Trong quá trình thi công dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 6 đoạn qua Dốc Cun, đơn vị thi công đã thực hiện nghiêm phương án sử dụng vật liệu nổ, lắp đặt biển cảnh báo, cảnh giới và phân luồng giao thông, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình sử dụng vật liệu nổ.
Hiện nay, trong tỉnh có 73 điểm mỏ đá làm vật liệu xây dựng, 44 điểm mỏ sét làm gạch ngói, 10 điểm mỏ cát xây dựng, 20 điểm mỏ đá vôi xi măng, 29 điểm mỏ sét xi măng, 7 điểm mỏ laterit, 79 điểm mỏ đất san lấp, 23 điểm mỏ sắt, 17 điểm mỏ đồng, 17 điểm mỏ chì kẽm, 5 điểm mỏ quặng đa kim, 6 điểm mỏ vàng, 2 điểm mỏ antimon, 1 điểm mỏ khoáng sản niken, 5 điểm mỏ khoáng sản pyrit, 2 khu vực cao lanh, felpat phân tán, nhỏ lẻ, 9 khu vực có khoáng chất công nghiệp (talc), 12 điểm nước khoáng nóng, 25 điểm quặng than, 1 điểm quarzit. Các điểm khai thác mỏ đá, khoáng sản chủ yếu sản xuất theo phương pháp truyền thống là sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và các loại hóa chất. Chính vì vậy, công tác quản lý, cấp phép sử dụng vật liệu nổ phục vụ khai thác khoáng sản có ý nghĩa rất quan trọng.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, công tác quản lý khai thác khoáng sản, VLNCN và hóa chất đã được triển khai tới tất cả các địa phương, trong đó đặc biệt là địa bàn huyện Lương Sơn và TP Hòa Bình là hai đơn vị tập trung nhiều mỏ khai thác khoáng sản nhằm đảm bảo công tác quản lý sử dụng, phòng chống cháy nổ. Ngành Công Thương đã chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng Kho bảo quản VLNCN của các doanh nghiệp trên địa bàn. Đôn đốc các đơn vị hoạt động khoáng sản thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách nhà nước. Từ đầu năm đến nay, ngành Công Thương đã tham gia ý kiến chủ trương đầu tư, thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở 2 dự án đối với khai thác mỏ đá và thẩm định cấp giấy phép sử dụng vật liêu nổ cho 6 đơn vị.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn một số doanh nghiệp sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh chưa tuân thủ chặt chẽ quy trình, quy định của pháp luật, giấy phép sử dụng VLNCN và hồ sơ thiết kế được phê duyệt tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống sinh hoạt của người dân. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là ý thức trách nhiệm của một số địa phương, đơn vị hoạt động VLNCN chưa cao, chưa thực hiện tốt các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng VLNCN.
Để siết chặt công tác quản lý VLNCN và hóa chất, Sở Công Thương đã phối hợp với các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động VLNCN đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động lĩnh vực này và người dân trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật trong hoạt động VLNCN; xử lý các hành vi vi phạm theo thẩm quyền; tăng cường công tác quản lý để tránh xảy ra tình trạng thất thoát VLNCN và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý cấp giấy phép sử dụng VLNCN; thường xuyên phối hợp với Công an tỉnh và chính quyền địa phương để kịp thời nắm bắt các thông tin liên quan đến hoạt động VLNCN trên địa bàn tỉnh; tăng cường phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương kiểm tra hoạt động trong khai thác mỏ và thi công công trình có sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh.
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý hoạt động VLNCN trên địa bàn. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác phối hợp nhằm siết chặt quản lý VLNCN. Đồng thời đề ra các quy định cụ thể đối với các đơn vị hoạt động VLNCN. Trong đó, bắt buộc phải có phương án sử dụng vật liệu nổ; phối hợp chính quyền địa phương rà soát, bổ sung các vị trí lắp đặt biển cảnh báo, vị trí cảnh giới đối với các khu vực thường xuyên có người, phương tiện lưu thông nằm trong phạm vi bán kính vùng nguy hiểm khi sử dụng VLNCN; trang bị camera tại khu vực sử dụng VLNCN và lưu giữ đầy đủ (tài liệu, video, hình ảnh…) liên quan đến toàn bộ quá trình sử dụng VLNCN; thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường theo nội dung tại Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Phương án cải tạo phục hồi môi trường và Giấy phép môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền cấp, phê duyệt...
Đinh Hòa
Nhiều quận huyện ở Hà Nội và Hòa Bình xuất hiện mưa giông lớn kèm mưa đá, hạt đá to bằng đầu ngón tay, nhanh chóng tan khi tiếp đất.