Qua công tác quản lý, giám sát, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện dấu hiệu một số đối tác nước ngoài lợi dụng viện trợ chương trình, dự án trên lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu để đưa ra yêu cầu sở hữu lợi nhuận phát sinh từ "tín chỉ carbon” từ các dự án đã viện trợ, triển khai trên địa bàn tỉnh... Trước thực tế trên, UBND tỉnh đã ra văn bản nhằm cảnh báo, khuyến cáo nghiêm túc về những vấn đề có liên quan.
Lực lượng chức năng huyện Cao Phong tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng đầu nguồn tại địa bàn xã Thạch Yên.
Dự án được đánh giá mang lại nhiều lợi ích
Dự án "Cải thiện thu nhập cho nông dân và tăng khả năng hấp thu carbonic (CO2) thông qua hoạt động trồng rừng gỗ lớn giai đoạn 2” được triển khai tại 3 xã: Thạch Yên, Hợp Phong (Cao Phong), Văn Sơn (Lạc Sơn), do Hội Nông dân tỉnh thực hiện bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại, được cung cấp bởi tổ chức phi chính phủ Grow For It thông qua Công ty Silva Causa (Đan Mạch). Dự án có tổng nguồn vốn 1,895 tỷ đồng, tương đương 574.057 Krone (DKK - đơn vị tiền tệ của Đan Mạch). Trong đó, vốn viện trợ không hoàn lại 363.550 DKK (tương đương 48.387 USD), bằng 1,2 tỷ đồng; vốn đối ứng 695 triệu đồng, tương đương 210.507 DKK. Dự án được thực hiện với mục tiêu góp phần tăng tính đa dạng sinh học, giảm xói mòn, tăng tính phòng hộ cho khu rừng, tăng khả năng hấp thụ CO2 và cải thiện sinh kế cho người dân sống dựa vào rừng, bằng cách trồng kết hợp giữa cây bản địa có chu kỳ khai thác dài (ít nhất 20 năm) với cây keo (chu kỳ 8 - 10 năm). Từ dự án này, các bên liên quan mong muốn góp phần cải thiện sinh kế xã hội và môi trường cho các hộ trồng rừng, người dân địa phương; tăng độ màu mỡ cho đất, hấp thụ khí CO2 cùng nhiều lợi ích khác.
Hưởng lợi trực tiếp từ dự án gồm 55 hộ dân, tương đương với 220 người. Các hộ tham gia dự án được hưởng lợi từ việc nhận hỗ trợ tài chính, kỹ thuật trồng rừng lấy gỗ lớn và hấp thụ khí CO2. Ngoài ra còn có hàng chục nghìn người trong địa bàn được hưởng lợi từ việc cây hấp thụ khí CO2 và cung cấp Oxy (O2) cho môi trường, giúp không khí trong lành hơn. Bên cạnh đó, việc trồng rừng còn giúp bảo vệ, duy trì nguồn nước ngầm phục vụ cho sinh hoạt và hoạt động sản xuất thường ngày của người dân.
Dự án được triển khai thực hiện từ tháng 1/2023 - 5/2024 trên diện tích 55ha. Quá trình tham gia dự án, các hộ dân được hỗ trợ vay vốn không lãi suất từ 8 - 10 năm. Sau thời gian trên, hộ dân hoàn trả vốn vay cho Quỹ đầu tư phát triển cộng đồng do Hội Nông dân tỉnh quản lý. Số tiền này sẽ cho hộ khác vay để trồng rừng chu kỳ tiếp theo. Theo đánh giá, dự án mang tính bền vững và có nhiều tác động tích cực, tính bền vững về kỹ thuật lâm sinh, tạo ra sự bền vững về tài chính cho người dân, sự bền vững về môi trường. Đồng thời, phù hợp với định hướng phát triển rừng tại Việt Nam và kế hoạch khuyến khích phát triển rừng trồng gỗ lớn của tỉnh.
Có yêu cầu, đòi hỏi trái quy định pháp luật?
