Được phát hiện và ghi nhận tại vùng núi đá vôi của Việt Nam và Lào, loài chim này khá giống với loài Chích ngực vàng Phylloscopus ricketti nhưng về hình thái thì nhỏ hơn, cánh tròn hơn.
Loài chim chích mới phát hiện này được đặt tên là Chích núi đá vôi, tên khoa học là Phylloscopus calciatilis. Loài này khá giống với loài chim Chích ngực vàng Phylloscopus ricketti nhưng về hình thái thì nhỏ hơn, cánh tròn hơn.
Ban đầu, loài chim này được xác định như là loài Chích ngực vàng nhưng người ta lại tìm thấy loài này ở cách khu vực sinh sản quen thuộc của chúng chừng 1.000 km. Sau đấy, các nhà khoa học nhận thấy tiếng hót của chúng cũng khác so với tiếng hót của loài Chích ngực vàng. Đây là những cơ sở ban đầu để tiến hành các nghiên cứu sâu hơn về loài này.
Chích núi đá vôi - loài từng được xác định như là loài Chích ngực vàng. Ảnh: Ulf Johansson. |
Tiếng hót và tiếng gọi của loài này đã được phân tích. Dựa trên kết quả phân tích nhiễm sắc thể và DNA, các nhà khoa học nhận thấy, loài chim chích mới này có quan hệ rất gần gũi với loài Chích ngực vàng và Chích đít vàng.
Chính những chuyên gia của tổ chức BirdLife và Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã đưa ra những bằng chứng thuyết phục rằng loài chim này định cư và sinh sản ở vùng núi đá vôi miền Trung Việt Nam.
"Vùng núi đá vôi ở Lào và Việt Nam rất đáng được lưu tâm vì đây là nơi có mức độ đa dạng sinh học cao của các loài thực vật, động vật không xương sống và các loài thú. Tuy nhiên, chỉ gần đây thì người ta mới quan tâm tới sự đa dạng của các loài chim ở khu vực này", Jonathan Eames, trưởng đại diện tổ chức BirdLife Quốc tế tại Đông Dương nói.
Đã từng có 4 loài chim được tìm thấy ở khu vực núi đá vôi này. Một trong số đó là loài Khướu mun Stachyris herberti được các chuyên gia của tổ chức Birdlife phát hiện lại vào năm 1994 sau hơn 64 năm mất tích. Loài Khướu mun cũng được tìm thấy ở đúng khu vực mà loài Chích núi Đá Vôi vừa được phát hiện.
Đây là một vùng rừng núi đá vôi rộng lớn, nay thuộc Vườn Quốc Gia Hin Namno ở Lào và Phong Nha - Kẻ Bàng ở Việt Nam. Mặc dù loài chim này hiện không bị đe dọa nhưng tổ chức BirdLife sẽ đánh giá tình trạng bảo tồn loài của chúng, từ đó thêm dữ liệu cho Sách Đỏ của IUCN về loài này.
Theo VnExpress