn đa dạng sinh học; thúc đẩy phát triển KT-XH, tạo nguồn thu nhập, giúp cải thiện sinh kế, ổn định cuộc sống người dân...
Mạnh Hùng