Mặc dù được đánh giá là mang lại nhiều tác động tích cực cho đời sống của các hộ dân tham gia dự án. Tuy nhiên, tại thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nông dân tỉnh và những bên có liên quan, ngoài các quy định bắt buộc về quản lý, sử dụng nguồn vốn và các điều khoản thỏa thuận, quyền lợi của các bên liên quan, có một điều khoản, đòi hỏi được xem là trái với quy định của pháp luật Việt Nam. Theo đó, sau khi thực hiện dự án, tổ chức Grow For It sẽ giữ độc quyền yêu cầu quyền sở hữu đối với lượng carbonic (CO2) được hấp thụ bởi việc trồng rừng từ nguồn tài trợ theo thỏa thuận này. Tổ chức Grow For It giữ độc quyền đối với quyền sở hữu lượng CO2 hấp thụ sẽ được duy trì tối thiểu trong 50 năm.
Từ thực tế trên, ngày 12/7/2024, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1114/UBND-NVK gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, thành phố về việc quản lý và đảm bảo an ninh trật tự liên quan đến "tín chỉ carbon” trên địa bàn tỉnh. Tại văn bản, UBND tỉnh chỉ rõ: Qua công tác quản lý, giám sát, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị chưa chấp hành nghiêm túc quy định của Chính phủ, UBND tỉnh. Tình trạng một số cơ quan, tổ chức trực tiếp ký kết "Thỏa thuận hợp tác” để tiếp nhận các chương trình, dự án của cơ quan, tổ chức nước ngoài còn xảy ra. Đã xuất hiện dấu hiệu đối tác nước ngoài lợi dụng viện trợ chương trình, dự án trên lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu để đưa ra yêu cầu sở hữu lợi nhuận phát sinh từ dự án do phía nước ngoài viện trợ (sở hữu "tín chỉ carbon” được tạo ra từ diện tích trồng rừng gỗ lớn). Đây là đòi hỏi trái quy định pháp luật Việt Nam, không phù hợp với mục đích hoạt động nhân đạo và tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại về kinh tế, phức tạp về an ninh trật tự được nêu tại khoản 2, Điều 5, Nghị định số 80/2020/NĐ-CP, ngày 08/7/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam là: "Sử dụng viện trợ để tìm kiếm lợi nhuận phân chia, tư lợi cá nhân, không vì mục đích nhân đạo, phát triển kinh tế - xã hội, không vì lợi ích cộng đồng”.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, đây là vấn đề mới, các cơ quan, tổ chức, địa phương chưa kịp thời cập nhật thông tin liên quan, thiếu kinh nghiệm trong hợp tác quốc tế nên đã tiến hành ký kết "Thỏa thuận hợp tác viện trợ” trái quy định, để phía nước ngoài lồng ghép nội dung không phù hợp.
Cảnh báo những vấn đề liên quan đến "tín chỉ carbon”
"Tín chỉ carbon” được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, được thông qua năm 1997; là công cụ đo lường và giảm lượng khí nhà kính gây ra từ các hoạt động của con người; cho phép các quốc gia còn dư thừa quyền phát thải được bán, cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Mục tiêu chính của việc tạo ra "tín chỉ carbon” là giảm lượng khí thải Carbon dioxide và các loại khí nhà kính khác từ các hoạt động công nghiệp, nhằm giảm tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Tại Việt Nam, khoản 35, Điều 3, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nêu: "tín chỉ carbon” được xác định là chứng nhận để giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải khí Carbon dioxide vào bầu khí quyển. Theo đó, "tín chỉ carbon” là giấy phép hoặc chứng chỉ (hàng hóa) có thể mua bán, cung cấp cho chủ sở hữu quyền phát thải một tấn khí CO2 hoặc một tấn khí nhà kính tương đương.
Thực hiện cam kết quốc tế đạt mức phát thải ròng bằng "0” vào năm 2050, ngày 07/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô zon, quy định về lộ trình phát triển, triển khai thị trường carbon trong nước. Tuy nhiên, thời gian qua có nhiều thông tin chưa thực sự đầy đủ, toàn diện, chính xác về thị trường carbon và các cơ chế quản lý "tín chỉ carbon”. Đặc biệt là hoạt động tạo, quản lý "tín chỉ carbon” từ rừng và một số lĩnh vực khác; nhiều tổ chức, doanh nghiệp và người dân chưa hiểu đúng đắn về thị trường carbon và phương thức tạo "tín chỉ carbon” để có thể giao dịch trên thị trường. Đây là những hạn chế mà cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài không thiện chí; các tổ chức tội phạm nước ngoài có thể lợi dụng khi viện trợ nhân đạo, đầu tư trên lĩnh vực năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam nhằm gây thiệt hại về kinh tế, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, xâm phạm an ninh quốc gia...
