(HBĐT) - Bức xúc trước việc nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân ở khu 2, 3, 4, 5, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) có dấu hiệu bất thường như có mùi tanh, vẩn đục... người dân đã nhiều lần gửi kiến nghị đến các cơ quan chức năng của địa phương và đơn vị cung cấp là Xí nghiệp sản xuất và kinh doanh nước sạch Cao Phong, thuộc Công ty CP nước sạch Hòa Bình (gọi tắt là Công ty nước sạch) nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để.


Cán bộ kỹ thuật - hóa nghiệm Công ty CP nước sạch Hòa Bình và cán bộ Xí nghiệp sản xuất và kinh doanh nước sạch Cao Phong lấy mẫu nước tại hộ dân ở khu 2, thị trấn Cao Phong (Cao Phong).

Nước sinh hoạt có dấu hiệu bất thường

Theo chị Lê Thị Nhung ở khu 2, thị trấn Cao Phong, liên tục trong những ngày qua, gia đình chị và nhiều hộ ở thị trấn Cao Phong phải dùng nước sinh hoạt có màu vàng, nhiều bùn đất. Chị Nhung chia sẻ: Khi xả nguồn nước do Công ty nước sạch cung cấp thấy có màu vàng đục. Do gia đình ở cuối nguồn nước, cũng nghĩ trong mùa mưa hoặc nhà máy xử lý nước đang sửa chữa đường ống nên nguồn nước có thể bị ảnh hưởng trong khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài nhiều ngày, chúng tôi nhiều lần kiến nghị, phản ánh đến nhân viên lắp đặt và nhân viên thu ngân của công ty nhưng không có phản hồi, xử lý. Chất lượng nước như vậy đáng ngại vô cùng. Đây không phải lần đầu xảy ra tình trạng này. Trước đó khi người dân kiến nghị được Công ty nước sạch giải trình do vỡ đường ống nên bùn đất lọt vào ống nước cung cấp đến các hộ dân.

Cũng như gia đình chị Nhung, nguồn nước sinh hoạt tại gia đình chị Nguyễn Đàm Thu Hiên, khu 4, thị trấn Cao Phong cũng trong tình trạng tương tự. Chị Hiên chia sẻ: Mấy ngày trước nước sinh hoạt của gia đình do Công ty nước sạch cung cấp luôn trong tình trạng vàng khè, vẩn đục, phải xả nước ra chậu hoặc bể để lắng lọc mới dám sử dụng nấu ăn, tắm giặt. Chẳng biết có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không nhưng không còn nguồn nước nào khác đành phải dùng...

Bức xúc trước việc nguồn nước sinh hoạt có những dấu hiệu bất thường, nhiều hộ đã kiến nghị các cấp chính quyền địa phương và đề nghị Công ty nước sạch có trách nhiệm giải quyết. Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của người dân, UBND huyện Cao Phong yêu cầu Công ty nước sạch xử lý, giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân theo Công ty nước sạch giải trình, do thời điểm thi công tuyến thoát nước tại khu 3, thị trấn Cao Phong, đơn vị thi công làm vỡ tuyến ống cấp nước chính. Trong quá trình khắc phục, sửa chữa phải sục rửa nên gây ra hiện tượng nước có màu. Công ty đã khắc phục triệt để, không còn hiện tượng nước có màu đục.

Cần kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng nước một cách khách quan

Chiều 7/9/2023, nhóm phóng viên Báo Hòa Bình có mặt tại nhà chị Lê Thị Nhung, khu 2, thị trấn Cao Phong. Trong quá trình trao đổi, nắm bắt thông tin có đại diện lãnh đạo Xí nghiệp sản xuất và kinh doanh nước sạch Cao Phong và cán bộ Phòng Kỹ thuật - Hóa nghiệm, Công ty CP nước sạch Hòa Bình đến kiểm tra thực tế. Tại thời điểm kiểm tra, nguồn nước được xả trực tiếp từ vòi nước, qua đồng hồ tính khối lượng do Công ty nước sạch lắp đặt không còn hiện tượng bùn đất, vàng đục như trước đó. Tuy nhiên, qua quan sát trực quan nước xả có nhiều tăm bọt khí, nước trở nên trong khi tăm bọt khí tan hết, dù vậy vẫn có màu vàng nhẹ, không trong suốt như nước đã qua máy lọc. Lý giải hiện tượng trên, ông Diệp Quang Huy, Giám đốc Xí nghiệp sản xuất và kinh doanh nước sạch Cao Phong cho rằng: Do áp lực nước trong hệ thống lớn nên khi xả gây ra bọt khí, sau thời gian ngắn bọt khí sẽ tan hết. Còn tình trạng nước vẫn hơi có màu vàng do trong hệ thống đường ống còn tồn dư bùn lắng, chỉ cần xả một lúc là hết.

