Hộ dân xóm Ngái, xã Thạch Yên (Cao Phong) nuôi nhốt gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại.
Mấy hôm nay, vùng cao Tân Lạc chìm trong mây mù, giá rét. Theo người dân địa phương, vào ban đêm, sáng sớm, nhiệt độ thấp nhất ghi nhận khoảng 30C, còn trong ngày duy trì 5 - 60C. Vì vậy, hầu như bà con ở các xã vùng cao nuôi nhốt hoàn toàn gia súc tại chuồng để quản lý, chống đói, rét.
Gia đình bà Hà Thị Yến, xóm Hày Dưới, xã Vân Sơn mấy năm trước từng có vật nuôi bị chết trong thời điểm rét đậm, rét hại do thả bò vào rừng. Rút kinh nghiệm, những năm gần đây, gia đình bà Yến đã chủ động nuôi nhốt bò tại chuồng khi nhiệt độ xuống thấp. "Mấy hôm nay trời rét lắm, cả ngày có sương mù nên gia đình nhốt bò tại chuồng, đốt lửa sửa ấm. Còn thức ăn thì tận dụng rơm từ vụ trước và vào rừng lấy thêm cỏ cho bò ăn. Vừa rồi, ở xóm đã có bê bị chết do một số gia đình vẫn chăn thả khi thời tiết rét đậm như này”, bà Yến chia sẻ.
Ở xã vùng cao Thạch Yên, huyện Cao Phong, những ngày này cũng trải qua đợt rét buốt thấu da thịt. Đây là một trong những xã phát triển mạnh chăn nuôi trâu, bò nên chính quyền và người dân tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống đói, rét cho gia súc. Gia đình anh Bùi Văn Long, xóm Ngái nuôi 2 con trâu, bình thường sẽ thả lên đồi. Những ngày này, trâu được nuôi nhốt hoàn toàn. Anh Long chia sẻ: So với vùng thị trấn, trên này rét hơn từ 2-30C, lại có sương mù, sương muối nên cảm giác rét buốt hơn. Để bảo đảm an toàn cho trâu, gia đình đã che chắn lại chuồng trại, thường xuyên dọn dẹp để giữ nền chuồng luôn khô ráo. Do gia đình đã chủ động tích trữ rơm, trồng được nhiều chuối, cây ngô nên đảm bảo có đủ thức ăn cho trâu khi nuôi nhốt.
Ghi nhận thực tế, hầu hết người chăn nuôi trong tỉnh đã chủ động che chắn chuồng trại, giữ ấm cho vật nuôi. Ảnh chụp tại xóm Cọi, xã Yên Phú (Lạc Sơn).
Những giải pháp mà các hộ triển khai cũng là khuyến cáo của ngành chức năng đối với người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Trần Tiến Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh cho biết: Thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài như hiện nay sẽ làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, nhất là đối với gia súc già yếu, gia súc non. Do đó, các địa phương cần tăng cường hướng dẫn người chăn nuôi chủ động dự trữ thức ăn, đảm bảo cung cấp thức ăn tại chuồng không để gia súc bị đói, khát. Khi nhiệt độ quá lạnh (dưới 120C) thì không chăn thả, không cho trâu, bò làm việc; áp dụng chế độ chăn thả muộn, về sớm. Đồng thời giữ khô nền chuồng, che chắn tránh gió lùa, tận dụng quần áo, chăn cũ giữ kín, giữ ấm, tạo nguồn nhiệt (đốt chấu, củi) sưởi ấm cho gia súc. Bên cạnh đó cần vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, xử lý tốt gia súc chết và chất thải vật nuôi. Thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi đề phòng dịch bệnh xảy ra; khi phát hiện gia súc bị bệnh phải có biện pháp can thiệp kịp thời.
Mặc dù theo ngành chức năng, hiện chưa ghi nhận gia súc bị chết do đói, rét. Tuy nhiên ở các khu vực vùng cao vẫn còn một bộ phận người dân thả rông gia súc. Thực tế, vào nửa cuối tháng 2/2022, cũng với thời tiết rét đậm, rét hại như hiện nay, toàn tỉnh đã thiệt hại trên 600 con trâu, bò. Do đó, người chăn nuôi tuyệt đối không chăn thả gia súc khi trời quá lạnh (dưới 120C) và tuân thủ các biện pháp để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi.
Viết Đào