Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra, hướng dẫn hộ chăn nuôi xã Phú Lai, huyện Yên Thuỷ thực hiện các biện pháp phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Những năm gần đây, mặc dù DTLCP không xảy ra trên diện rộng, thiệt hại đã giảm nhiều so với những năm trước nhưng vẫn luôn âm ỉ, đe dọa đến nghề nuôi lợn trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, DTLCP xảy ra tại 17 xã của các huyện: Lạc Sơn, Kim Bôi, Yên Thủy, Mai Châu, Đà Bắc và thành phố Hoà Bình. Tổng số lợn ốm, chết phải tiêu hủy do mắc bệnh DTLCP là 1.061 con, trọng lượng tiêu hủy 49.360 kg. Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) tỉnh,nguyên nhân xảy ra DTLCP là do chưa thực hiện tốt việc kiểm soát giết mổ động vật, chưa kiểm soát chặt chẽ việc mua bán, vận chuyển lợn trên địa bàn. Ở nhiều địa phương còn phổ biến tình trạng mua bán lợn giống trên mạng, con giống không có nguồn gốc rõ ràng, hình thức thanh toán tiền qua trung gian thuê vận chuyển. Một số cơ sở đã bùng phát DTLCP do mua phải lợn giống bị bệnh về nuôi, từ đó làm gia tăng lây lan dịch bệnh động vật trên địa bàn.
Từ đầu năm 2024 đến nay, DTLCP bùng phát trở lại ở 3 xã: Đoàn Kết, Hữu Lợi, Phú Lai, huyện Yên Thuỷ, tổng số lợn mắc bệnh phải tiêu huỷ là 67 con, trọng lượng 3.882 kg. Cụ thể, ngày 18/2, 1 con lợn nái của hộ gia đình tại xóm Tân Vượng, xã Phú Lai bị mắc bệnh buộc phải tiêu huỷ với trọng lượng 175 kg. Cùng ngày cũng ghi nhận 19 con lợn nái, lợn thịt của gia đình ông Nguyễn Văn Tráng, xóm Yên Thời, xã Hữu Lợi phải tiêu huỷ vì DTLCP, trọng lượng 1.630 kg. Trước đó, đầu tháng 1/2024 và giữa tháng 2/2024, tại xã Đoàn Kết đã ghi nhận lợn của 2 hộ dân thuộc xóm Mền 1 và Phú Vệ mắc DTLCP. Ngoài ra, tại thị trấn Hàng Trạm cũng đã ghi nhận 42 con lợn của 2 hộ dân phải tiêu huỷ vì DTLCP.
Vừa qua, đoàn công tác của Chi cục CN&TY đã kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các xã nói trên triển khai các biện pháp để kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Theo đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng CN&TY (Chi cục CN&TY tỉnh) cho biết: Qua kiểm tra thực tế cho thấy, nguyên nhân dẫn đến DTLCP bùng phát trở lại trên địa bàn huyện Yên Thuỷ là do không quản lý tốt công tác nhập con giống, chưa kiểm soát được các sản phẩm thịt lợn vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ trên địa bàn. Đáng chú ý, cách đây khoảng 1 tháng, ở địa bàn giáp ranh thuộc tỉnh Ninh Bình đã bùng phát mạnh DTLCP. Tuy nhiên hoạt động mua bán lợn thịt, lợn giống từ vùng dịch này về chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Đồng chí Trưởng phòng CN&TY khuyến cáo: Chính quyền địa phương cần áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý triệt để dứt điểm các ổ dịch, không để lây lan trên diện rộng. Đồng thời chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp lợn mắc bệnh, tuân thủ việc lấy mẫu để xác định chính xác bệnh DTLCP. Bên cạnh đó, thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển lợn giống không rõ nguồn gốc. Còn đối với các hộ có lợn mắc bệnh phải thực hiện phun khử trùng, tiêu độc chuồng trại; hạn chế việc tái đàn, nếu muốn tái đàn phải sau ít nhất 3 tháng dịch bệnh được kiểm soát. Khi tái đàn thì con giống phải đảm bảo nguồn gốc rõ ràng..
Trước đó, ngày 11/12/2023, Sở NN&PTNT có Báo cáo số 986/BC-SNN về tình hình dịch và công tác phòng, chống DTLCP trên địa bàn tỉnh. Trong đó nhấn mạnh, việc tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật có ý nghĩa quan trọng trong phòng, chống DTLCP. Ngoài ra, ngành chức năng, các địa phương cần tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép, không rõ nguồn gốc; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm từ các địa phương khác vào địa bàn.
Viết Đào