Xuất phát từ thực tế cũng như để chủ động các biện pháp quản lý, bảo đảm an ninh trật tự liên quan đến "tín chỉ carbon”, UBND tỉnh khuyến cáo, yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị định của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý "tín chỉ carbon”; quyết định của UBND tỉnh về quy chế quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam trên địa bàn tỉnh; nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về lợi ích tiềm năng, những nguy cơ phức tạp về an ninh trật tự liên quan đến "tín chỉ carbon”. Từ đó, nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa khi hợp tác, làm việc với các đối tác, tránh sơ hở gây bất lợi về kinh tế hoặc tác động tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn; không ký kết thỏa thuận hợp tác, bản cam kết, bản ghi nhớ với phía nước ngoài để tiếp nhận các khoản viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức nước ngoài viện trợ, đầu tư trên lĩnh vực năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường công tác truyền thông về thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia, phương thức tạo "tín chỉ carbon”, tham gia thị trường carbon tự nguyện...
Không đồng ý triển khai dự án giai đoạn 3
Nguyễn Thanh Tuấn
Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc
Thời gian qua, UBND huyện Đà Bắc được cơ quan triển khai dự án "Cải thiện thu nhập cho nông dân và tăng khả năng hấp thu carbonic (CO2) thông qua hoạt động trồng rừng gỗ lớn” của tỉnh đề xuất triển khai giai đoạn 3 của dự án trên địa bàn xã Cao Sơn, với sự tham gia của 6 hộ gia đình trên diện tích thực hiện 7,5ha. Thời gian triển khai từ tháng 6/2024 - 8/2025.
Tuy nhiên, sau khi xem xét, đánh giá tổng quan các nội dung, yếu tố có liên quan, UBND huyện đã từ chối không đồng ý triển khai dự án này giai đoạn 3 trên địa bàn huyện.
Chưa thể đánh giá hiệu quả, lợi ích dự án đem lại cho người dân
Bùi Đức Chung
Chủ tịch UBND xã Thạch Yên, huyện Cao Phong
Xã Thạch Yên là địa bàn thụ hưởng dự án "Cải thiện thu nhập cho nông dân và tăng khả năng hấp thu carbonic (CO2) thông qua hoạt động trồng rừng gỗ lớn giai đoạn 2” từ năm 2023. Do dự án mới triển khai và hoàn thành việc đầu tư nên cũng chưa thể đánh giá được những hiệu quả, lợi ích rõ ràng, cụ thể mà dự án đem lại. Chúng tôi cũng mong dự án sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân. Đồng thời mong rằng sau này sẽ không có vấn đề gì liên quan, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Vũ Phong
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 25/9, Nhiều khu trên cả nước trời nắng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 24/9, khu vực từ Nam Nghệ An đến Quảng Ngãi và khu vực Bắc Tây Nguyên, Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, có nơi trên 60mm (thời gian mưa tập trung vào chiều và tối).
Những giờ qua, trên địa bàn huyện Đà Bắc xảy ra mưa lớn đã gây ra 2 điểm sạt lở với khối lượng đất, đá lớn trên đường tỉnh 433 khiến giao thông bị ách tắc. Từ chiều 22/9 đến sáng 23/9, lực lượng chức năng tập trung để xử lý, thông tuyến.
Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đà Bắc, mưa lớn trong những giờ qua tiếp tục gây sạt lở đất tại nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện.
Chiều 22/9, đồng chí Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) đã trực tiếp kiểm tra tại Thủy điện Hòa Bình. Cùng đi có lãnh đạo Sở NN&PTNT và Công ty Thủy điện Hòa Bình.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có Công điện số 1703/CĐ - BNN - ĐĐ về việc mở cửa xả đáy thứ 2 hồ Thủy điện Hòa Bình.