Theo thông tin ghi nhận do người dân cung cấp, trong buổi sáng và chiều 8/9/2023, nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho người dân tại khu 2, 3, 4, 5, thị trấn Cao Phong đã trở lại bình thường, không còn hiện tượng vàng đục, có bùn lắng như buổi sáng 7/9/2023.

Liên quan đến vấn đề chất lượng nước cung cấp, phục vụ sinh hoạt người dân trên địa bàn thị trấn Cao Phong có đảm bảo, ông Diệp Quang Huy khẳng định, nguồn nước được Xí nghiệp sản xuất và kinh doanh nước sạch Cao Phong cung cấp cho người dân đảm bảo an toàn, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe do các cơ quan có thẩm quyền xác nhận và thường xuyên lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra, kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng nước.

Tuy nhiên, trước những phản hồi, lý giải của đơn vị cung cấp, người dân cho rằng chưa thỏa đáng. Bởi khi sự việc xảy ra người dân đã thông báo đến cán bộ quản lý, thu ngân của công ty để xử lý nhưng sự việc không được xử lý kịp thời. Chỉ đến khi người dân bức xúc và có sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông phía công ty mới cử cán bộ xuống ghi nhận tình hình và có biện pháp khắc phục. Hơn nữa, đây không phải lần đầu tiên xảy ra tình trạng này. Nhiều người dân cũng cho rằng chất lượng nước do Xí nghiệp sản xuất và kinh doanh nước sạch Cao Phong cung cấp chưa đảm bảo. Cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng có thẩm quyền lấy mẫu phân tích, đánh giá chất lượng nước một cách chính xác, khách quan. Bởi "người dân bỏ chi phí, bỏ tiền ra để mua nước thì cũng phải được sử dụng các sản phẩm có chất lượng, tương xứng với đồng tiền bỏ ra” - chị Nguyễn Thị Huyền, khu 2, thị trấn Cao Phong nêu quan điểm.

Vũ Phong


Các tin khác


Tăng cường phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường trong mùa mưa bão

(HBĐT) - UBND tỉnh ban hành Công văn số 1578/UBND-KTN ngày 12/9/2023 về việc tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường trong mùa mưa bão trên địa bàn tỉnh.

Theo dõi chặt chẽ các điểm sạt lở, nguy cơ sạt lở

(HBĐT) - Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh vừa có Công văn số 44/BCH-VP ngày 12/9/2023 về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, nguy cơ ngập úng sạt lở đất trên địa bàn tỉnh. 

Nỗ lực lấp đầy những “lỗ hổng” về an toàn thông tin mạng

(HBĐT) - Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 50 công chức, viên chức được giao nhiệm vụ chuyên trách về công nghệ thông tin (CNTT), nhưng trong đó chỉ có 3 công chức được đào tạo chuyên sâu về an toàn, an ninh thông tin (AT, ANTT). Thực tế trên cho thấy, việc đảm bảo AT, ANTT mạng là vấn đề đáng lưu tâm khi tỉnh tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong chuyển đổi số và xây dựng, phát triển chính quyền điện tử...

Liên đoàn Lao động TP Hòa Bình: Dấu ấn Chương trình 1 triệu sáng kiến

(HBĐT) - Hưởng ứng Chương trình "1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19 (gọi tắt là Chương trình 1 triệu sáng kiến) do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phát động từ ngày 1/9/2021 - 31/8/2023, theo thống kê của LĐLĐ tỉnh, kết thúc chương trình, LĐLĐ TP Hòa Bình là đơn vị xuất sắc dẫn đầu toàn tỉnh với 8.235 sáng kiến, đạt 408% kế hoạch giao, trong đó có nhiều sáng kiến được áp dụng trong công tác, giảng dạy, sản xuất, kinh doanh, làm lợi cho cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp. Chương trình đã khơi dậy tinh thần hăng hái thi đua lao động sản xuất, công tác trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) trên địa bàn thành phố.

Ứng dụng flycam trong vận hành lưới điện

(HBĐT) - Thời gian qua, Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hoà Bình) tăng cường ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, việc ứng dụng thiết bị bay không người lái (flycam) trong quản lý, vận hành lưới điện đã góp phần nâng cao chất lượng, tăng năng suất lao động.

Xã Vạn Mai không lơ là với thiên tai

(HBĐT) - Xã Vạn Mai (Mai Châu) có địa hình dốc, nhiều chia cắt, người dân sinh sống chủ yếu ven các chân đồi. Vào mùa mưa thường xuyên xảy ra hiện tượng sạt lở, đá lăn, gây ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề đến đời sống của người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục