Xăng sinh học thân thiện hơn với môi trường nhờ giảm lượng khí thải độc hại.
Tại Diễn đàn kinh tế các nước Ðông Á diễn ra ở TP Hồ Chí Minh vào đầu tháng 6-2010, các chuyên gia khoa học, kinh tế, tập đoàn đa quốc gia đã nêu nhiều giải pháp tìm kiếm những nguồn năng lượng mới, trong đó có nhiên liệu sinh học (NLSH) để từng bước bổ sung và thay thế nguồn năng lượng từ dầu mỏ.
Nhận thấy tầm quan trọng của việc phát triển nguồn NLSH, ngày 20-11-2007, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt "Ðề án phát triển NLSH đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025" với mục tiêu chủ yếu phát triển NLSH để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. Ðề án bao gồm hoạt động của các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp, nhằm xây dựng lộ trình sử dụng NLSH, khung pháp lý, các chính sách khuyến khích sản xuất, xây dựng mô hình thử nghiệm sản xuất và phân phối NLSH, cũng như các dự án đầu tư của Chính phủ để phát triển NLSH đến năm 2025.
Vì sao sản xuất nhiên liệu sinh học?
Việc khám phá ra dầu mỏ đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển của xã hội loài người. Tuy nhiên, nó cũng làm phát sinh những vấn đề nan giải trong quá trình khai thác và sử dụng dầu mỏ gây ra, đáng kể nhất là sự ô nhiễm môi trường do khí thải của quá trình đốt cháy nhiên liệu.
Khí thải từ các hoạt động có liên quan đến sản phẩm dầu mỏ và nhiên liệu hóa thạch chiếm khoảng 70% tổng lượng khí thải trên toàn thế giới. Hằng năm, toàn thế giới phát thải khoảng 25 tỷ tấn khí độc hại và khí nhà kính, tăng thêm 30% so với thời kỳ tiền công nghiệp (từ 280 ppm tăng lên 360 ppm), khiến nhiệt độ trái đất tăng 0,2 đến 0,4oC. Nếu không có giải pháp tích cực, thì đến năm 2050, tác hại của khí độc hại và nồng độ khí nhà kính có thể tăng lên 400 ppm và sẽ gây ra hậu quả khôn lường về môi trường sống.
Ngược lại, NLSH so với xăng dầu khoáng giảm được 70% khí CO2 và 30% khí độc hại... Ðồng thời, NLSH chứa một lượng cực nhỏ lưu huỳnh, chứa 11% ô-xy nên cháy sạch hơn. NLSH phân hủy sinh học nhanh nên ít gây ô nhiễm nguồn nước và đất...
Nhiên liệu sinh học - xu thế tất yếu Của sự phát triển
Ðã có khoảng 50 nước trên thế giới khai thác và sử dụng nguồn nhiên liệu này. NLSH được hiểu là nhiên liệu tái tạo được sản xuất từ nguyên liệu sinh học - sinh khối. NLSH bao gồm thực vật sạch e-tha-non, đi-ê-den sinh học, dimetyl ther (DME)... Hiện thế giới đã sản xuất khoảng 50 tỷ lít e-tha-non (75% dùng làm nhiên liệu) so với năm 2003 là 38 tỷ lít, dự kiến năm 2012 là 80 tỷ lít. Mỹ hiện là quốc gia sản xuất e-tha-non lớn nhất thế giới (năm 2006 đạt gần 19 tỷ lít, trong đó 15 tỷ lít dùng làm nhiên liệu, chiếm khoảng 3% thị trường xăng). Dự kiến năm 2012 sẽ cung cấp hơn 28 tỷ lít e-tha-non và đi-ê-den sinh học, chiếm 3,5% lượng xăng dầu sử dụng. Ở Trung Quốc, từ năm 2005 đến năm 2008 sản lượng e-tha-non tăng trưởng bình quân mỗi năm 21% và dự báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong các năm tới. Từ hồi đầu năm 2003, xăng E10 (10% e-tha-non và 90% xăng) chính thức sử dụng ở năm thành phố lớn và sẽ mở rộng ở chín tỉnh đông dân cư khác. Ấn Ðộ cũng đang phát triển nhanh chóng ngành công nghiệp sản xuất e-tha-non và dự báo sẽ có những đột phá về ngành này trong giai đoạn 2009 - 2012.
Gần hơn, Thái-lan cũng đã phát triển NLSH từ năm 1985 với dự án e-tha-non làm từ mía. Từ năm 1985 đến 1987, Thái-lan bắt đầu cho thí điểm sử dụng xăng pha e-tha-non. Mười năm sau, câu chuyện NLSH tạm lắng do giá dầu thế giới xuống thấp. Từ năm 1997 đến năm 2000, một dự án nghiên cứu được tổ chức Jica Nhật Bản tài trợ đã chứng minh hiệu quả của e-tha-non nên năm 2001, sản phẩm xăng sinh học (xăng e-tha-non) cũng được bán trên toàn quốc. Ngay từ năm 2006, thị trường Thái-lan đã dùng xăng pha 10% e-tha-non. Khi khủng hoảng giá nhiên liệu thế giới bùng nổ, Thái-lan đã chuyển sang dùng xăng pha 20% e-tha-non, đồng thời còn sản xuất được 58,3 triệu tấn e-tha-non, trong đó 35,7 triệu tấn xuất sang Nhật Bản nhờ có hiệp định đối tác toàn diện với Nhật Bản được hưởng thuế suất 0%. Phần còn lại, Thái-lan xuất sang Xin-ga-po, Phi-li-pin, Hàn Quốc, Ðài Loan (Trung Quốc). Năm 2009, sản lượng từ 13 nhà máy e-tha-non của Thái-lan là 1,87 triệu tấn lít/ngày. Các nhà đầu tư Nhật Bản như Sumitomo, Mitsubishi... vốn rất thận trọng đến nay đều tham gia đầu tư từ khâu trồng trọt đến chế biến và xuất khẩu.
Tiềm năng nhiên liệu sinh học tại Việt Nam
Ở Việt Nam, việc sử dụng NLSH có từ lâu nhưng mới chỉ ở quy mô nhỏ mang tính chất gia đình cho việc đun nấu hoặc sản xuất nhỏ. Ðó là những nhiên liệu có nguồn gốc từ các vật liệu sinh khối (biomass) như củi, gỗ, rơm, trấu, phân... nhưng đây chỉ là dạng nhiên liệu thô. Việc sử dụng vật liệu sinh khối dạng thô trong quy mô công nghiệp là rất khó khăn và hiệu quả kinh tế do nhiệt trị nhiên liệu thấp (15 đến 18 MJ/kg đối với củi, gỗ và 12-15 MJ/kg đối với trấu) dẫn đến việc khai thác, cung ứng, sử dụng còn nhỏ lẻ, phân tán. Trong khi đó, tiềm năng NLSH từ các cây dầu thực vật như sắn (mì), ngô, dứa, lạc, mỡ cá basa, rỉ đường (từ mía) chế biến thành cồn pha xăng, mè (vừng) dầu cọ... ở Việt Nam là khá lớn.
Ðáng chú ý, trong 10 năm trở lại đây, đã có một số doanh nghiệp thuộc các ngành giao thông vận tải, thủy hải sản, một số viện và trường đại học đã nghiên cứu thử nghiệm xăng pha
e-tha-non và đi-ê-den sinh học như Sài Gòn Petro, Công ty Rượu Bình Tây, Công ty Chí Hùng, Công ty AGIFISH, các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Long An... cũng đã có dự án sản xuất e-tha-non hoặc đầu tư xây dựng xưởng sản xuất đi-ê-den sinh học từ mỡ cá basa. Một số công ty liên doanh ký kết thỏa thuận trồng cây Jatrophacurcas (cây cọ rào, cây cầu mè) (giai đoạn đầu nhập thô, sau đó đầu tư trồng tại Việt Nam), nhưng vì chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu với quy trình canh tác tiên tiến, chưa có cơ chế, chính sách cho các nhà đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cũng như với đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cho nên việc sử dụng, nghiên cứu NLSH chưa phát triển. Có nơi, có lúc chỉ tuyên truyền ban đầu, sau đó để cho doanh nghiệp, cơ sở tự thân vận động khiến một bộ phận nhân dân chưa tin vào sử dụng, sản xuất NLSH.
Trong tình hình các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đang đi tìm mô hình cho sản xuất NLSH, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã nhận trách nhiệm đi đầu trong việc hình thành, phát triển ngành công nghiệp NLSH với việc đưa ra "Kế hoạch và chương trình triển khai các dự án NLSH đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025".
Theo ND
Nếu các kiến nghị theo hướng siết chặt quản lý trò chơi trực tuyến (game online) trở thành quy định chính thức, ngành công nghiệp game vừa mới manh nha phát triển ở VN có thể sẽ lụi tàn.
Các logo Windows đã có một loạt các biến đổi trong hai thập kỷ qua, tuy nhiên vẫn giữ sự nhất quán trong thiết kế. Tuy nhiên, theo một vài thông tin mới tiết lộ gần đây, Microsoft đang có ý định xây dựng mới những biểu tượng cho sản phẩm của mình.
Chỉ sau hơn 20 ngày Bộ TTTT thực hiện chính sách siết khuyến mãi đối với sim di động trả trước, thị trường này đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, các DN vẫn tiếp tục lách luật để khuyến mãi vào thẻ nạp tiền.
Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như thông tin về việc Trung Quốc xây dựng nhà máy điện hạt nhân gần sát biên giới Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của nhiều độc giả. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Văn Hồng, Viện phó Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, người trực tiếp ký bản ghi nhớ hôm 21/7 xoay quanh những vấn đề này.
Để thuận tiện khi truy cập các phần mềm hay dùng, bạn thường đặt shortcut của chúng ở desktop. Tuy nhiên, quá nhiều shortcut khiến cho desktop trở nên lộn xộn và làm ảnh hưởng tốc độ khởi động hệ thống. JetStart là công cụ cho phép giải quyết điều này.
Sông Tô Lịch có tổng chiều dài 14km. Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Lạng, không thể cùng một lúc xử lí ô nhiễm toàn bộ chiều dài dòng sông vì chi phí quá lớn. Trước mắt, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ thử nghiệm với 2km đầu tiên, đoạn sông từ đường Cầu Giấy về đường Hoàng Quốc Việt để đánh giá hiệu quả của công nghệ sử dụng. Kinh phí dự tính là từ 30-40 tỉ đồng.